Hai câu chuyện buồn

Hai câu chuyện buồn
TPCN - Câu chuyện 1: Tôi có chú em sống ở nông thôn, kinh tế gia đình thuộc loại khá giả nhất làng, hoàn toàn do lao động mà có. Chú ấy vốn là một thợ lái máy kéo.

Đến thời kinh tế thị trường, dành dụm và vay mượn mua được  một cái máy cày đi cày thuê cho nhiều xã trong huyện. Một máy rồi hai máy, phải thuê người làm.

Thế là giàu lên. Cả nhà đều bận. Vợ dạy học cấp 1, cũng gần như đi cả ngày. Các con còn nhỏ đi học, học ở trường rồi học thêm. Nhà không có ông bà giúp đỡ việc vặt. Thế là đun nấu toàn bằng bếp điện cho tiện (ngày ấy chưa có bếp ga).

Một ngày Chủ nhật tôi về chơi. Có ông anh ở thành phố về, cũng phải chuẩn bị bữa cơm thịnh soạn. Sau khi đun nấu xong xuôi, chuẩn bị ăn cơm, tôi thấy chú ấy mang một miếng giẻ dính dầu vào bếp đốt, khói lên khét lẹt (loại giẻ này ở nhà người thợ máy như chú không thiếu).

Tôi hỏi: “Chú làm cái gì vậy?”. Chú ấy nở một nụ cười đầy ẩn ý: “Em làm giả khói bếp đấy bác ạ”. “Sao lại thế?”. “Để người ta tưởng em vẫn đun nấu bằng củi, rơm rạ.

 Kẻo họ lại bảo mới có tí tiền đã học làm sang, toàn đun điện… Cũng phải hòa mình với quần chúng chứ bác?”. à ra thế, tôi đã hiểu, hòa mình với mọi người có nghĩa là phải chịu khó ngửi mùi khét.

Câu chuyện 2

Tôi lại có anh bạn làm quản đốc trong một nhà máy ở một thành phố cách nhà vài trăm cây số. Bản tính giản dị, hiền lành, vui vẻ nên mỗi lần về quê, bạn bè thường kéo đến nhà chuyện trò và thưởng thức chén chè Thái hoặc ly rượu Sán lùng.

 Có lẽ đấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến anh quyết định nghỉ hưu ở quê. Quê anh lại gần biển, không khí trong lành tuyệt vời. Thế là anh dồn tiền xây một ngôi nhà 3 tầng to đẹp có ao cá và vườn hoa cây cảnh để thưởng thức khi tuổi già và cũng để làm nơi tụ hội bạn bè những dịp này dịp nọ.

Nhà xây xong anh về hưu. Nhưng cũng từ đó bạn bè cứ lảng dần, có lẽ họ nghĩ rằng đến nhà anh lại mang tiếng  “thấy người sang bắt quàng làm họ” hay cho rằng anh chơi trội, ra oai với làng xã. Các con anh lần lượt đi làm xa, thế là chỉ còn hai vợ chồng anh với ngôi nhà rộng, đẹp nhưng cô độc.

Vài năm sau vợ chồng anh đóng cửa ngôi nhà ra thành phố ở với con. Một lần tôi đến thăm anh ở thành phố, ngồi uống cà phê trong căn nhà chật chội, mùi cà phê thơm quyện với mùi hôi tanh bốc lên từ con sông nhỏ, nước đen ngòm gần nhà, nghĩ mà buồn quá.

Về mặt đạo lý, tình cảm lẽ ra thấy người khác thành đạt, giàu có phải mừng cho người ta, nhất là đối với bạn bè, anh em mình (“chú khỏe anh mừng”), nếu có điều kiện thì gần gũi, động viên và học tập họ, đằng này lại ghen ăn tức ở rồi dẫn đến xa lánh, cản trở…

Về quan hệ làm ăn, xa lánh những người thành đạt, giàu có chân chính đâu có phải là khôn ngoan. Dân có nhiều người tài năng, giàu có thì nước mới mạnh.

Đất nước ta, nếu cứ nghĩ như những ngày nào năm xưa, thấy Mỹ, thấy tư bản là xấu, không mở lòng mà chơi với các cường quốc thì đâu có được như bây giờ.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.