Giữa trăm cái thiếu, lo thiếu cái tình

Giữa trăm cái thiếu, lo thiếu cái tình
TP - Ở nước ta có một cái lệ, cứ đến  mùa lễ hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng, những hình ảnh, những hiện tượng xấu về các lễ hội lại  được nhan nhản phô bày.
Giữa trăm cái thiếu, lo thiếu cái tình ảnh 1
Tình trạng đông nghẹt thở trong lễ hội Chùa Hương 2009.

Như là đi trẩy hội chùa Hương, khách bị chặt chém (Hà Nội), nạn cờ bạc và ăn xin ở hội Lim (Bắc Ninh), các kiểu ăn theo ở lễ hội chùa Bà (Bình Dương), mới đây là chuyện rải tiền ở chùa Mía (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh).

Việc phản ánh, lên án cái xấu, tất nhiên là tốt. Nhưng công kích thái quá sẽ tạo nên bầu không khí căng thẳng giữa ban tổ chức lễ hội với người trẩy hội, giữa người xem hội với người chưa xem hội, đặc biệt, gây tâm lý hoang mang cho du khách quốc tế. Phải chăng, chúng ta đang muốn gắn một chiếc vòng kim cô lên đầu các lễ hội?

Ca dao Việt Nam có câu: “Tháng Giêng ăn Tết ở nhà, Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Xem vậy, lễ hội là nhu cầu thiết yếu của người Việt. Hội đông, vui, thì tạo nên sự  hòa đồng giữa người với người, người với đất trời. Ngược lại, lễ hội tẻ nhạt, người xem hội chỉ chạy theo đồng tiền thì thật là một trái đắng mà không du khách nào muốn thưởng thức.

Một thực tế hiện nay trong các lễ hội ở nước ta là sự thiếu đi bản sắc thực của tình người, của nét văn minh, văn hóa trong cách ứng xử nơi công cộng…

Trong hầu hết lễ hội, người ta thấy nhiều tệ nạn mọc lên nhan nhản, cờ bạc, trộm cắp, tình trạng mất vệ sinh nơi công cộng, nạn khách bị chặt chém (về giá cả), nạn đội quân ăn mày vòi tiền. Tất cả những nạn ấy làm đảo lộn sự thanh bình vốn có của mọi lễ hội.

Và thái độ của người Việt thì có nhiều ngã rẽ. Có người chấp nhận sự chướng tai gai mắt theo kiểu lì đòn để đi tới những kết luận như “Ôi dào, chuyện xưa rồi”, “Có gì đâu”, “Bình thường thôi”…

Một bộ phận khác thì không ngừng công kích, không ngừng tranh luận, thậm chí bôi nhọ, nói xấu lễ hội này, lễ hội nọ, tạo nên bầu không khí căng thẳng giữa lễ hội và thái độ của người đi hội.

Có người chỉ chê với phê (chứ chưa có phán); có người thì khen có, chê có và có phán rất khéo “Đề nghị các bộ, các ngành xử lý nghiêm”. Những định kiến chung chung, thuần túy  không thể là cách giải quyết tốt.

Mọi sự hay hay dở của lễ hội và của đất nước nói chung không phải đều chỉ do anh tổ chức, anh cán bộ gây ra.  Có chăng là một bộ phận xấu, hám lợi, gây nên những điều chướng tai gai mắt.

Buông xuôi khúc giữa hội

Giữa trăm cái thiếu, lo thiếu cái tình ảnh 2
Nạn ăn xin, cờ bạc hoành hành ở Hội Lim 2009.

Nếu mình là người tốt, người khác sẽ soi vào, đối chiếu và có thể họ sẽ học tập bạn. Cũng như chuyện đi hội, bạn tử tế, thì mọi người cũng đối xử với bạn tử tế. Nhưng tử tế thế nào cũng có chừng mực của nó. Tử tế không có nghĩa là nhu nhược.

Thí dụ, không thể chịu khó nhường đường cho hết thảy mọi người khi chen hội. Tử tế càng không có nghĩa là hùa theo, không có nghĩa thấy người ta xả rác ra sân chùa cũng bắt chước xả theo.

Tử tế là tùy cơ ứng biến, thấy chuyện bất bình thì không bỏ qua, thấy điều nhu nhược thì không nên dở chiêu cùn. Cái đó thuộc về ý thức của mỗi người, chẳng có sách vở nào dạy cả, và cũng chẳng ai dạy được cả. Đấy là bản năng và vốn sống của con người.

Thử ngẫm xem, ở hội Lim hàng năm nạn cờ bạc sao vẫn còn tiếp diễn? Tất nhiên, không phải vì ở đó thiếu công an, các lực lượng bảo vệ tuần tra. Khổ nỗi họ chỉ tuần tra bên ngoài hay trong lễ hội, còn khúc giữa hội thì lơi lỏng, buông xuôi. Hệ quả là cờ bạc vẫn cứ cờ bạc, còn hội thì vẫn cứ hội.

 Tính đến hôm nay, chỉ còn chưa đầy 500 ngày nữa sẽ diễn đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, một sự kiện lớn mang tầm vóc quốc gia, quốc tế. Thiết nghĩ, mỗi người thủ đô cần gắn trách nhiệm công dân trong việc tổ chức đại lễ.

Không một ai không tự hào về những gì mình đang có. Không một dân tộc nào chỉ có “khoe cái tốt, giấu cái xấu”. Vấn đề là chúng ta phải đối diện với cái xấu, nhìn thẳng vào nó, đánh giả đúng về nó để sửa chữa kịp thời đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Với lễ hội, xin hãy “nói không với cờ bạc và ăn xin”. Với người trẩy hội, xin hãy chứng tỏ mình  là người văn minh, văn hóa. Nếu đó là sự thật, thì lo chi cái ý tưởng “chấm dứt cái xấu, cái dở trong ngày lễ hội”  không trở thành hiện thực, lo chi đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long có nguy cơ không xứng tầm ngày hội của quốc gia, quốc tế.

MỚI - NÓNG