Giữ mãi lời ru

Giữ mãi lời ru
Hơn 30 năm nay, ông Thức luôn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” để tìm cách ghi lại những lời ru của dân làng Cảnh Dương từ các bậc cao niên còn lại.
Giữ mãi lời ru ảnh 1

Ông Phạm Ngọc Thức và "thư viện" lưu giữ lời ru của ông.

Gia đình ông Phạm Ngọc Thức, 71 tuổi, ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình), đã có bốn đời gìn giữ lời ru của làng.

Theo ông Thức, trước ông thì ông cố của ông là Phạm Ba, rồi đời ông nội là Phạm Bùi, đời cha là Phạm Phớt đã luôn có ý thức gìn giữ lời ru để truyền lại cho đời nay.

Hơn 30 năm nay, ông Thức luôn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” để tìm cách ghi lại những lời ru của dân làng Cảnh Dương từ các bậc cao niên còn lại.

Những năm trước 1980 khi khó khăn về giấy viết, ông phải dùng đủ loại giấy từ vỏ thuốc lá Điện Biên bao bạc, hóa đơn và sổ ghi chép của hợp tác xã, vở học sinh xin về tẩy chữ... để ghi lại những lời ru.

Mấy năm nay ông mới mua được chiếc máy ghi âm nhỏ. Đó là công cụ mà ông rất lấy làm tâm đắc, vì: “Nó giúp ghi lại được các âm điệu gốc của tiếng hát ru làng biển Cảnh Dương từ chính các cụ cao tuổi hát.

Nếu không ghi lại thì rất dễ mai một. Mà thời buổi bây giờ ngay cả con cháu tui cũng có đứa đang ru con ngủ bằng bài hát nhạc... rock thì sau ni mần răng mà không quên mất lời ru của cha ông xưa được”.

Ông nói: “Lời ru ở làng này không thành bài dài như ở các địa phương khác. Nó chỉ có hai câu hoặc vài câu theo thể lục bát được hát ra từ các câu châm ngôn, ngạn ngữ trong dân gian, hoặc người dân tự sáng tác ra để bày tỏ nỗi lòng mình qua tiếng hát ru con nên rất dễ bị quên lãng”.

Trong hàng ngàn câu hát ru ông cất giữ được, có hàng trăm câu là những câu hát ru riêng có của làng Cảnh Dương. Ông tâm đắc nhất với những lời ru như:

Lối, La ba hỡi Lối La. Đã mất giấc ngủ lại sa đường chèo. Không bằng Cật, Xước làng leo. Đã nhẹ đường chèo được gạo con ăn... Bởi lời ru này là nỗi lòng của người chị dâu, thông qua lời ru con để báo cho em trai chồng (Cật, Xước) biết được nơi mà người chồng đang đánh cá là có cá, theo đó sẽ có gạo cho con ăn trong hoàn cảnh hai anh em đang giận dỗi nhau.

Tại nhiều liên hoan văn hóa văn nghệ các cấp ở địa phương, ông Thức luôn tham gia trong vai trò là người hướng dẫn, sáng tác lời ru cho các đội văn nghệ xã, giúp làng, xã đoạt được nhiều giải A từ cấp tỉnh đến huyện.

Cặm cụi gìn giữ, cặm cụi sáng tác nhiều, nhiều hơn nữa để tiếng hát ru của người Cảnh Dương và của đất nước mãi được lưu giữ và vang lên trong đời sống hằng ngày - đó là tâm nguyện của ông già tuổi ngoài 70 này.

Theo L.Giang
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG