Giữ gìn gia phong

Giữ gìn gia phong
TP - Còn nhớ cách đây ba mươi năm có lẻ, đất nước vừa qua khỏi chiến tranh, bà tôi đã ngoài tuổi 70. Hai bác sức khỏe yếu, lại có tám con. Người làm thì ít, miệng ăn thì nhiều, cái đói lúc nào cũng chực chờ. Ngỡ tưởng khi cái ăn, cái mặc thiếu nhiều người dễ trở nên tham lam. Nhưng với gia đình bà nội tôi thì không.

Được giao nhiệm vụ nấu cơm hàng ngày, chị tôi bao giờ cũng khéo chừa một góc nồi cơm không có phần độn ngô, khoai, sắn cho bà, vì bà đã rụng gần hết răng.

Ngồi vào mâm cơm, các anh chị lớn bao giờ cũng ý tứ ngồi ở đầu nồi để còn chủ động xới cơm. Có món ăn ngon, các anh chị đều chú ý gắp miếng ngon, miếng nạc cho bà, cha mẹ và em nhỏ.

Nhà có đông người nên, mỗi khi có khách, các anh chị tôi thường chờ cho cha mẹ mời cơm  khách xong rồi mới ăn.

Hễ có ai đến nhà chơi cho quà bánh, các anh chị không bao giờ tự ý lấy ra ăn mà thường đưa cho bà xử lý. Đợi khi cả nhà ăn cơm xong, bà mới mở quà chia cho từng cháu một.

Mỗi sáng ra vườn, lên bãi hái na mở mắt, mót sim, trảy ổi, mấy anh em chúng tôi thường phần bà, cha mẹ những trái chín ngon nhất.

Sở dĩ các anh chị tôi giữ được nếp nhà sống hiếu thảo, nhất mực kính trọng người trên là nhờ bà và hai bác thường xuyên rèn giũa từ khi còn tấm bé.

Ngồi vào mâm cơm, cháu nào quên mời mọi người trước khi ăn đều được bà nhắc nhở. Ngồi không ngay ngắn bà cũng chấn chỉnh.

Tôi còn nhớ những lời dặn dò của bà, đại loại “Các cháu không được ăn tục, mọi người cười cho. Khi ăn phải ngẩng đầu lên, không được cúi gằm xuống; ăn trông nồi ngồi trông hướng”.

Vừa đi học, anh chị tôi vừa lo việc nhà, phụ giúp cha mẹ việc đồng áng. Cơm tối là lúc cả nhà đông đủ, bác tôi thường kiểm lại những việc đã làm trong ngày và cắt đặt công việc hôm sau cho từng người. Các anh chị tôi ai nấy đều tự giác thực hiện phần việc của mình.

Trong mỗi gia đình xưa, dẫu cuộc sống vật chất còn thiếu thốn nhưng tình người bao giờ cũng đầy ắp.

Dù có đi xa chàng trai cũng không bao giờ quên bữa cơm gia đình đạm bạc nhưng thật ấm cúng: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.

Chỉ hơn kém nhau chỏm đầu nhưng anh chị tôi không hề so bì công việc nặng nhẹ, thiệt hơn. Hầu như không thấy các anh chị cãi lộn, nói tục chửi bậy.

Các anh chị luôn có ý thức nhận việc khó, việc nặng về mình, tạo thuận lợi cho các em. Từ miếng ăn, manh áo, quyển vở, chiếc bút đến việc chăn trâu, cắt cỏ, các anh chị đều dành sự ưu tiên cho các em.

Không chỉ rèn nết ăn, lẽ ở cho con cháu, bà tôi rất quan tâm đến việc học của chúng tôi.

Những khi rảnh rỗi bà thường kể cho chúng tôi nghe những tấm gương vượt khó học giỏi ở trong vùng. Lạ là con cái nhà ai trong làng, trong xã học hành thành đạt bà cũng biết.

Nào là con ông Tụng, con bà Hội, con bác Phong, cả mùa đông, chỉ có một hai manh áo mỏng, cơm không đủ ăn vẫn đi bộ mấy cây số đến trường. Vượt lên đói, rét học tập xuất sắc, trở thành kỹ sư, bác sĩ.

Bà thường động viên chúng tôi ráng học giỏi như  họ để sau này khỏi chân lấm tay bùn. Vâng lời bà, anh em chúng tôi đều cố gắng học tập và nhiều anh chị tôi đã thành danh nhờ sức học của mình.

Cuộc sống hiện đại có sự giao lưu văn hóa tác động cả tích cực và tiêu cực đến đời sống gia đình, nền nếp gia phong của gia đình truyền thống đang có dấu hiệu mai một.

Đáng chú ý tình trạng bạo lực gia đình, phép ứng xử, đạo đức, lối sống lệch lạc và các tệ nạn xã hội đã và đang thâm nhập làm cho các giá trị văn hoá gia đình truyền thống bị xuống cấp.

Tình hình trên nhắc nhở chúng ta hãy duy trì và phát huy nét đẹp gia phong để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người.

MỚI - NÓNG