Hà Trần: Mừng em đã biết xót thương tình yêu

Hà Trần: Mừng em đã biết xót thương tình yêu
Khác với những người đàn ông trước luôn bị chị chinh phục, khi yêu luôn dựa vào chị, người đàn ông hiện tại của diva Trần Thu Hà cho chị cảm giác bình yên khi tựa vào. Chưa ai cho chị được cảm giác hớn hở như ngày đầu sau 6 năm chung sống như với anh Bình.

Không thích nói về cuộc sống riêng tư nữa, nhưng chắc tại tôi làm mặt “lì” nên Hà Trần dọa: “Nếu cứ ép chị phỏng vấn, cuộc nói chuyện sẽ nhạt như nước ốc”.

Và rồi, đúng là nước ốc thật! Nhưng lạ là dường như có cả vị chua, cay, mặn, ngọt và nóng hổi giữa mùa đông Hà thành.

Hà Trần: Mừng em đã biết xót thương tình yêu ảnh 1

Đàn ông đi săn đuổi tôi đều thất bại (ấy vậy mà…)

- Người ta thường nói, vợ chồng là duyên số. Lần đầu gặp “cái duyên số” ấy, chị có ấn tượng gì?

- Lần đầu gặp tôi chẳng thích đâu. Tôi thấy anh láo láo kiểu gì ấy (cười). Trông gồ ghề, tóc dài, tưng tửng bất cần. Nên tôi cũng đáp trả bằng lạnh lùng. Tôi đứng chào anh ấy ngoài cửa, không bước chân vào. Nhưng sau đó, nói chuyện với Bình thấy rất ấm áp và vững vàng. Tôi từng có nhiều bạn trai, nhưng tôi không thấy ai như anh cả.

- Và chị làm đám cưới ngay tức thì?

- Chúng tôi biết nhau 1 năm trước rồi, nhưng yêu thì 2 tháng sau là cưới. Lúc yêu là đã xác định cưới rồi. Lần này không như những mối quan hệ tôi có trước đó.

- Khác ở điểm nào?

- Tính tôi thích đi chinh phục và bao giờ cũng dứt áo ra đi trước. Đàn ông săn đuổi tôi đều thất bại. Tất cả các chàng của tôi ngày xưa đều là người tôi thích. Tôi bật đèn xanh, họ mới theo đuổi được. Đó là cuộc rượt đuổi mà họ tưởng mình là thợ săn. Nhưng anh Bình lại là người chủ động rượt tôi đến cùng.

- Cảm giác người khác là “thợ săn”, mình là “kẻ bị săn” thế nào nhỉ?

- Khi gặp nhau, chúng tôi là bạn, sau đó Bình chuyển sang tấn công khiến tôi rất bực mình. Tôi đã trách móc, không nói chuyện với anh ấy suốt 2 tháng.

Thời gian không nói chuyện với anh, tôi về Việt Nam, tự dưng cảm thấy cuộc sống của mình thiếu thiếu cái gì đấy, không đầy đủ nữa. Tôi có những người đàn ông lớn che chở và bảo bọc như chú Tiến (nhạc sĩ Trần Tiến) hay anh trai, nhưng tâm vẫn xáo trộn. Với Bình, tôi cảm giác an bình như chưa bao giờ nhận được trong đời cả.

- Chị gọi cảm giác đó là tình yêu?

- Đúng ra tôi rất sợ vì lúc ấy đang có bạn trai. Biết anh Bình sẽ là bước ngoặt lớn trong cuộc đời, nên tôi sợ và lẩn tránh. Cho đến khi chúng tôi cùng nhóm bạn đi du lịch Thái Lan, mọi thứ rõ ràng hơn, tôi quyết định chia tay người yêu hiện tại của mình.

- Sao lại sợ bước ngoặt lớn tốt đẹp của cuộc đời nhỉ? Đó là một anh chàng quốc tịch Mỹ, công việc và cuộc sống ổn định.

- Tưởng tượng xem, 26 năm tôi ở Hà Nội, bao nhiêu cơ hội làm ăn mời gọi. Ngay đến TP.HCM cũng chỉ vào đó hát rồi lại ra. Giờ gặp ngay một ông ở Mỹ, mình phải xa Hà Nội và đi kiếm ăn ở chỗ khác. Mình phải cam kết với bản thân, đến môi trường mới phải hòa nhập vào đó, làm lại từ đầu. Chuyện này rất nhiều khó khăn và không phải ai cũng làm được.

- Chị có thấy mình cưới vội vàng?

- Tôi biết mình đã có hướng đi đúng trong cuộc đời, mình phải ở bên con người này. Nó như hai cộng lại thành một, mạnh mẽ hơn.

Hà Trần: Mừng em đã biết xót thương tình yêu ảnh 2

Không khó khăn tài chính nhưng khủng hoảng tinh thần

- Năm đầu sang Mỹ, chị gặp khó khăn gì không?

- Nhu cầu đơn giản thành ra tôi không nhức đầu về tài chính lắm. Nói không ai tin, nhưng tôi sang đó chỉ mang theo một va li gồm quần áo, tư trang cá nhân và sách. Anh Bình còn trêu: “Cả thế gian của em trong một cái va li”. Lúc đầu, anh Bình ở Bắc Cali, tôi đến đó chỉ mang theo cái va li. Và khi chuyển đến Nam Cali, tôi cũng chỉ đem theo nó.

Tôi không có cuộc sống của một ngôi sao, không phải vì khiêm tốn gì, mà do không có nhu cầu. Đi hát tất nhiên cầu kỳ hơn chút xíu, nếu không khán giả nghĩ mình thiếu tôn trọng họ. Còn lại, tôi không thích phô trương hàng hiệu, tiện nghi, xe cộ, chỉ cần chỗ ở sạch sẽ, gia đình ngăn nắp và có kỷ luật. Nghe có vẻ tẻ nhạt đúng không?

Ngược lại, tôi gặp khó khăn về tinh thần. Xa gia đình, cuộc sống ngăn nắp, quy củ nên tôi bị đảo lộn hết. Lúc trước ở Việt Nam, tôi không bao giờ có kế hoạch dài lâu, có việc gì hẹn trong tuần là nhiều lắm rồi, chứ không có lịch cho cả năm.

Chồng tôi cũng biết điều đó nên ngoài thời gian tôi đi hát, anh ấy đưa tôi đến làm việc ở văn phòng của anh ấy. Người không hiểu, gièm pha ca sĩ nổi tiếng sang Mỹ làm nhân viên văn phòng. Nhưng thực ra, anh ấy muốn tạo bước đệm để tôi bớt buồn và bắt nhịp với cuộc sống ở đây.

- Chồng chị không thuộc nhóm ấy?

- Anh ấy mang cái vỏ người Á Đông, nhưng ruột là người Mỹ. Cho dù gia đình anh sống rất đông bên đó và vẫn duy trì một số nề nếp của người Việt, vẫn quây quần bên nhau chứ không lạnh lùng như dân địa phương. Những điều đó anh còn theo gia đình, còn lại tất cả suy nghĩ, ứng xử, anh ấy không phải người Việt.

Đồ biểu diễn của tôi không đến vài ngàn USD

- Đồ đi diễn của chị có người thiết kế không?

- Lúc mới sang đây, tôi thường mua đồ may sẵn. Nhưng giờ hát cho một trung tâm ca nhạc hải ngoại, ở đây có người thiết kế nên tiết mục nào cần đồ, tôi nhờ họ thiết kế, không thì đi mua.

- Chị thường mua đồ trình diễn với giá vài ngàn USD?

- Không nhiều vậy. Đồ của nhà thiết kế Việt Nam thường vài trăm USD một bộ, đồ Tây cũng thế. Thương hiệu lớn tính tiền ngàn USD nhưng phải là hàng độc, tôi mới chi số tiền ấy. Đồ trình diễn mặc vài lần rồi bỏ, tôi không đặt nặng sĩ diện thì chả việc gì phải hoang phí. Tôi thích đẹp mà phải độc, hiếm.

- Ra nước ngoài, có bao giờ chị nghĩ sẽ quay về Việt Nam sống không?

- Tôi quen sống với gia đình, có anh trai và các cháu rồi. Nhưng tôi ý thức được là mình đã đi thì phải tập trung xây dựng một cuộc sống mới. Phải sống mới biết nó có ra gì không chứ? Tôi không gọi điện về nhà, không phải vì không nhớ, mà nghĩ nếu cứ bìu ríu mãi như thế sẽ không thoát được. Có thể người ta thấy tôi quá lý trí nhưng đến 2, 3 năm sau mới quen được đấy. Tôi thấy hầu như người Việt ở hải ngoại đều bị dấm dẳng những chuyện quá khứ hay cảm giác tha hương. Mặc dù thành công, có nhà lầu xe hơi, nhưng họ vẫn không đi qua được quá khứ.

- Thời gan 2, 3 năm đó, cảm giác không quen của chị thế nào?

- Suốt mấy năm đầu ở Mỹ, tôi ngủ mơ, vẫn thấy mình đang ở Việt Nam. Mãi mấy năm sau, tôi ngủ mơ mới có hiện diện cả hai không gian Việt – Mỹ và trong giấc mơ của tôi còn có chồng. Nhiều lúc, anh Bình cũng phải buồn cười vì trong giấc mơ, tôi vẫn không biết ai là chồng mình. Tôi chưa ý thức được là mình đã lập gia đình (cười).

Hà Trần: Mừng em đã biết xót thương tình yêu ảnh 3

Không gây hấn hay ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của ai

- Sang bên đó, cộng đồng người Việt đón nhận chị thế nào?

- Tôi may mắn hơn thế hệ ca sĩ trước đó. Cộng đồng người Việt đã có sự cởi mở với ca sĩ Việt Nam sang hát, bầu show cũng mạnh dạn mời chúng tôi chứ không như lúc trước. Thêm nữa, dòng nhạc tôi hát sang trọng nên khách của tôi cũng thuộc tầng lớp đó. Hơn nữa tính tôi đằm, không gây hấn hay làm ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của ai. Ca sĩ giải trí thường đắt show, nhưng thuyền càng lớn thì sóng càng to. Tôi không theo dòng nhạc này nên được mời đi hát đều đều, không đến mức lấy hết show của người khác, vì vậy không gặp sóng lớn hay bị chơi xấu.

- Vào một số trang web hải ngoại, tôi thấy chị vẫn bị “nắn gân” đấy thôi...

- Khi đó tôi có nhiều show diễn nên bị vu khống trên mạng. Có tin đồn Trần Thu Hà chửi cộng đồng trong một chương trình nào đó. Họ đưa tin bôi nhọ tôi, rồi bảo chỉ cần tôi đưa tiền, họ sẽ lấy thông tin kia xuống.

Lúc ấy, tôi không đưa tiền và cũng không thanh minh gì cả. Những ai biết tôi sẽ hiểu không bao giờ tôi hành xử vô học như vậy. Sau đó, có  vài tờ báo thấy chuyện này có điều gì lấn cấn, nên mời tôi giao lưu trực tuyến với độc giả. Tôi đã trả lời rõ ràng là không có mặt ở show diễn đó  vào thời điểm đó. Nếu muốn kiểm chứng thì mời lên trang web: hatranmusic.com xem lịch diễn của tôi.

- Nhiều người cho rằng, chị và Bằng Kiều là đôi giọng ca đẹp trên sân khấu, chị có nhận thấy như vậy?

- Tôi cho rằng anh ấy là người hát hợp với mình nhất, hiện nay chưa có ai hơn thế. Anh cũng từng tâm sự rằng tôi là người hát đôi hợp ý nhất, hòa quyện nhất với anh ấy.

- Chị có từng yêu đơn phương Bằng Kiều?

- (Cười lớn) Tôi và anh ấy đúng là bạn đấy. Chúng tôi bỗ bã, trêu chọc nhau thoải mái, chẳng ai hờn giận. Anh đi hát với tôi, vợ chẳng bao giờ lo. Có khi show ít kinh phí phải tiết kiệm phòng, vợ anh còn bảo: “Sao anh không ở chung với Hà?”. Đã là bạn thì không có tình yêu. Chúng tôi cũng không thuộc mẫu người trong mộng nhau.

- Khi ở nước ngoài, Bằng Kiều gặp nhiều sự cố, bị tẩy chay, lúc đó chị có đứng cạnh anh ấy?

- Tôi luôn đứng bên anh ấy. Không chỉ Kiều mà tất cả bạn bè sang Mỹ định cư, tôi đều đối xử như nhau. Thời gian Thu Phương bị tẩy chay, tôi vẫn hợp tác với chị ấy. Hai người giận nhau, tôi cũng luôn “bàn vào”, không được thì vẫn chơi với mỗi người, ở bên cạnh khi họ cần. Tôi luôn hy vọng có ngày họ sẽ làm lành.

Nhà chồng tôi ai cũng “nhắng”

- Bản thân chị, kết hôn với một người không cùng nghề có thuận lợi không?

- Với tôi, đó là một cảm giác dễ chịu khi hai vợ chồng không tham gia vào việc của nhau. Về đến nhà là gia đình, là cái tổ chim cúc cu, không đem rắc rối về…tổ

- Anh chị định sống mãi một cuộc sống son rỗi ư?

- Chúng tôi không bị hối thúc chuyện sinh con và xác định hãy chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng rồi mới có em bé. Nhưng giờ tôi có con và đang tập trung vào chuyện này. Còn mấy năm trước ngay cả việc lấy chồng còn chưa quen, lại đẻ ra một đứa con thì stress lắm.

- Nhìn vào anh chị, thấy giống đôi trẻ nhí nhố lắm!

- Tình cũ của tôi, từ cậu choai mới lớn, đến người đàn ông trưởng thành, lớn tuổi hơn đều dựa vào tôi làm tôi mệt mỏi. Cứ như thể tôi là trụ cột của mối quan hệ, không “có bờ vai nào đủ rộng, gánh buồn ta đổ xuống sông” (thơ Phạm Tường Vân). Tình yêu vì thế chẳng bền lâu.

Khi gặp Bình, tôi thấy mình dựa vào anh ấy. Chưa có ai cho tôi được cảm giác hớn hở như ngày đầu sau 6 năm chung sống. Anh hơn tôi 5 tuổi, khoảng cách tuổi tác thế là vừa. Chúng tôi luôn có cảm giác như ở tuổi đôi mươi, còn đang đi học, vẫn còn bắng nha bắng nhắng.

- Thế có bị gia đình rầy la không?

- Nhà chồng tôi sống phóng khoáng, trẻ trung nên cũng vậy (cười)

- Chồng chị có chút gì của những hình mẫu đàn ông trong gia đình chị không?

- Anh ấy có một tí của mỗi người, sắc bén, từng trải như chú Tiến. Rộng lượng, bao dung như anh trai tôi. Và hồn nhiên giống bố tôi.

Giờ ngẫm lại, tôi thấy mình thích mẫu đàn ông đáo để. Anh Bình đanh đá lắm, rất sắc bén về ngôn ngữ mới “khóa miệng” tôi được. Làm đàn ông phải có thái độ rõ ràng, nhưng cũng phải biết mở lòng rộng lượng.

- Đến giờ chị có thấy mình may mắn?

- May hơn khôn ấy chứ! Với những phụ nữ cá tính dị biệt, mới nhìn vào ai cũng nghĩ họ nổi loạn, nhưng bên trong mọi thứ rất bình ổn. Thường những người như tôi, khi có một bến đỗ bình yên rồi cứ tà tà mà sống.

Nhà của chúng tôi ít đồ, các phòng đều đi theo tông

- Sang Mỹ cuộc sống của chị thế nào?

- Mới sang đó chúng tôi thuê nhà. Nhà bố chồng rộng, bảo hai đứa về ở chung nhưng chúng tôi không thích, vì cả hai muốn có phòng làm nhạc, mà ồn ào thì người già khó ngủ. Sau một tuần rưỡi, chúng tôi mua nhà, đất thật nhưng trả góp 30 năm. Ai cũng thế hết, cứ từ từ mà trả nợ.

- Người ta nói, hãy đến xem ngôi nhà, bạn sẽ biết được tính cách của chủ nhân

- Nhà tôi khoảng 120m2, có 4 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 bếp theo kiểu quầy bar. Nhà có vườn rộng, phía sau có 2 cây liễu đỏ, đến mùa hoa tủa ra đỏ thắm. Hàng rào trước cổng cây đuôi ngựa, hơi giống kiểu Nhật. Tôi thích cây nên trong nhà rất nhiều cây  xanh. Chúng tôi thích kiểu nhà hiện đại, đơn giản, gọn và sạch. Sàn gỗ, bếp, các phòng sinh hoạt đều ton-sur-ton.

- Trong nhà, ai là người sắp đặt, trang trí?

- Vì cùng gu và tôi lại thích chăm sóc nhà cửa nên Bình giao cho tôi trách nhiệm sắp đặt mọi thứ. Anh ấy chỉ lo phòng thu thôi.

Ở Mỹ, 8 giờ sáng tôi thức dậy, xay nước trái cây uống, tập thể dục 1 tiếng. Tập xong thường dành ra khoảng 3,4 tiếng lên mạng check email, xem tin tức, thư từ, công việc nhà cần lo.

Ăn trưa xong nếu có lịch tập nhạc, phỏng vấn thì đi, không thì đi chợ, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Chiều 4, 5 giờ đi đạp xe 1 tiếng rồi về chuẩn bị bữa tối. Từ 10 giờ tối đến 1 giờ sáng, hai vợ chồng vào cái phòng thu bé xíu lọ mọ làm nhạc, thu hát. Cuối tuần bay đi trình diễn.

Vợ chồng tôi bao giờ cũng dành bữa tối ăn cơm với nhau. Đi ra ngoài mãi cũng chán nên thích nấu ăn ở nhà. Nấu riết quen, giờ tôi có thể nấu đủ món.

Khán giả cũng không thể mãi nghe những loại nhạc cũ kỹ

- Kế hoạch anh chị về Việt Nam lần này là gì?

- Tôi và chồng về Việt Nam để xin giấy phép ra hai sản phẩm Indie: một là đĩa nhạc hòa tấu điện tử của Whodat Minimal Beasts, hai là đĩa nhạc electro/country của Super Seed mang tên Seedhead. Hai album này tôi giữ vai trò nhà sản xuất là chính, hát chỉ đôi ba bài. Và lần này, tôi cũng tham gia một vài chương trình âm nhạc.

- Tại sao chị chọn loại nhạc kén người nghe vậy?

- Tôi có chọn đâu? Âm nhạc chọn tôi, bắt tôi phải chịu “số khổ”. Làm nhạc phục vụ thị hiếu công chúng và dễ nghe một chút, nói không ngoa, tôi làm cả chục album một năm cũng được. Làm thì được tiếng được miếng đấy nhưng khổ tâm lắm. Tôi chấp nhận thua thiệt để ít ra còn nghe lại được cái mình làm ra và còn cảm hứng đứng trên sân khấu.

- Chị có chờ đợi sự chia sẻ?

- Đợi đến bao giờ? Tôi đi rất nhiều nơi, gặp rất Việt ở Canada, Mỹ, Úc, Châu Âu, chủ yếu khán giả thích một thứ nhạc xưa xưa. Khối Đông Âu chủ yếu là dân xuất khẩu lao động thì ưa nhạc đỏ. Nhìn chung không có nhu cầu thay đổi gì hết. Bao năm qua vẫn vậy, rượu cũ bình mới.

- Chị hẹn khán giả Việt Nam sẽ làm live show vào năm 2004, nhưng đã sáu năm trôi qua rồi?

- Mọi người thường nghĩ là ngôi sao phải có điều gì đó đặc biệt, phải trưng trổ, bán vé đắt, còn không chỉ là hạng bình dân.Tôi không có quan niệm như thế, thật ra chi phí phải chăng và lượng khán giả đông, thêm đạo diễn và ê kíp giỏi làm vừa vặn trong khuôn khổ thưởng thức, ca sĩ có nội lực là ổn. Thực ra tôi muốn chương trình của mình bán vé rẻ, vì khán giả mình đâu có nhiều tiền fan của tôi chủ yếu thành phần trí thức, cũng chẳng giàu có gì.

Đó cũng là lý do sáu năm nay, tôi không làm live show. Tôi chưa tìm được ê kíp thích hợp, có cùng quan điểm nghệ thuật và dám chới với nghề, với khán giả, một cuộc chơi ít tính toán công danh lợi lộc.

Theo Mốt & Cuộc sống

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.