Hà Nội sẽ đối thoại xử lý quảng cáo vi phạm

Banner quảng cáo chương trình của Hồng Nhung được rút kinh nghiệm đóng chữ “Quảng cáo vi phạm”.
Banner quảng cáo chương trình của Hồng Nhung được rút kinh nghiệm đóng chữ “Quảng cáo vi phạm”.
TP - Những ngày gần đây, sự chú ý của người dân đổ dồn về sáng tạo của Hà Nội-đóng chữ “vi phạm” lên banner quảng cáo vi phạm của các chương trình nghệ thuật treo trên các đường phố.

Phải làm

Chương trình nghệ thuật của những tên tuổi đình đám lần lượt xuất hiện khắp đường phố Thủ đô. Đêm nhạc Người tình mùa đông (17/11) của Đàm Vĩnh Hưng, Bài ca không quên (21/11) của Trọng Tấn, và mới đây Phố à phố ơi…Bống à Bống ơi (5/12) của ca sỹ Hồng Nhung đều có banner quảng cáo dính chữ “vi phạm”, do Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội cộp vào. Đây cũng được xem như chuyện cơm bữa trong làng tổ chức chương trình biểu diễn. Trước đây, cách mà Thanh tra Sở xử lý các băng rôn và banner vi phạm là cắt đôi và tháo dỡ. Còn nhớ năm liveshow Chế Linh bị xử lý một loạt vi phạm trong đó có chuyện băng rôn quảng cáo, có thanh tra Sở gặp tai nạn trong quá trình đi cắt băng rôn vi phạm.

Cách xử lý mới của Sở VHTT Hà Nội dù đúng tôn chỉ “dẹp loạn” băng rôn, banner quảng cáo sai vị trí, sai số lượng tuy nhiên hơi phản cảm vì chữ “vi phạm” choán hết gương mặt nghệ sỹ. “Tôi chủ trương dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn banner treo không phép, sai vị trí, sai số lượng. Sau khi lắng nghe, tôi yêu cầu điều chỉnh lại: Phải ghi rõ “Quảng cáo vi phạm”, chứ không dùng từ “vi phạm”, tránh để người dân hiểu lầm là chương trình vi phạm hay nghệ sỹ vi phạm”, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nói. Ông nói thêm, băng rôn nào vi phạm chỉ cần đóng chéo lên banner, không kỹ lưỡng tới mức xem nó rơi vào phần nào.

Theo lý giải của đại diện Sở, hiện nay Luật Quảng cáo hạn chế việc đưa hình ảnh con người ra mặt phố. “Không phải ai cũng in mặt to đùng rồi phơi ra mặt phố đâu, nghệ sỹ cũng phải hiểu điều đó”, ông Động nói. Đương nhiên nghệ sỹ không ai muốn thấy hình ảnh của mình bị ảnh hưởng, cũng nên ý kiến với bên tổ chức, bán vé để có hiệu quả truyền thông đẹp nhất.

Sẽ đối thoại

Đại diện của Media Max-tổ chức chương trình Phố à phố ơi…Bống à Bống ơi - nói số lượng băng rôn, banner được cấp phép rất ít, khoảng 10-12 chiếc. Tuy nhiên đơn vị này in thêm một số ít banner và chấp nhận bị phạt, bởi tâm lý khán giả Hà Nội vẫn phải nhìn thấy banner treo ngoài đường mới tin vào chương trình. “Chúng tôi cũng là đơn vị thực hiện khá nghiêm túc, chỉ có vài chiếc vi phạm treo không đúng chỗ”, vị này  nói. Có những đơn vị tổ chức khác cũng không ngại ngần thừa nhận in cả trăm cái để treo, cứ bị cắt lại treo vì cạnh tranh ngày càng lớn giữa các đơn vị tổ chức, chương trình diễn ra mật độ dày đặc.

Đây không phải lần đầu tiên những người làm chương trình kêu khó trong vấn đề xin cấp phép băng rôn quảng cáo chương trình. Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Trương Nhuận cũng nhiều lần than, số lượng băng rôn cấp cho các nhà hát thuộc Bộ còn ít hơn cả đơn vị tư nhân nên việc bán vé cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. “Hà Nội chẳng lẽ chỉ có chương trình nghệ thuật? Chẳng lẽ chúng ta không làm an sinh xã hội, không thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, không tuyên truyền chính trị, đối ngoại à?”, ông Tô Văn Động nói. Được biết Sở cũng vừa cấp phép cho một loạt chương trình ca nhạc tiếp theo. Sở cũng có cái lý riêng, bởi với từng ấy chương trình nếu cho phép treo banner quảng cáo thoải mái, trước thời điểm biểu diễn cả tháng trời thì đường phố không biết sẽ ra sao.

Tuy vậy, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết, tuần tới Sở sẽ đối thoại với các bầu sô chương trình quanh câu chuyện băng rôn, banner quảng cáo này. Ông kêu gọi, nghệ sỹ, người làm chương trình, người bán vé cần cùng chịu trách nhiệm, thực hiện quy định của thành phố để “ai cũng được tôn trọng”. Sở đang đề xuất tăng số lượng băng rôn quảng cáo từ 20-40 chiếc. Trong trường hợp Hà Nội không có nhiều các hoạt động, nhiệm vụ chính trị quan trọng, Sở ủng hộ chương trình nghệ thuật tăng tối đa 40 chiếc băng rôn, banner quảng cáo.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết dù biết mức xử phạt vi phạm tối đa chỉ 10 triệu đồng không đủ tính răn đe, nhưng Nghị định của Chính phủ chỉ cho phép khung đó. Sau khi đóng dấu vi phạm, lực lượng thanh tra quận, huyện vẫn phải tháo dỡ những banner quảng cáo vi phạm này. “Còn rất nhiều hình thức quảng cáo khác như trên báo chí, website, facebook, truyền hình. Người bán vé cũng phải chịu trách nhiệm với xã hội”, ông Động nói.

MỚI - NÓNG