“Góc thiên đường” - dùng chất liệu sến giễu nhại sến

“Góc thiên đường” - dùng chất liệu sến giễu nhại sến
TP - “Góc thiên đường” – cái tên là lạ, như gợi đến một mơ ước xa xưa, gắn với niềm tin tôn giáo thơ ngây nào đó. Cái tên gắn với những gì (quá) đẹp đẽ, lãng mạn.
“Góc thiên đường” - dùng chất liệu sến giễu nhại sến ảnh 1
Họa sĩ Trần Trọng Linh

Nhưng khi xem hai tác phẩm của nghệ sĩ  Trần Trọng Linh, cái lãng mạn ấy đổ sụp. Một trò đùa? Có lẽ đúng hơn, đây là một cú giễu nhại!

“Góc thiên đường” khai mạc vào chiều 1/9/09 tại Việt Art Centre – 42 Yết Kiêu, Hà Nội, triển lãm này đã thu hút nhiều nghệ sĩ đương đại đến xem.

Triển lãm chỉ có hai tác phẩm sắp đặt. “Góc thiên đường” cũng là tên tác phẩm gồm một cái bục phủ lông cừu thật, được thiết kế như loại bục dành cho các vận động viên đăng quang trong một cuộc thi thể thao, có các mặt bằng cao thấp khác nhau đề số 1-2-3 (kích thước 80x120x210), trên để ba chiếc ghế gỗ sơn vàng óng ánh.

Tác phẩm thứ hai là một “căn nhà” bằng sắt hàn sơn mầu hồng có tên là “Tổ ấm” (Kích thước 185x130x240), bên trong chứa đầy những vật phẩm có thể có trong một ngôi nhà: dép tông, đàn guitare, xe máy, đồ chơi trẻ em, đồ dùng làm bếp... Phía trên “căn nhà” mà thực chất giống một cái chuồng nhốt thú nhiều hơn, có một chùm bóng bay nhiều màu lơ lửng.

Hai tác phẩm của Linh với hình thức khá khiêu khích đánh mạnh vào những giá trị vốn đang được tôn sùng, không chỉ trong xã hội Việt Nam: vị thế xã hội (biểu hiện bằng những chiếc ghế) và gia đình trưởng giả - nơi đồ vật xâm chiếm và đè lấp mọi giá trị tinh thần đáng có.

“Góc thiên đường” - dùng chất liệu sến giễu nhại sến ảnh 2
Tổ ấm (sắp đặt)

Trần Trọng Linh cho rằng nghệ thuật tạo hình của các nghệ sĩ trẻ hiện nay ít sự hài hước. Quả thật trong triển lãm này, anh đã thể hiện sự hài hước nhiều cung bậc qua những vật liệu và màu sắc tạo nên tác phẩm của mình.

Những giá trị ảo được số đông tôn sùng được phơi bày ra đầy lộ liễu với những chiếc ghế óng ánh trên nền lông cừu trắng muốt tinh khôi óng ả mịn màng, ngôi nhà màu hồng và bóng bay sặc sỡ. Đây là những tác phẩm sử dụng chính chất liệu của cái “sến” để phơi bày sự nực cười vốn có, nhưng thường bị chìm khuất.

“Góc thiên đường” - dùng chất liệu sến giễu nhại sến ảnh 3
Góc thiên đường (sắp đặt) 

Trong buổi tọa đàm diễn ra sau khai mạc triển lãm, một khán giả đã hỏi về việc lưu giữ và giá trị thương mại của những tác phẩm kiểu “Góc thiên đường” và “Tổ ấm”.

Hoạ sỹ Phan Cẩm Thượng và điêu khắc gia Đào Châu Hải – hai nhà lý luận mỹ thuật có mặt đã chia sẻ về sự thiếu hụt một bảo tàng nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, và sự “dấn thân” của các nghệ sĩ tạo hình đương đại khi sáng tác và tổ chức triển lãm chỉ với niềm vui sáng tạo, mà không thể bán được tác phẩm.

Trần Trọng Linh sinh năm 1979 tại Khương Thượng, Hà Nội

2004 - 2007: Theo học lớp Đại học, khoa Điêu khắc – Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

2007 - nay: Định cư tại Pháp

5/2009 - Gia nhập Hội nghệ sĩ tạo hình Pháp

Tác phẩm:

2007 - Sắp đặt đường phố tại phố Nguyễn Quý Đức

2007 - Sắp đặt tự do tại Khoa Điêu khắc (Đại học Mỹ thuật Hà Nội)

2009 - Hai triển lãm sắp đặt tự do tại Pháp, Thụy Sĩ

MỚI - NÓNG