Hà Nội lên dây cót hút khách trong năm mới

Đoàn khách Đức xông đất Hà Nội được đón tiếp nồng hậu. Ảnh: Toan Toan
Đoàn khách Đức xông đất Hà Nội được đón tiếp nồng hậu. Ảnh: Toan Toan
TP - Không chỉ dừng lại ở cuộc đón tiếp rình rang khách quốc tế đầu tiên xông đất Hà Nội, lãnh đạo du lịch thủ đô hứa hẹn phát triển chuỗi sản phẩm hấp dẫn du khách trong năm 2017.

Dấu mốc 4 triệu

Con số 4 triệu khách du lịch quốc tế đến Hà Nội năm 2016 được xem là tiến bộ vượt bậc. Trong số này có khoảng 2,9 triệu lượt khách quốc tế lưu trú. Năm 2017, du lịch thủ đô cũng chỉ dám đặt mục tiêu 4,1 triệu lượt khách quốc tế. Thời gian qua Hà Nội mạnh bạo hơn trong các chiến dịch quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch tại các sự kiện lớn ở nước ngoài.

Lễ đón những vị khách đầu tiên xông đất Hà Nội vì thế được tổ chức khá kỹ càng. Từ 5h sáng, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội có mặt ở Nội Bài chờ chuyến bay VN36 đưa đoàn khách từ Frankfurt, hạ cánh 6h10 sáng 1/1. Trong đoàn khách 15 người, ông Thomas Bauche là vị khách đầu tiên xông đất, được chào đón nồng nhiệt với hoa đào, quà lưu niệm và quà từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam, phiếu quà tặng nghỉ Hà Nội- Hạ Long-Đường Lâm do Hanoitourist tài trợ.

“Quy luật du lịch bắt buộc năm sau phải tăng trưởng so với năm trước, hơn nữa sau nhiều năm chỉnh đốn và đầu tư mạnh cho xúc tiến, quảng bá, trau chuốt sản phẩm, lượng du khách quốc tế đến Hà Nội năm nay tiếp tục tăng”, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc cty lữ hành Hanoitourist nói. Một trong những hướng đi riêng của Hanoitourist là tìm ra dòng khách khó nhưng đòi hỏi đầu tư kinh tế, chất xám nhiều hơn. “Thủ đô có đặc trưng riêng nên phải tìm dòng khách yêu du lịch văn hóa, kết nối với địa danh khác. Trung Quốc ngoài khách đại trà cũng có dòng khách cao cấp, khách hội nghị hội thảo, quan trọng chúng ta có tổ chức, tiếp cận được hay không”, ông Kế nói thêm.

Độc đáo và đậm Hà Nội

Một trong những nhiệm vụ hàng đầu du lịch Hà Nội đặt ra trong năm 2017 là tập trung phát triển du lịch dựa vào thế mạnh Hà Nội. “Lợi thế nghìn năm văn hiến, thủ đô vì hòa bình gắn với chiều dài lịch sử, gần nghìn di sản trong đó có cả di sản thế giới lẫn quốc gia, vật thể và phi vật thể. Nơi giao thương, tập trung các cơ quan trung ương, các sứ quán. Chúng tôi sẽ sắp xếp loại hình, xây dựng thị trường tập trung vào sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, làng nghề, tham quan danh lam thắng cảnh, thể thao và chữa bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi lựa chọn sản phẩm độc đáo, đặc trưng Hà Nội để giới thiệu đến du khách quốc tế”, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nói.

Có thể kể một số sản phẩm du lịch như chuỗi Hoàng thành Thăng Long gắn với quảng trường Ba Đình, lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, công viên Bách Thảo, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, chuỗi liên quan Thăng Long tứ trấn kết nối hồ Tây, đặc biệt phố cổ và xung quanh hồ Gươm. Hà Nội có thể khai thác du lịch nghệ thuật gắn với di sản như múa rối Đào Thục và khu di tích Cổ Loa, đền Hai Bà Trưng và làng trồng hoa Mê Linh, khu di tích lịch sử Ba Vì, vườn quốc gia Ba Vì. Sau ba tháng lễ hội, chùa Hương có thể biến thành điểm du lịch khám phá. Hà Nội cũng có sản phẩm du lịch làng nghề đặc trưng như gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh, cỏ tế Phú Túc, dịch vụ homestay ở Phú Xuyên gắn với các kiến trúc cổ thời Pháp.

Sau đề xuất mở cửa cả ngày lẫn đêm của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội mới đây, lãnh đạo ngành du lịch cũng nghĩ tới việc đề xuất sản phẩm lâu dài mở cửa Hoàng thành đón khách ban đêm.

“Bên cạnh sản phẩm hấp dẫn phải đảm bảo dịch vụ đi theo”, ông Hồng nhấn mạnh. Hà Nội cũng để ý hơn đến nhu cầu dịch vụ của khách, chẳng hạn sau Festival Áo dài Hà Nội, trung tâm giới thiệu áo dài của nhà thiết kế Lan Hương ra đời, sắp tới có địa điểm của nhà thiết kế Chula, hoa hậu Ngọc Hân đang trong lộ trình thực hiện áo dài kết hợp quảng bá du lịch. Chiều 4/1 có cuộc ra mắt điểm đạt chuẩn phục vụ khách của doanh nghiệp chuyên sản xuất quà tặng ở Hàng Đào, gắn với phố cổ. Những sản phẩm và dịch vụ nho nhỏ nhưng khá ý nghĩa và khiến du lịch Hà Nội bớt đơn điệu.

Về vị khách Đức xông đất Hà Nội

Trong đoàn khách Đức đầu tiên từ Frankfurt đổ bộ sân bay Nội Bài sáng 1/1, ông Thomas Bauche được chọn để xông đất. “Đây không phải lần đầu tôi đến Việt Nam, năm ngoái tôi cùng vợ ở Việt Nam ba tuần. Tôi đi một tour Hà Nội, Hạ Long, Huế, Hội An và TPHCM. Rất hài lòng nên năm nay quay lại. Lần này chúng tôi đến Hội An, TPHCM và đi miền Tây sau đó mới quay về Hà Nội nghỉ trước khi về Đức”, ông Thomas nói. Được hỏi so sánh với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, ông cho biết mới đến Hong Kong, Malaysia nhưng cảm thấy hài lòng với Việt Nam từ con người, cảnh đẹp, ẩm thực. “Hồi trẻ chúng tôi dành tình cảm lớn cho Việt Nam, ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”, hai vợ chồng ông Thomas nói.

MỚI - NÓNG