Giới chuyên môn khắt khe với Chinh phục Đỉnh cao

Một tiết mục của Khánh Linh tại Chinh phục Đỉnh cao. Cô từng học ĐH về opera tại Học viện Âm nhạc Quốc gia và đang dẫn đầu về tổng điểm tại chương trình. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Một tiết mục của Khánh Linh tại Chinh phục Đỉnh cao. Cô từng học ĐH về opera tại Học viện Âm nhạc Quốc gia và đang dẫn đầu về tổng điểm tại chương trình. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
TP - Chinh phục Đỉnh cao sau liveshow thứ 4 tiếp tục gây tranh cãi trong giới chuyên môn, bởi chương trình đã “dám” đem nghệ thuật chuyên nghiệp đỉnh cao là opera ra làm món giải trí. Có sự hiểu lầm nào ở đây chăng?

Chinh phục Đỉnh cao (CPĐC) là phiên bản Việt hóa của Popstar to operastar- trò chơi truyền hình ra đời tại Anh năm 2010 biến sao nhạc pop thành sao opera trong vòng 2 tháng. Tất nhiên một giọng hát pop chuyển sang opera nói chung sẽ gặp rất nhiều vấn đề. Để chương trình đứng được, nhiều khi các nguyên tắc của opera cổ điển bị vi phạm.

“Những aria trong opera phải được trình bày ở dạng nguyên thể, hát đúng ngôn ngữ gốc và không được dịch tone theo giọng ca sĩ. Nếu không sẽ làm mất tính chuyên nghiệp của opera,” NSƯT Thu Lan- Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia cho hay.

“Tôi xin BTC Chinh phục Đỉnh cao cho nghệ thuật chuyên nghiệp còn có đường sống, đừng làm thế để khán giả nhìn vào nghệ thuật thành ra rẻ tiền quá!”

NSƯT Quốc Hưng

Theo bà, với hoàn cảnh của Việt Nam, chưa nên “đụng” đến opera: “Opera là âm nhạc đỉnh cao của phương Tây mà nền âm nhạc chuyên nghiệp của ta đang vươn đến. Ở nước ngoài, người ta có thể đưa ca sĩ nhạc pop vào hát opera vì đó là nhạc truyền thống của người ta, giống như giờ cho tôi đi hát chèo tôi vẫn hát được”.

Mặc dù BTC tự trao cho mình sứ mạng truyền bá opera, mang dòng nhạc này đến gần hơn với khán giả Việt, nhưng lại có ý kiến cho rằng chương trình đang tạo ra một cách nhìn sai lệch về opera.

Nhà báo, nhà phê bình âm nhạc Trần Lệ Chiến (Đài Tiếng nói VN) khẳng định: “Nếu là một sân chơi ở ngoài thì tôi không ý kiến, nhưng khi xây dựng thành chương trình truyền hình, cần xem xét dưới nhiều góc độ. Người dân tin vào các cơ quan ngôn luận, vì vậy bất cứ chương trình gì được phát sóng, dù là sân chơi cũng phải hội đủ yếu tố cần thiết để không định hướng lệch lạc đời sống tinh thần của không chỉ một thế hệ”.

Theo NSƯT Thu Lan, CPĐC chỉ nên dừng lại ở một sân chơi cho vui: “Có nghĩa là nó đừng đưa tiêu chí gì ghê gớm vào đây. Đã là sân chơi thì mang tính chất giải trí nhiều hơn học thuật. Đã cho vui thì không nên cho điểm, giám khảo chỉ nhận xét, còn để cho khán giả bình chọn. Làm cho nó giống cuộc thi tự nhiên biến thành trò hề cho opera!”.

“Trong chương trình tối 16/2, Nathan Lee hát không rõ lời, phô, nhưng được giám khảo kêu là ‘ông hoàng opera’ thì liệu những NSND được đào tạo trong các nhạc viện danh tiếng thế giới sẽ được gọi là gì?!”

Nhà báo Trần Lệ Chiến

Nhà báo Lệ Chiến nhận định: “Opera kết hợp với pop, dance, pasodople…- được chứ sao không, nhưng vấn đề ở đây không thể hiểu nổi họ đang hát cái gì. Vì opera khi được kết hợp với thể loại nào đi chăng nữa thì cũng làm tôn thêm vẻ đẹp sang trọng của nghệ thuật đỉnh cao chứ không thể làm giảm đi”. Trần Lệ Chiến cũng “cảnh báo”, các ca sĩ đã định hình ở những thể loại âm nhạc khác, khi tham gia sân chơi này nên thận trọng, đừng để mất đi hình ảnh không phải một sớm một chiều xây dựng được.

Ca sĩ Ngọc Anh- người nhận khá nhiều lời khen tiếng chê khi tham gia CPĐC, phát biểu: “Mọi người nên khách quan, nói về cái gì thì tìm hiểu trước về nó. Những người làm chương trình không tự vẽ ra những thứ như thế mà đây là mua lại bản quyền nước ngoài và bắt buộc phải làm theo”. 

Ngọc Anh khẳng định format chương trình không buộc ca sĩ phải hát đúng kiểu opera chính thống. Quả thực một số khán giả đinh ninh đang được xem một cuộc thi opera sẽ cảm thấy ngỡ ngàng với chẳng hạn đêm thi Nhạc kịch đương đại. Đề thi này cho phép thí sinh hoàn toàn sử dụng sở trường nhạc nhẹ của mình mà vẫn không phạm quy.

NSƯT Quốc Hưng- Phó Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia tỏ ý không đồng tình với cách nhận xét và cho điểm của giám khảo CPĐC. Anh nói: “Khán giả hiểu sâu về nghệ thuật này còn rất ít, khi giám khảo đã nhận xét phải rất chuẩn xác và rất kỹ.

Tôi thấy việc cho điểm không hợp lý, bừa bãi, cảm tính. Giám khảo nhận xét thí sinh hát không tốt, chọn bài không đúng giọng nhưng khi cho điểm lại khác hoàn toàn với lúc nhận xét, làm khán giả không định hình được đâu là thật, đâu là giả. Tôi không chê trình độ giám khảo, nhưng tôi thấy họ không có chủ kiến”.

Về chuyện một số thí sinh hát kém hơn những người khác nhưng luôn nhận điểm cao, thậm chí tối đa, Ngọc Anh phát biểu: “BGK có lựa chọn của họ và họ phải chịu trách nhiệm. Đúng họ sẽ được sự đồng thuận từ khán giả, giới chuyên môn và đặc biệt là thí sinh. Nếu sai lập tức sẽ nhận được phản hồi trái chiều và họ phải biết cách mà cân bằng. Thí sinh không hề sung sướng khi được điểm 10 để rồi bị thiên hạ ‘chửi’”.

Theo Ngọc Anh, không phải các giám khảo người Bulgary không biết gì về dư luận quanh cách cho điểm “hữu nghị” của họ. Cô cho hay: “Họ theo dõi báo hàng ngày. BTC vẫn có cuộc trao đổi thường xuyên với BGK để cân đối mọi thứ sao cho hài hòa, công bằng nhất. Họ là giám khảo nhưng cũng là nghệ sĩ. Họ có cảm tính và chính kiến của họ, bản thân người xem và thí sinh cũng không thể hiểu nổi. Đấy là việc hết sức tự nhiên chứ không phải họ có ý gì”.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.