Gõ đùi gà vào đầu

“Vua hài” Hoài Linh vừa bị ông “vua nhạc sến” Vinh Sử chê
“Vua hài” Hoài Linh vừa bị ông “vua nhạc sến” Vinh Sử chê
TP - Tù sướng nhỉ, có đùi gà để gặm. Số là con ma tù mới vừa bước vào phòng giam, nghênh ngáo nhặt cái đùi gà (mâm đặt giữa phòng) gõ vào đầu tù cũ để thị uy. Tù cũ từ từ xoay mặt lại, tù mới giật bắn đánh rơi (đạo cụ) đùi gà sụp lạy như tế sao. Té ra bị đánh bằng đùi gà là ông trùm Phan Quân. Không nói ra cũng biết đang kể về phim gì. Năm chữ “Gõ đùi gà vào đầu” sợt trên mạng giờ này có cả gần triệu kết quả.

“Vua hài” Hoài Linh vừa bị ông “vua nhạc sến” Vinh Sử độp một phát, rằng “biết gì Bolero mà ngồi giám khảo”. Tất nhiên lập tức gần 10 triệu fans trên fanpage của vua hài chả để yên. Khiến ông nhạc sĩ sau đó phải phân bua, rằng mình “nói theo khẩu khí miền Nam, chứ không có ác ý”. Lại nhớ “vụ” nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với Đàm Vĩnh Hưng ồn ỹ dạo nọ.  

Gõ nhầm đùi gà, hay thuê người ngồi “nhầm” ghế giám khảo cuộc chơi truyền hình thực tế, thực chất chỉ là chiêu trò kích hoạt đám đông của đạo diễn cũng như nhà sản xuất. Cái sự “nhầm lẫn” đẻ ra tiền, chứ mời vị giám khảo giỏi chuyên môn, nói năng nghiêm ngắn chỉ có lỗ.

“Quần chúng nông nổi” của nhân vật trứ danh Xuân tóc đỏ hồi trước, nay được tiếp sức bởi internet, công lực thật gấp bội phần! Lại thêm những nạn nhân mới của mạng xã hội + đám đông cuồng nộ.

Hai nữ sinh ở Biên Hòa đang chỉ muốn tìm đến cái chết, khi bị mạng xã hội đồng loạt tung ảnh cá nhân và ghép tội “hiếp một nam thanh niên đến chết!”. Đến khi xác định đó chỉ là sự “nhầm lẫn” (?!), thì lại ít thấy ai cải chính. Thật khủng khiếp!

Facebook - mạng xã hội lớn nhất thế giới với 1 tỷ người tham gia vừa tuyên bố thay đổi sứ mệnh của mình. Đó là “Trao cho con người sức mạnh để xây dựng cộng đồng và đưa thế giới xích lại gần nhau hơn”. Thay vì “Trao cho con người sức mạnh để chia sẻ và tạo ra thế giới cởi mở và kết nối hơn” như trước.

Chia sẻ và cởi mở có lẽ đã quá đủ, đến lúc cần xích lại gần nhau hơn. Nhưng liệu “Mọi người áp sát nhau đến mức không còn chỗ cho cảm xúc” như câu cách ngôn của nhà thơ gốc Áo Stanislav Jerzy Lec từ thế kỷ trước? Chính xác hơn là vẫn có cảm xúc, nhưng là thứ cảm xúc lây lan của đám đông ít chịu hiểu những điều mà họ dễ dàng tin và chia sẻ.

Đến hai chữ “thấu cảm” đơn giản trong đề thi tốt nghiệp phổ thông cũng bị quy là nhầm lẫn, bị “lên án” kịch liệt, thì thấu cảm thực sự vẫn là điều xa vời.

MỚI - NÓNG