Hà Tây - Bên cạnh làng cổ còn có... làng thơ?

Hà Tây - Bên cạnh làng cổ còn có... làng thơ?
TP - Làng Chùa (xã Sơn Công, huyện ứng Hòa, Hà Tây) là một làng quê Bắc bộ giống như bao làng quê khác. Nhưng thơ ca đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của dân làng.
Hà Tây - Bên cạnh làng cổ còn có... làng thơ? ảnh 1

Tối thứ năm hằng tuần, trên sóng truyền thanh của làng đều phát chương trình thơ. Gọi là thơ “cây nhà lá vườn”, nhưng người làng Chùa ai cũng mong đợi chương trình này.

Dạy con không dạy bằng lời
Bà dùng roi đánh tơi bời thế a?
Chửi con bới cả ông cha
Con hư hay chính cả bà cũng hư?”

... Câu thơ trên mang đến tiếng cười giòn nhưng cũng để lại suy nghĩ cho người nghe. Trưởng thôn Lê Xuân Sủng (Hội phó Hội Thơ làng Chùa) cho biết, thời chiến các cụ bà trong làng thường gửi thư cho chồng bằng thơ, các cụ ông hồi âm lại cũng... bằng thơ.

Nay làng Chùa có Hội Thơ là để người dân xích lại gần nhau, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đến nay hơn 700 bài thơ có bút tích của người làng Chùa được tập hợp, đó là chưa kể còn rất nhiều bài thơ truyền khẩu trong dân gian.

Trước năm 1945 ở làng Chùa đã có Hội Văn. Nhưng do chiến tranh, dần dần Hội Văn mất đi. Mãi đến ngày 20/8/1982 làng mới thành lập Hội Thơ. Người đề xướng lập Hội Thơ lúc đó là cụ Nguyễn Xứng Đức và cụ Ngô Đức Bình. Hội thơ ban đầu chỉ là nhóm 5 người yêu thích thơ ca. Đến nay Hội có 31 hội viên, trong đó cao niên nhất là cụ Ngô Đức Bình 87 tuổi.

Nhà thơ Dương Kiều Minh- chủ tịch Hội VHNT Hà Tây, người đưa ra ý tưởng và đang xúc tiến đề án công nhận làng Chùa là làng Thơ ca cho biết: “Điều đặc biệt ở làng Chùa là Ngày hội Thơ hàng năm (13 tháng Giêng) được lấy làm Ngày hội chính thức của làng.

Theo hiểu biết của tôi, chưa có ở đâu tồn tại điều này, vì thế có thể coi đây như một phong tục mới. Chính những người dân làng Chùa đã khai sinh ra làng thơ. Còn chúng tôi hiện nay chỉ tìm cách công nhận làng Thơ để đông đảo mọi người được biết tới”.

Những hội viên và công dân danh dự của làng Chùa

Người làng Chùa còn truyền nhau câu: “Ngày xưa trong ngày Hội làng, người ta mổ trâu mổ bò, rượu chè cờ bạc/ Ngày nay người làng Chùa đốt trầm đọc thơ/ Mừng thay, mừng thay đất ta đã sinh ra những thi sĩ… ”.

Câu này sau được biết là của ông Ngô Đức Bản (đã mất)  – nguyên là chủ tịch Hội thơ làng Chùa. Làng Chùa hiện có 2 nhà văn, một là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), hai là nhà văn Lê Trung Tiết (hội viên Hội VHNT Hà Tây). 

Hai anh được coi là hội viên đặc biệt của Hội Thơ làng Chùa. Là người con của làng Chùa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhớ lại: “Hồi tôi cưới vợ, dân làng đã chúc mừng tôi bằng một “bữa tiệc” thơ no say. Đám cưới của tôi chỉ có đọc thơ, đã khiến cho các nhà thơ như Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Anh Chi, Nguyễn Thành Phong ngạc nhiên và thích thú...

Thực tế, sinh hoạt thi ca đã và đang diễn ra ở đây từ rất lâu rồi. Chuyện một người chồng đánh vợ cũng có thể được viết ra thành một bài thơ. Thi ca ở ngay chính cuộc sống của dân làng, khởi đầu từ những điều giản dị nhất.

Đơn giản bởi vì toàn bộ cuộc sống và tâm hồn của dân làng đã được kết tinh thành thơ. Không phải tất cả người làng Chùa đều làm thơ, nhưng tất cả họ đều yêu thơ. Cho nên ý tưởng đề nghị công nhận làng Chùa là  làng Thơ khiến tôi rất vui, vì những điều mà dân làng đã và đang làm sẽ được nhìn nhận, được lan tỏa”. 

Hai năm trước, nghe danh làng Chùa các nhà thơ Mỹ trong đó có Kevin Bowen, Bruce Weigl đã tìm về làng. Còn nhà thơ Phạm Tiến Duật thì nhớ lại: “Khi tôi về làng Chùa vào năm 1982 để dự lễ ra mắt Hội thơ, tôi rất ngạc nhiên và hơi lấy làm ngượng khi nhìn thấy băng rôn treo ngay đầu làng: “Kính chào nhà thơ Phạm Tiến Duật”. Chưa bao giờ tôi được chào đón và thấy có nhiều người nghe thơ như vậy”.

Ngày đó, làng Chùa đã phải huy động người chặt tre làm mâm cỗ đón khách, liên hoan nhân dịp tái lập Hội Thơ. Đêm xuống, hàng trăm người nông dân bỏ hết công việc, xách đèn dầu ra sân đình nghe nhà thơ Phạm Tiến Duật nói chuyện thơ (hồi đó làng Chùa chưa có điện). Có người ôm cả con đang ốm ra nghe thơ.

Và cũng từ năm đó, người dân làng Chùa đã coi Phạm Tiến Duật là công dân danh dự của làng. Sau này, nhà thơ Trần Ninh Hồ cũng được gọi như vậy. Nhà thơ Phạm Tiến Duật cho rằng: “Bây giờ nhiều làng cổ đang dần mất đi.

Trong xu thế đô thị hóa, người ta ngói hóa, xi măng hóa vào tận làng xóm, đời sống người dân nâng lên nhưng văn hoá làng đang dần mất đi. Giữ được nét văn hóa làng như làng Chùa là hiếm có, đáng trân trọng, cần phát huy và gìn giữ”.

Làng Chùa đang chuẩn bị đề án xây dựng thư viện hình ngũ giác ngay giữa một cái hồ, xung quanh trồng toàn sen trắng. Đây sẽ là nơi đọc sách của dân làng và cũng là nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật của làng.

 Được biết, một số “Mạnh thường quân” đang muốn phối hợp với làng Chùa tổ chức một cuộc hội thảo thơ quốc tế vào năm tới với 100 nhà thơ tham dự, khoảng 1/3 số này là các nhà thơ nước ngoài. Chủ đề của cuộc hội thảo thơ quốc tế (nếu có) là: “Thi ca và nơi chúng ta sinh ra”.

MỚI - NÓNG