Gỡ khó cho các nhà xuất bản

Số lượng xuất bản phẩm không tăng, nhưng lãnh đạo ngành khẳng định chất lượng sách cải thiện hơn. Ảnh: Toan Toan.
Số lượng xuất bản phẩm không tăng, nhưng lãnh đạo ngành khẳng định chất lượng sách cải thiện hơn. Ảnh: Toan Toan.
TP - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, cơ quan chủ quản để tháo gỡ cho một số nhà xuất bản mắc kẹt trong đợt cấp đổi giấy phép.

33 nhà xuất bản bị treo

Lãnh đạo Bộ, ngành đánh giá hoạt động xuất bản 2015 có phát triển. Lượng xuất bản phẩm không tăng nhưng chất lượng tăng đáng kể. Vấn đề nóng là nhiều NXB đang treo lơ lửng, do chưa đáp ứng yêu cầu để xin cấp đổi giấy phép. Tại Hội nghị cơ quan chủ quản xuất bản 2015 sáng 8/1, ông Chu Văn Hoà, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, đến nay còn 33 NXB chưa được cấp đổi giấy phép thành lập.

Bộ TT&TT cấp đổi giấy phép thành lập cho 27/60 NXB, chiếm tỷ lệ 45%, trong đó có các NXB như: Quân đội nhân dân, Thông tấn, Tư pháp, Lao động-Xã hội, Bách khoa Hà Nội, Lao động, ĐH Vinh, ĐH Công nghiệp TPHCM, Kinh tế TPHCM, Mỹ thuật, Giáo dục Việt Nam, Công an nhân dân, Thông tin và Truyền thông, Kim Đồng, Sân khấu…

Trong 33 NXB bị treo, có 26 chưa đủ điều kiện cấp đổi giấy phép thành lập theo quy định, do chưa đủ kinh phí để hoạt động xuất bản, chưa đủ chức danh lãnh đạo, cơ quan chủ quản không phù hợp. “Trong những điều kiện còn thiếu, việc có kinh phí 5 tỷ đồng là điều kiện nhiều NXB chưa đảm bảo được”, ông Hòa nói. Ngoài ra có 7 NXB chưa được cơ quan chủ quản làm thủ tục đề nghị cấp đổi giấy phép, hoặc nộp hồ sơ nhưng thiếu giấy tờ liên quan: Chính trị Quốc gia-Sự thật, Trẻ, Hội Nhà văn, Phụ nữ, Hồng Đức, Đại học Nông nghiệp, Thanh Niên.

Cục trưởng nói thêm, cấp đổi giấy phép còn vướng mắc là do giữa các Bộ, ngành, cơ quan chủ quản chưa có cách hiểu, thực hiện thống nhất. Một số cơ quan chủ quản chưa sát sao chỉ đạo, giám sát dẫn đến NXB liên tiếp có xuất bản phẩm vi phạm, làm mất uy tín NXB. “Một số NXB thuộc chuyên ngành, nên cơ quan chủ quản bắt buộc phải thẩm định nội dung trước”, ông Hòa đề xuất thêm, cũng xem như giải pháp tránh đẻ ra sai sót trong xuất bản phẩm sau này.

5 tỷ đồng, làm thế nào?

NXB Hội Nhà văn được nêu tên vì có nhiều xuất bản phẩm vi phạm năm qua. Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn hứa chấn chỉnh. Đây cũng là một trong số NXB nằm trong danh sách chờ. “Tôi băn khoăn mãi về điều kiện cấp đổi giấy phép. Điều kiện về giám đốc, tổng biên tập và biên tập viên không khó lắm, nhưng vốn và trụ sở e khó khăn. Cả bộ máy hành chính Hội Nhà văn một năm được cấp hơn 2 tỷ đồng, chúng tôi không biết lấy đâu đủ 5 tỷ đồng để hoạt động”, ông Huân nói.

Số tiền theo quy định trong Nghị định 195 rõ ràng, tuy nhiên hầu hết đều là rào cản lớn nhất của các NXB. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng than, Bộ không thể cấp ngân sách cho NXB Tài chính, trực thuộc Bộ. Ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc NXB ĐH Sư phạm kể, NXB có nguồn vốn 3 tỷ đồng, nhà trường tạo điều kiện cho vay 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi xong thủ tục cấp đổi giấy phép, NXB phải trả lại nhà trường, vì “không biết làm gì với số tiền này, để trong tài khoản thì phải trả lãi”.

“Từng có thời thịnh vượng, thế mà thời gian qua có lúc NXB Tài chính không có việc làm. Tuy nhiên hai năm gần đây doanh số đạt hơn 6 tỷ đồng, riêng 2015 may mắn chênh lệch thu chi 100 triệu đồng”, bà Mai nói. Đảng và Nhà nước chủ trương thắt chặt ngân sách, nên việc tăng cường đặt hàng các NXB không phải là giải pháp khả thi. Riêng về sắp xếp nguồn vốn hỗ trợ các NXB, không riêng Bộ Tài chính mà nhiều cơ quan chủ quản khác cũng lúng túng. Bộ VHTTDL ngoài hai NXB đang sáp nhập, có ba NXB chưa đủ điều kiện. Ông Hoàng Minh Thái, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ cũng  nói khó khăn lớn nhất là tài chính. Bộ hiện vẫn nợ tiền đặt hàng sách chào mừng Nghìn năm Thăng Long đối với NXB Âm nhạc. Ông Thái cho biết, Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét miễn giảm thuế đất, nhà đối với các NXB.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đề nghị cơ quan chủ quản cần phối hợp chặt chẽ với Bộ và Cục Xuất bản để thống nhất phương án thực hiện “trên nguyên tắc thống nhất trong việc thực thi các quy định của Luật Xuất bản”. “Cần xem xét lại quy định về nguồn vốn 5 tỷ đồng tại Nghị định 195, nếu cần thiết có thể kiến nghị sửa đổi hoặc vận dụng sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các NXB”, Thứ trưởng nói. Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thế Kỷ cũng đề nghị cơ quan chủ quản vận dụng linh hoạt để tạo nguồn vốn, trụ sở cho đơn vị để bảo đảm hoạt động và phát triển.

Năm 2015, các NXB đăng ký 75.531 cuốn, Cục xác nhận đăng ký 73.597 cuốn, trong đó tổng số 29.120 cuốn nộp lưu chiểu với 363.012 triệu bản. Về thanh kiểm tra, Cục ban hành 18 quyết định xử phạt với tổng số 1 tỷ 212 triệu đồng, đình chỉ có thời hạn 2 tổ chức vi phạm, thu hồi và tiêu hủy 10.394 xuất bản phẩm vi phạm. 

MỚI - NÓNG