Hà Dũng: Trốn đâu khỏi nỗi cô đơn

Hà Dũng: Trốn đâu khỏi nỗi cô đơn
Anh không thể trốn chạy sự cô đơn bởi nó tạo nên trải nghiệm của cuộc đời anh. Anh không chỉ cảm thấy nó mà chính anh tồn tại trong nó, nên nó chẳng còn đáng sợ chút nào...
Hà Dũng: Trốn đâu khỏi nỗi cô đơn ảnh 1
Nhạc sĩ Hà Dũng

Mười năm theo học ngành trắc địa hàng không và Quản lý kinh tế ở Nga. Năm 1982, ba mươi tuổi, đã có danh phận trong chính trường.

Rời chính trường lại trở thành một doanh nhân, làm việc với những tập đoàn kinh tế lớn của thế giới (tập đoàn công nghiệp hàng không lớn nhất của Mỹ, tập đoàn sản xuất và phân phối phân bón hàng đầu thế giới của Nauy...).

Từ năm 2002 bắt đầu được công chúng biết đến với vai trò nhạc sĩ. Sự kết hợp giữa âm nhạc của anh và giọng hát của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương đã chinh phục người nghe...

Đó chính là Hà Dũng.

"Doanh nhân", "đại gia", "nhạc sĩ", trong ba danh xưng đó anh thích được người ta gọi bằng danh xưng nào hơn?

Tôi dị ứng với cả ba danh xưng nghe có vẻ thời thượng và không mấy nghiêm túc đó. Tôi chỉ là Hà Dũng trong sự biết đến của bạn bè mà thôi.

Anh là người thích phiêu lưu và không sợ phiêu lưu. Tính phiêu lưu này có lợi hay có hại cho anh trong kinh doanh cũng như trong âm nhạc?

Phiêu lưu là mạo hiểm với những thách thức. Phiêu lưu là một mặt biểu hiện của những tính cách muốn vươn lên mạnh mẽ. Phiêu lưu là không dừng lại, không có sự kết thúc. Ở đây, thành hay bại, theo nhận thức của người đương thời, đều là sự khởi đầu cho cuộc chinh phục mới.

Bản lĩnh quan trọng nhất giúp Hà Dũng - doanh nhân vượt qua những cơn nguy hiểm, trả được món nợ cả ngàn tỷ đồng là gì?

Là văn hóa sống. Hãy đừng ăn cắp, đừng tranh giành những thứ không phải của mình. Hãy nghĩ thành công không phải do sự lỗi lạc của riêng mình. Còn trong nguy nan thì một mình mình chẳng thể nào xoay xở mà thoát được...

Tại sao con người đi được một quãng rất dài trong đời mình thì dễ thức tỉnh và hướng thiện? Là vì họ nhận ra mình chịu ơn nhiều thứ để được tồn tại đó thôi.

Anh đã từng tuyên bố: "Hà Dũng chỉ nói đến con số triệu đô-la trở lên...". Hỏi thật nhé, anh giàu có đến mức nào?

Nghĩ đến hàng triệu đô-la khác với có hàng triệu đô-la chứ! Đồng tiền trong thiên hạ rất nhiều nhưng đến rồi đi, rồi lại đến, tuỳ theo cơ hội. Vì vậy, giàu nghèo tiền bạc chỉ là nhất thời, khó lòng lấy nó làm thước đo cho một tên tuổi, nên không nói đến chuyện tiền bạc nữa...

Tôi có thứ tiêu hoài không hết, đó là lòng tốt của tôi, vậy là tôi rất giàu theo nghĩa đó. Thứ đó, tuỳ người mà được định nghĩa khác nhau, nào là dại dột, nào là nhẹ dạ, nào là bao đồng, nào là mù quáng...

Cho đến hôm nay, vì sao anh vẫn tự nhận mình là một nhạc sĩ nghiệp dư? Có phải vì với anh âm nhạc chỉ là một cuộc dạo chơi, cho dù anh luôn toàn tâm toàn ý với cuộc dạo chơi đó?

Bạn tưởng người ta nói đến nghiệp dư hay chuyên nghiệp là để nói đến vấn đề chọn lựa kế mưu sinh đấy sao? Không đâu! Nói "Nghiệp dư" tức là có sự dè bỉu đấy! Vậy thì tôi tự coi mình là nghiệp dư tức là tôi tự dè bỉu mình.

Tôi tự dè bỉu mình vì đôi khi thấy dăm ba anh chị chuyên nghiệp mới có chút tên tuổi phù du mà bày đặt quá mức, đến nỗi không thể hiểu làm sao họ có thể miên man như vậy được. Tôi nói chung chung nhưng không sợ mất lòng những anh chị tốt, vì tôi nói vậy thì người như vậy ắt biết...

Báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực để viết về mối quan hệ của anh và ca sĩ Hồ Quỳnh Hương. Bây giờ nhìn lại mối quan hệ đó - ở tất cả các góc độ: âm nhạc, tình cảm, tiền bạc... - anh thấy mình được những gì và mất những gì, hài lòng hay nuối tiếc?

Vai trò lịch sử của quá khứ là tạo ra hiện tại, trong cái hiện tại này, bài hát của tôi may mắn được hát lên và Hồ Quỳnh Hương đang là một tên tuổi được biết đến, vậy thì có điều gì hối tiếc cho một quá khứ như vậy chứ?

Hà Dũng: Trốn đâu khỏi nỗi cô đơn ảnh 2

Anh đã phát biểu với báo chí: "Tôi được ban tặng quá nhiều, cho nên có sứ mệnh phải giúp đỡ những ai cần sự giúp đỡ của tôi trong cuộc sống cũng như trong âm nhạc...".

Sự giúp đỡ của anh liệu có luôn luôn vô tư, trong sáng và không đòi hỏi bất kỳ một sự đền đáp nào từ người được giúp đỡ?

Nên nghĩ gì khi hầu hết đối tượng nhận được sự giúp đỡ của anh đều là những cô gái trẻ, đẹp...?

Tôi đòi hỏi rất nhiều thứ cho cùng một mục đích duy nhất là họ phải thực hiện bằng được mơ ước của họ khi họ tìm thấy tôi. Còn tôi giúp ai ư? Có hai loại người tìm tới tôi: một là người không mạnh mẽ bằng tôi, hai là người khôn ngoan hơn tôi.

Hai loại người ấy ở giới tính nào cũng có. Chỉ tại bạn quan tâm tới một số ít trong họ nên thấy tôi dường như chỉ giúp đỡ cho những cô gái. Nhưng tại sao ta lại thắc mắc về điều ấy nhỉ, trong khi người đàn ông nào chẳng thấy tự hào khi làm vui lòng phái nữ?

Lâu nay anh phải chịu nhiều điều tiếng, nhiều lời đồn đại và anh đã chọn cho mình thái độ ứng xử: "Tôi không xem thường công luận nhưng tôi sống theo chuẩn mực của tôi...". "chuẩn mực" của anh là gì?

Tôi không xem thường công luận vì nó có "búa rìu" để chặt chém. Nhưng chí ít, tôi cũng có được cơ hội để nói với người nào đang múa may "búa rìu dư luận" rằng không đáng để chặt chém loại người như tôi, vì còn khối thứ đã đến lượt đem ra xử lâu rồi mà vẫn còn tung tăng đây đó!

Tôi không nên nói về chuẩn mực sống của mình, e lại sẽ có thêm điều tiếng nữa, vì có rất nhiều thứ tôi nghĩ khác với số đông người nhưng chẳng có cơ hội giải thích với ai.

Tôi có cách ứng xử thành thói quen là làm vui lòng người khác và tìm cách lý giải để bỏ qua lỗi lầm của người khác với mình. Hãy dễ dàng bỏ qua phiền muộn vì không đáng phải làm điều đó khi cuộc sống quá ngắn ngủi.

Những người phụ nữ đến với anh rồi lại ra đi... Tự thân họ muốn ra đi hay chính anh không hề muốn giữ họ lại?

Nếu họ nói cho tôi biết lý do họ muốn ra đi, tôi sẽ giải thích rằng họ sai... Nhưng nếu họ thật sự ra đi thì đến lượt tôi tin là họ đúng, bởi họ đến với tôi vì để tốt cho họ, nên tôi phải tin rằng họ ra đi cũng là vì họ thấy sự ra đi đó sẽ tốt hơn cho họ.

Bạn hãy thử nghĩ xem, từ bỏ một điều mà mình từng cho là tốt thì phải do một nguyên nhân có lợi cho họ nhiều hơn chứ, và nếu bạn yêu quý họ thì không có lý do để phiền lòng.

Anh không lập hôn thú với một ai trong số những bà mẹ của các con anh. Điều gì khiến anh lựa chọn cách sống như vậy?

Có phải đây là một sự lựa chọn khôn ngoan để anh luôn được tự do...? Các con anh nghĩ gì về điều này? Anh quan niệm như thế nào về tình yêu và hôn nhân?

Sinh con cái là việc hệ trọng, vì vậy con cái có ý nghĩa hơn bất cứ sự ràng buộc hình thức nào. Các con tôi quá nhỏ để đưa ra một nhận xét chín chắn cho những công việc quá khó như vậy, nhất là việc ấy có liên quan đến cha mẹ chúng.

Thái độ của con cái vẫn còn là ẩn số, nhưng chắc rằng chúng không thiếu thốn sự yêu thương và chăm lo khi cha mẹ chúng còn sống.

Trong cái nhìn của nhiều người, anh là một "đại gia" luôn có các người đẹp vây quanh... Vậy "đại gia" Hà Dũng có bao giờ cảm thấy cô đơn?

Tôi không thể trốn chạy sự cô đơn bởi vì nó tạo nên trải nghiệm của cuộc đời tôi. Tôi không chỉ cảm thấy nó mà chính tôi tồn tại trong nó, nên nó chẳng còn đáng sợ chút nào.

Một phụ nữ cần có những tiêu chuẩn như thế nào thì mới có thể khiến anh nghĩ đến chuyện cùng người ấy ký vào tờ hôn thú?

Đó là người hiểu rằng tờ hôn thú không bao giờ ràng buộc được tôi mà chỉ có sự dâng hiến của tôi dành cho họ mới khiến tôi thuộc về họ mãi. Khi ấy, họ biết phải làm gì khi đến với tôi chứ không phải họ đã có được những gì trước khi gặp tôi.

Cảm ơn anh đã dành thời gian cho chúng tôi cuộc trò chuyện này.

Theo Diễm Chi
Phụ nữ

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.