Hà Trần xông pha

Với tinh thần Bản nguyên bứt phá, Hà Trần thu hút thêm khán giả trẻ. Cô cũng vừa ra mắt một thương hiệu thời trang hướng tới người trẻ. Ảnh: N.M.Hà.
Với tinh thần Bản nguyên bứt phá, Hà Trần thu hút thêm khán giả trẻ. Cô cũng vừa ra mắt một thương hiệu thời trang hướng tới người trẻ. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Trong bộ tứ diva, Hà Trần trẻ nhất và cũng chịu khó xông pha hơn cả. Bên cạnh những chương trình trên sân khấu lớn như Diva Việt Nam (13/8 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội), cô còn chịu khó “chui” vào những câu lạc bộ, tụ điểm âm nhạc dành cho giới trẻ để hát Bản nguyên - dự án độc lập với những nghệ sĩ trẻ. Hà Trần thích đón đầu những xu thế mới. 

Đang ở vị thế diva, Hà vẫn chịu khó chui vào các tụ điểm bụi bặm để hát Bản nguyên với giá vé rẻ. Động cơ của bạn là gì?

Bản nguyên là một nhánh rẽ để làm cái mình thích và đúng với mình. Phong cách của Bản nguyên là indie rock thì mình cũng phải tổ chức những chương trình biểu diễn tương thích. Tôi không nghĩ đó là thử nghiệm. Chả ai lại dở hơi đi làm thử nghiệm bây giờ. Nhưng mình đã sinh ra mô hình không giống dòng chảy chung chung của xã hội bây giờ, thì mình sẽ chăm sóc nó theo hướng đó.

Bây giờ hay có những kiểu show được tài trợ và làm rất rùm beng, hoặc nhãn hàng cho tiền để mình làm quảng cáo cho họ. Những show đó không nói lên thực tế của công nghệ giải trí. Vì số vé bán ra thực sự và thu nhập từ bán vé không ai biết hoặc không ai nói thật ra. Những show nhỏ như Bản nguyên bán vé rất rẻ. Vì khách của Bản nguyên là thanh niên, sinh viên. Với ca sĩ đã quen ăn lương cao, đấy là một sự thiệt thòi. Nhưng nó sẽ cho Hà biết chính xác khán giả của mình ở đâu và có “thật” không.

Cũng là “một bước lùi ba bước tiến” vì diva U40 bỗng lại thu hút được một lượng fan trẻ trung hơn?

Chắc chắn. Fan Bản nguyên rất trẻ, sinh quãng 1990 hay 2000 đều có. Những người trước đây chưa bao giờ thấy đến show của mình, nhưng lại nghe nhạc mình từ rất lâu. Chỉ là họ chưa có tiền. Mình cứ đi diễn những show hàng triệu tiền vé thì ai mà mua được. Rất nhiều người vì sự gián đoạn lâu quá của Hà ở Việt Nam, có biết Hà nữa đâu. Nhưng qua đây họ lại đi tìm hiểu ngược lại giai đoạn trước. Nghệ sĩ luôn phải vận động. Có nhiều cách để tồn tại. Mình vẫn cần những show thương mại để có thu nhập. Ngược lại mình cũng có những hoạt động để sống với nghề nghiệp, với khán giả.

Hà vừa nhận lời làm giám khảo cho một cuộc thi hát qua mạng trong khi từ chối các lời mời của các cuộc thi hát truyền hình. Tại sao?

Tôi từ chối nhiều chương trình vì cảm thấy chưa thích hợp. Còn phải xem mình ngồi cùng ghế nóng với ai. Nếu trong một cuộc thi, thấy dàn giám khảo hấp dẫn, có thể tương tác với nhau được thì công việc trên truyền hình của mình sẽ đỡ áp lực hơn. Ví dụ có 4 người thì phải có 2-3 người cùng quan điểm. Ê-kip hợp gu nhau sẽ dễ làm việc hơn, tránh được scandal rủi ro.

Tất cả các show truyền hình thực tế có áp lực phải có nhiều người xem, áp lực từ các nhãn hàng. Cuộc thi này chỉ quay clip phát trên YouTube ít bị áp lực hơn vì chỉ có nhà tổ chức và tài trợ duy nhất. Hợp với cá tính của mình thì mình nhận làm.

Tới đây các diva lại hội tụ trong một chương trình, tính đến lần này là lần thứ ba, trong chưa đầy một năm. Hà đã thấy... chán chưa?

Sao lại chán? Ăn thua là người làm giám đốc nghệ thuật. Lần này nhạc sĩ Anh Quân làm sẽ có ý tưởng khác, điểm nhấn khác. Tôi vẫn tôn trọng và vui thích khi hát với các chị.

Hiện cũng có một số người có thể coi là diva nhưng chẳng qua cách gọi đó đã hết mốt rồi?

Đúng rồi. Diva đúng nghĩa là người nữ có tầm ảnh hưởng lớn, có quyền lực, tạo ra trường phái riêng. Hiện có nhiều ca sĩ nữ làm được điều đấy. Nhưng tự nhiên người ta không sính cách gọi đó nữa... Cho nên nói chung những danh từ đấy nên đón nhận với thái độ vừa phải. Được nhận cũng có phần vinh dự nhưng không cứ bám vào đó để sống chết. Giống như mình được nhận một cái cúp treo ở nhà thì rồi vẫn phải đi làm tiếp.

Em bé của Hà đã bộc lộ khả năng âm nhạc?

Mới có 4 tuổi rưỡi, nhưng bé rất có năng khiếu về hát, trình diễn. Nói tiếng Việt không sõi nhưng có thể hát cả bài. Tiếng Anh, Tây Ban Nha cũng hát được. Ba tuổi đã đòi đi học ballet, cũng theo được hai khóa rồi. Đợt tới cho đi học piano nữa là y chang mẹ hồi bé. (Hồi bé, Hà học ballet được 1 năm, piano gần 3 năm).

Hình như là ở Mỹ, Hà lại có thời gian chăm sóc con hơn?

Đúng rồi. Mỗi lần dắt con về đây, thấy “có lỗi”, vì không có thời giờ dành cho con. Tại bên kia sống đời “bảo mẫu” quen rồi. Ở Việt Nam mọi người thấy chuyện đưa con cho ông ba trông hay thuê vú em hoặc quẳng nhà trẻ là rất bình thường. Tại vì ở đây ai cũng đầu tắt mặt tối, quay cuồng, từ người giàu cho đến người nghèo. Bên nước ngoài, phải đại gia mới nuôi nổi người giúp việc. Nên hầu như bố mẹ phải trông con lấy và họ cũng thích điều đấy. Thực ra ở nước ngoài, tôi thấy bố mẹ con cái gắn bó hơn, thân hơn vì chính mình là bảo mẫu của nó. Trẻ con bên Mỹ, như Nala nhà mình, rất quấn bố mẹ. Mình mang nó về đây muốn quẳng con cho người nhà cũng hơi khó vì nó không theo...

Được gọi là diva thời điểm này, Hà thấy có gì khác trước?

Nói thật bây giờ gọi là gì, tôi cũng chẳng quan tâm. Vì tôi thấy bây giờ chẳng có danh hiệu nào đúng cả. Cứ lung tung lên. Những mỹ từ được trao tặng hơi rộng rãi. Rất nhiều hoàng tử, công chúa, ông hoàng, bà hoàng… Mình không còn thấy sự nghiêm túc ở đấy nữa.

MỚI - NÓNG