Hai bước = mười bước

Hai bước = mười bước
TP - Hương, đôi chân không lành lặn, kể câu chuyện đời mình đầy xúc động qua mắt nhìn của Paul Zetter trong bộ phim “Bừng dậy cuộc đời”.
Hai bước = mười bước ảnh 1
Hương (bên trái) tại triển lãm “Đối mặt”

“Người thường chỉ cần đi hai bước, chúng em bước mười bước. Quan trọng là chúng em cũng đi và không đứng yên” - Xuyến, thợ may- bạn Hương, nói về họ.

Một vùng Thanh Hóa rộn lên dự án “Đối mặt” của Tổ chức dịch vụ phát triển Đức (DED) từ mùa hè năm 2008. 16 gương mặt - những con người thiệt thòi, phải nhờ đôi nạng hoặc xe lăn để di chuyển.

Lần đầu tiên biết tới máy ảnh kĩ thuật số, học cách sử dụng để chộp lấy những khuôn hình sinh động hằng ngày của mình và bạn bè. 91 bức ảnh xúc động, có cái nhìn riêng giúp họ vượt lên yếu tố khuyết tật.

Paul Zetter, chủ nhiệm, chuyên gia nhiếp ảnh, phụ trách nghệ thuật dự án, cùng lăn lộn với 16 thành viên. Không chỉ có “Đối mặt”, anh còn thực hiện phim “Bừng dậy cuộc đời”.

Chọn cô thợ may Hương là nhân vật chính vì “Hương rất cẩn thận chăm chút, vuốt từng li chiếc ve áo trao lại cho khách và cũng bởi Hương rất nhạy cảm”.

10 lần trở lại Thanh Hóa trong ba tháng, Paul cùng nhóm làm phim ghi nhận những đổi thay từ Hương tự ti, mặc cảm (hằng ngày đi chiếc xe lăn cũ kĩ) thành cô gái hiện đại, chăm chút bản thân, xài di động, tự lái xe máy ba bánh và làm chủ một quán may.

DED là tổ chức quản lí dự án cử các chuyên gia có kinh nghiệm chăm sóc sức  khỏe và khuyết tật tới làm việc tại Việt Nam.

DED hỗ trợ quá trình giảm nghèo, thực hiện Chiến lược toàn  diện về giảm nghèo và tăng trưởng, có chương trình hành động đến 2015.

Khán giả phải đặt trước chỗ cho hai buổi chiếu lúc 15h00 và 19h00 hôm 10/9. “Bừng dậy cuộc đời” là phim tư liệu, dài 46 phút, chia theo lớp lang có chú thích trên màn hình, kiểu nhật kí. Một độc giả thốt lên: “Tôi không cầm được nước mắt”. Phim khiến chúng tôi muốn hành động, muốn giúp thêm cho những con người kém may mắn. Muốn giúp Hương trả nợ”.

“Trong phim, Hương ước mình tự tin hơn và có một cửa hàng may. Hương đã có. Giờ cho Hương ước tiếp gì nào?”. Hương (gạt cánh tay dìu của một khán giả) nói muốn tiếp đi học nghề may, tinh thông cắt áo dài và comple để có thể sống bằng nghề.

Đạo diễn Paul còn mang đến một khung cảnh chân thực, gần gũi, một nét văn hóa Việt – nông thôn làng quê Việt Nam. Đám cưới quê của Xuyến và Tám (hai thành viên trong dự án), tiếng chó sủa, tường gạch, mái ngói, tiếng địa phương hồn hậu đều được Paul gói gọn trong phim.

Bước sang năm thứ 12 sống ở Việt Nam, Paul có thể hiểu hết người Việt nói, tuy nhiên anh thú nhận “bận bịu và lười” khiến Paul chưa nói chuẩn tiếng Việt.

Đạo diễn cứng tay Paul có hai phim về Việt Nam, một về nhóm múa đương đại khiếm thính và một dự án nghệ thuật sắp đặt tại Huế.

Paul khoe, khi “Bừng dậy cuộc đời” nhận giải thưởng các nhà làm phim ở Anh, nhiều người nghĩ, đây là phim của đạo diễn Việt. Phim sẽ trình chiếu tại Liên hoan phim phát triển Leap ở Manila (Philippines) cuối tháng này và tại Ấn Độ tháng 12.

Nhiều người quan tâm dự án tiếp theo của Paul Zetter, “liệu sẽ là một phim nữa về Việt Nam?”. Anh cười: “Dự định nhiều, như với “Bừng dậy cuộc đời” tôi chỉ cần một cốt truyện hay là có thể làm một bộ phim cuốn hút”.

“Bừng dậy cuộc đời” được đưa sang Chiang Mai (Thái Lan) lọc tiếng; làm trong, sắc nét. Đoàn cũng cố gắng không làm ảnh hưởng tới cuộc sống riêng tư của Hương.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.