Hà Tĩnh: Những bộ sách đồ sộ nhưng... vô bổ

Hà Tĩnh: Những bộ sách đồ sộ nhưng... vô bổ
“Hà Tĩnh thế và lực mới” và “Hà Tĩnh trên đường phát triển” là 2 “pho” sách đồ sộ, tốn kém hàng tỷ đồng nhưng sai nhiều quá nên sách thành giấy lộn.

Hai pho sách kể trên dù đồ sộ nhưng toàn những lời lẽ "đưa lên mây xanh" và những tấm ảnh những công trình… chưa có. Sai nhiều quá nên sách thành giấy lộn, không được phát hành. Cty quảng cáo báo chí truyền hình và Cty cổ phần thông tin kinh tế đối ngoại có trụ sở tại Hà Nội là hai nhà sản xuất ra các tác phẩm này.

Biết Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo về kinh tế, có tiềm lực về trí tuệ và tài nguyên đang kêu gọi thu hút đầu tư, Cty quảng cáo báo chí truyền hình có trụ sở ở lầu 4B21 Nam Thành Công - Nguyên Hồng - Hà Nội đã đi tắt, “đón đầu”, cử một đoàn gồm nhiều cây viết hoa khôi vào Hà Tĩnh làm sách. Trong thời gian vài ba tháng một cuốn sách có tựa đề “Hà Tĩnh thế và lực mới” được ra đời. Sách đồ sộ và cực đẹp (xem ảnh). Có thể nói viết về Hà Tĩnh chưa có quyển sách nào được in ấn và trình bày công phu như thế này. Sách gồm có 272 trang, in 3500 cuốn khổ 20x28cm. Giấy phép số 99 QĐ- XB do Cục Xuất bản Bộ Văn hoá Thông tin cấp ngày 4/6/2003. In xong và nộp lưu chiểu tháng 7/2003.

Sách có ghi “Cty quảng cáo báo chí truyền hình giữ nguyên bản quyền. Nghiêm cấm sao chép, tái bản bất kỳ phần nào trong cuốn sách nếu chưa được chấp nhận bằng văn bản của Cty...” - khiến người xem thấy có vẻ nghiêm túc.

Khi sách được đưa về, một số cơ quan có góp tiền vào để giới thiệu đơn vị mình đọc thì  mới tá hoả lên vì những lỗi sai phạm. Đơn vị đầu tiên không đồng tình với sản phẩm này là UBND tỉnh Hà Tĩnh. Vì trên đầu bìa 1 ghi dòng chữ  “UBND tỉnh Hà Tĩnh” như thế có nghĩa là UBND tỉnh là người chịu trách nhiệm xuất bản. Sự thật đâu có phải như thế. ở trang cuối cùng phần thể hiện tính pháp lý ghi rõ “Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật sư Đồng Xuân Thụ. Tổ chức và thực hiện: Cty quảng cáo báo chí truyền hình”.

Ban biên tập gồm 23 người với những cái tên rất đẹp như: Thuý Liễu, Phương Thảo, Khánh Dung, ánh Hồng, Thuỳ Hoa, Phương Liên, Bích Nga, Bích Ngọc, Bích Đào...

Rất tiếc phía Hà Tĩnh chỉ được mượn tên chứ không có một ai trong danh sách những người biên tập. Cái đáng nói ở đây là nhiều bài viết đã đưa các đơn vị Hà Tĩnh lên mây xanh khiến người trong cuộc cũng thấy xấu hổ. Nghiêm trọng hơn là những cái sai. Ví như bức ảnh chụp toà nhà 12 tầng rất đồ sộ với chú thích “Trung tâm thương mại Hà Tĩnh” gán cho Tổng Công ty khoáng sản và thương mại. Nhưng sự thật thì làm gì có khu trung tâm ấy trên thực tế, đó chỉ là mô hình. Mãi đến sau một năm sách ra đời công trình mới làm lễ động thổ.

“Cty xuất nhập khẩu Hà Tĩnh” cũng được người làm sách “biếu không”  toà nhà 7 tầng lộng lẫy trên giấy với dòng chữ chú thích “Trụ sở chính của Cty”. Điều đáng buồn là hiện nay tại vị trí ấy chỉ còn lại một ngôi nhà cũ kỹ được che bạt lại.

Tập sách này có in đến 400 bức ảnh. Hầu hết là lấy của những nhà nhiếp ảnh ở địa phương nhưng không xin phép (nhưng người làm sách lại răn đe người khác không được sao chép). Một hội viên ảnh câu lạc bộ Thành Sen cho biết có đến 33 bức ảnh của anh bị lấy in là vi phạm Luật bản quyền.

Về nội dung các bài viết sai sót rất nhiều khó dẫn chứng hết. Chỉ xin nêu một thí dụ ở trang 25, bài giới thiệu tổng quát nguyên văn: “Nhìn trên bản đồ Việt Nam, Hà Tĩnh ở vào vĩ độ “15053’ 50’’ Và 180 45’ 50’’”. Những người không thông thạo địa lý cũng biết rằng Hà Tĩnh không thể ở phía Nam sông Bến Hải - cầu Hiền Lương nơi có vĩ tuyến 17.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã cho họp đi họp lại nhiều lần lấy ý kiến của rất nhiều người. Cuối cùng đành phải đề nghị không chấp nhận để cho cuốn sách này phát hành rộng rãi. Than ôi! Khoảng 120 đơn vị đã góp tiền trước vào đây. Nơi ít nhất được biết là 23 trường THPT mỗi đơn vị là 6 triệu. Lắm đơn vị kinh tế mạnh hơn cùng các sở và huyện thị số tiền góp vào phải nhiều hơn. Sơ bộ phía Hà Tĩnh đã đầu tư khoảng gần 1 tỷ đồng cho cuốn sách này... để rồi xếp xó.

Bài học của Cty quảng cáo báo chí truyền hình năm 2003 chưa lắng xuống thì đầu năm 2004 Cty cổ phần thông tin kinh tế đối ngoại do ông Chu Viết Luân làm Tổng Giám đốc lại cho người vào “giúp” Hà Tĩnh làm cuốn khác lấy tên là “Hà Tĩnh trên đường phát triển”. Tập sách này kích thước và màu mè khiêm tốn hơn, chỉ in hai màu đen trắng, hơn 700 trang. Giấy phép được cấp tháng 4 quá trình tiến hành dài hơn, đến tháng 11/2004 mới in ấn xong. Số lượng in 4000 cuốn, so với 3500 cuốn của tập trước. Phương thức là phía Hà Nội làm trọn gói. Các đơn vị Hà Tĩnh chỉ hỗ trợ phần nào. Hà Tĩnh ký hợp đồng mua 2500 cuốn với giá 120.000đồng/ cuốn thành tiền là 300 triệu. Sự đời rủi người này nhưng lại may cho người khác. Khi người trong cuộc đọc thử một số bài thì thấy lỗi sai phạm của cuốn sách này cũng không kém cuốn trước. Ví dụ, ở trang 154 trong bức ảnh người đứng trên bục phát biểu là Thủ tướng Phan Văn Khải nhưng chú thích ghi là: “Ông Phan Văn Tích, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê...”.

Viết về đồng bào người Chứt ở trang 625: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng bào Chứt luôn ủng hộ cách mạng, từng che chở bộ đội hành quân qua đây. Có một lần bà con trong bản kể lại: “Biệt kích Mỹ- Nguỵ xâm nhập vào vùng đất này, một đồng bào Chứt đã cố ý dẫn chúng vào chỗ quân giải phóng mai phục sẵn. Phát hiện ra ý đồ đó toán biệt kích đã bắn chết toán người đồng bào của ta”. Đọc đoạn văn này người địa phương ai cũng cười không chỉ vì nó quá ngây ngô mà còn vì bộ tộc Chứt có mấy chục người sống lang thang trong hang động giữa rừng Việt Lào, sau này mới được bộ đội biên phòng Hà Tĩnh tìm về xây dựng  khu định cư ở bản Rào Tre…

Cuốn sách này lỗi sai cũng không ít. Lãnh đạo tỉnh trưng cầu ý kiến nhiều chuyên gia về sách ở địa phương. Nhà văn Đức Ban - Giám đốc Sở VHTT nhận xét: “Lỗi sai quá nhiều chứng tỏ người viết không hiểu biết về Hà Tĩnh. Phía địa phương đi đến quyết định: không thể bỏ tiền mua. Cty cổ phần thông tin đối ngoại biết được lỗi của mình đành xin chở 1500 cuốn về, thay vì đáng ra phải chở thêm 1000 cuốn vào cho Hà Tĩnh. Với số lượng in 4000 cuốn tính theo một nửa giá bìa và công đi lại, viết lách, tiền giấy và in ấn cũng tiêu tốn vài trăm triệu đồng là cái chắc.

Hai năm 2003- 2004 hai đơn vị ở Hà Nội làm sách cho Hà Tĩnh in 2 cuốn số lượng 3500 + 4000 =7500 cuốn nhân với gần 1000 trang, sơ bộ ngót 7,5 triệu trang sách in bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, tiêu tốn hơn 1 tỷ bạc, không dùng được đành xếp xó thành  giấy loại!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.