Hà Nội - Những ngày của cổ nhạc và xiêm y

Hà Nội - Những ngày của cổ nhạc và xiêm y
TP - Tối qua, 6/10, Ngày hội giao lưu bản sắc văn hoá toàn quốc khai mạc tại Trung tâm VHNT Việt Nam, nhưng từ sáng sớm, khách tham quan đã nườm nượp kéo đến khu Hoa Lư - Vân Hồ xem lễ hội các địa phương...

Từ nay đến hết ngày 9/10, lúc nào cũng có đủ lễ hội, màu sắc và giai điệu của mọi vùng miền như thế.

Sân khấu chính bày giữa thanh thiên, nghệ nhân lần lượt lên biểu diễn, cơ man xiêm y hoa văn, làn điệu.

Nhưng, trong không gian riêng trưng bày từng vùng miền, những tiết mục ca vũ mới đúng là nó.

Đó là cảm nhận chung của nhiều người, một phần di sản phi vật thể luôn gắn liền với không gian sinh hoạt của người dân, phần khác, một địa điểm chặt chẽ và có bố cục mới thích hợp với cổ nhạc. Chả thế mà chiếu đờn ca tài tử của TPHCM rất hút khách.

Chốn chốn phong quan ca xướng/Nhà nhà lịch lãm an nơi - bức bình phong bên trái của khu trưng bày TPHCM ghi như thế, còn bên phải: Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long, thật hợp với cách bài trí của đoàn này.

Sài thành mang ra Hà Nội những nét độc đáo trong đời sống văn hoá, nghệ thuật và tinh thần qua suốt quá trình khẩn hoang mở cõi về phương Nam của ông cha. Trong Ngôi nhà Nam Bộ, gian chính thờ cúng tổ tiên, có hoành phi, câu đối, mâm ngũ quả, bộ tràng kỷ.

Bên phải là gian lịch sử Sài Gòn - Gia Định từ đầu thế kỷ 20, bên trái trưng bày hiện vật, thể hiện giai đoạn chúa Nguyễn lập chính quyền cai quản (1623 - 1679), cùng sự tái hiện hình ảnh lưu dân từ miền ngoài vào Nam cùng người Hoa, người Chăm, người Khmer...

Nhà hát Trần Hữu Trang biểu diễn hai trích đoạn cải lương Chiếc áo thiên nga và Kim Vân Kiều. Đây là những chương trình Hội ngộ tài năng cải lương TPHCM công diễn năm 2007 - 2008 được đầu tư hoành tráng và sáng tạo. Bên cạnh đờn ca tài tử, Trung tâm Văn hoá TPHCM còn tổ chức biểu diễn thời trang xưa và nay, áo dài, áo bà ba, trang phục người Hoa.

Rời “đất” TPHCM mấy bước, khách ghé thăm dàn nhạc cụ ngũ âm của các cháu bé Khmer An Giang. Chỉ 3 chiếc trống, dàn chiêng, dàn đàn tre, khánh thôi mà khách dứt bước đi không được vì âm vang sôi nổi đầy không khí ngày hội của nó.

Trên lầu, không gian Hà Nội xưa chiếm phần lớn diện tích. Ngõ Ô Quan Chưởng, một chút dáng dấp Văn Miếu- Quốc Tử Giám, một nét thư phòng...

Hiện vật của Hà Nội giản dị, có cảm giác làm không “tới”, có lẽ đây là dụng ý gợi hơn là mô phỏng. Nhóm ca trù Thái Hà vẫn vậy, chưa bao giờ giảm nhiệt tình, dù gian nan nghiệp đàn phách đọng lại trên khoé mắt, nhưng đào nương Bạch Vân cứ ém hơi, nhả chữ, đổ hột đầy tinh tế giữa ồn ào chung quanh.

Từ tầng lầu nhìn xuống sẽ thấy một phiên chợ quê với thúng mủng dần sàng, đây cây chuối, kia bó rơm búi rạ. Gian ẩm thực Hà thành tỏa khói không nghỉ trong suốt 4 ngày hội.

Dưới mái lá, trên chiếc chõng tre cũ kỹ, thực khách được các chàng trai áo dài khăn đóng trao bát bún ốc tận tay, còn cô gái áo mớ ba mớ bảy chít khăn mỏ quạ đang thoăn thoắt nhúng, chao, đơm bún. Bên cạnh, các bà các mẹ áo nâu đang tíu tít với quầy hàng bánh tôm, giò chả Ước Lễ, vịt cỏ Vân Đình, bánh dày Quán Gánh...

Có một khoảnh phòng, nhưng thực khách có nhiều lựa chọn, từ rượu Sơn Tinh của Cty Highway 4, cà-phê Vesna, đến các món của khách sạn Horrison, Sofitel Metropole... Thoáng chốc, những xi măng bê-tông của khu triển lãm dường như biến mất nhường chỗ cho sự sinh động của đời sống ẩm thực Hà thành.

Hôm nay, ngày hội tiếp tục diễn ra tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam, buổi sáng có lễ hội và trò chơi dân gian tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận, Đăk Nông, buổi chiều có giao lưu biểu diễn của Lạng Sơn, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Trị, và buổi tối là chương trình của Yên Bái, Bình Phước, Kon Tum. Cũng vào tối nay, đêm hội Văn hoá Thăng Long - hội tụ và toả sáng sẽ diễn ra tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội.

MỚI - NÓNG