Hai chuyến đi cuối cùng với Hòa Vang

Hai chuyến đi cuối cùng với Hòa Vang
TP - Hòa Vang đã suy ra định lý đảo: Cái sống của con người trong ung thư là chiến thắng về tâm lý trên từng tế bào! Qua đó, anh phê phán những người bi quan coi bị ung thư là án tử hình, chỉ ngồi chờ chết, không đứng về phía thầy thuốc mà cầm cự với căn bệnh hiểm...
Hai chuyến đi cuối cùng với Hòa Vang ảnh 1
Nhà văn Hòa Vang (phải) đọc văn ở nhà Hà Nguyên Huyến (trái) Ảnh: Quốc Toản

Trong kỷ niệm riêng tôi, cuộc gặp đầu tiên có chút ấn tượng là gặp ở hè đường, lúc Hòa Vang đang (thay vợ) ngồi cạnh tủ thuốc lá. Tôi đã quên chi tiết, nhưng bằng trí nhớ nhà văn, anh nhắc lại: “Lúc đó, thấy em ngồi cạnh tủ thuốc lá, anh sững lại một chút rồi đến bắt tay, rút tiền mua một bao ba số, mà em biết anh không hút thuốc, lại còn cho thằng em tờ báo Văn Nghệ trong tay...”.

Ngồi quán, khi đã ngà ngà, bốc bốc, anh mở đầu bài hát bằng giọng barriton ấm và sang, thường là “Đời mình là một khúc quân hành” từ chuỗi trầm bình thanh như tâm sự đó mà nâng dần lên nồng độ say đắm, đặc biệt là bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, khi đến câu “bụi hè đường cuốn bốc tung bay” hoặc “sống vui phố hè”  là chàng trai ngót nghét 60 bỗng bồi hồi hẳn lên một cách khó tả!

Có lúc, chàng cao hứng những câu chuyện trào lộng có duyên, phủ sóng sang cả những bàn bia chung quanh. Hơn một lần, tôi bắt gặp cô phục vụ len lén đặt một cốc bia trước mặt anh “Ơ kìa, đã ai gọi đâu!” “Thưa, có chú bên kia bảo đưa sang mời chú!” Đó là lời “tỏ tình” của đám đông, khích lệ phút bốc đồng của anh!

...Vào tiết cuối thu 2005, tôi còn nhớ rõ nhờ ngày ghi sau những tấm ảnh: Ngày 10/11/2005, Hòa Vang cùng chúng tôi về thăm vườn cò Ngọc Nhị thuộc xã Cẩm Lĩnh- Ba Vì – Hà Tây.

Hai chuyến đi cuối cùng với Hòa Vang ảnh 2

Buổi trưa không nắng không mưa. Bóng tre rợp trong sân vườn của ông chủ vườn cò càng làm đậm khí hậu dễ chịu của mùa thu miền Bắc. Bữa rượu ngồi xếp bằng trên sạp nứa  trưa hôm đó có lẽ là bữa rượu cuối Hòa Vang uống với chúng tôi một cách sảng khoái.

Như thường lệ, chút men rượu, không khí bạn bè đã làm anh thăng hoa. Vốn đã có duyên nói, lúc này anh càng bốc, có lúc vui tếu, có lúc đọc những câu thơ hay, có lúc hát “Đời mình là một khúc quân hành” với giọng trầm hùng ấm áp...

Chúng tôi đã thuộc các “vở” của anh ở từng nơi, từng giai đoạn trong chiếu rượu, nhưng, giống như những tiết mục hay, đã nghe, đã xem vẫn muốn nghe lại, xem lại. Vả lại, ở những môi cảnh khác nhau, những người cùng chứng kiến khác nhau, lại có những đối đáp, đùa vui với những ý vị mới... Tôi không ngờ đó là bữa rượu cuối cùng tôi được uống cùng và chứng kiến Hòa Vang say tình bạn nhiều hơn say men!

Buổi chiều, giờ cò về tổ, khi các bạn khác mải đi ngắm cảnh quanh đó, Hòa Vang rủ tôi ra nằm trên bờ cỏ, hướng về núi Ba Vì đón luồng cò về. Lần đầu tiên, tôi được chứng kiến một cảnh tượng huy hoàng đến thế.

Không chỉ ngờm ngợp một trời cánh trắng, mà khi chúng nghiêng cánh, còn lộ ra ánh vàng bên rìa cánh, cùng với ánh vàng viền các đám mây chiều tạo thành một một bức tranh sơn mài hoành tráng... Hòa Vang thốt kêu lên: “Sao lại có phút hạnh phúc như thế này nhỉ! Liệu đời mình còn được mấy lần?”.

Câu hỏi như bật thốt từ một linh cảm nào chăng?

Tối hôm đó, xe chúng tôi ghé Đường Lâm, về thăm gia đình nhà văn Hà Nguyên Huyến, không ngờ đó lại là một trong 6 ngôi nhà, sau được đánh giá là cổ nhất xã Đường Lâm. Lúc đó chỉ cảm thấy sự hài hòa tuyệt diệu của những bức tường đá ong với dẫy chum tương, chủ nhân đang điều hành gia đình sản xuất tương, một mặt hàng đặc sản trong vùng.

Được Hà Nguyên Huyến mời ăn bữa cơm với rau muống ruộng nhà vừa hái, với loại tương ngon nhất chủ nhân dành đãi khách. Tối hôm đó, Hòa Vang đòi đọc cho mọi người nghe bản thảo Từ “gương mặt đời Đường” đến... tôi mới viết về anh, sau in ở báo Văn nghệ số 51 (ngày 17/2/06). Anh đọc tình bạn viết về anh nên không tránh khỏi đôi chỗ run run, nghẹn tiếng...

Chuyến đi thứ hai, chỉ nửa tháng sau đó, có thể nhớ đích xác ngày 24/11/05, bởi hôm sau là ngày Hội VHNT và Chi hội nhà văn Hải Phòng mở Hội thảo Để có tác phẩm hay.  Lúc đầu, Hòa Vang từ chối không đi Hải Phòng, lý do ấp úng không rõ ràng. Đó cũng là một sự lạ với con người “vui đâu chầu đấy” này. Vốn biết tính Hòa Vang nên Vân Đình Hùng và anh Thực, chủ xe, vốn cũng là hàng xóm cũ của Hòa Vang cứ ghé qua nhà Hòa Vang.

Hòa Vang đón xe, sắc diện không bình thường, anh cười như cố xóa nét đăm chiêu trước khi gặp chúng tôi, đưa cuốn Hạt bụi người bay ngược vừa in xong tặng chúng tôi. Từ đầu tuần đến giờ, niềm vui có cuốn sách mới, in đẹp, dầy dặn, sang trọng luôn âm ỉ hoặc bùng phát ở anh, thì vì sao hôm nay anh lại có bộ mặt đăm chiêu kia? Lại từ chối một chuyến xe đã sẵn sàng...

Lưỡng lự một chút rồi Hòa Vang như không kìm được máu giang hồ, thốt lên: “Ừ thì đi!”.

Chỉ đêm hôm đó, ngồi ngắm biển Đồ Sơn, chúng tôi thì nhâm nhi ly rượu mạnh, lần đầu tiên tôi thấy Hòa Vang mở chai nước khoáng, rồi mới nói thật với chúng tôi: “Gan mình... có vấn đề rồi! Mới khám sáng nay!”. Và một lúc sau, anh ghé tai tôi, nói nhỏ: “Anh Vân Long ạ! Nhiều cái định viết quá, thằng em phải phanh rượu lại thôi, không thể ra đi sớm thế!”.

Sau vài lời chia sẻ, động viên, tôi còn chỉ vào chiếc chum rượu lớn của chủ quán, nói đùa: “Thượng đế chỉ cho mỗi chúng ta một đời uống đến ba chum rượu này là cùng! Cậu đã uống 2,999 chum rồi, dừng là phải!”.

Chiều hôm sau, kỹ sư, kiêm nhiếp ảnh gia Vân Đình Hùng đã cầu kỳ mời đối tác của ông tại Hải Phòng cùng các bạn văn (ngoài cánh bạn đi cùng từ Hà Nội, còn có Thi Hoàng, vợ chồng Trịnh Hoài Giang-Dư Thị Hoàn của Hải Phòng) một bữa thịt chó 13 món đặc sản của Vân Đình do ông chỉ đạo mấy đệ tử từ Vân Đình về thực hiện. Chúng tôi lại chứng kiến sự kiên quyết từ chối rượu của Hòa Vang, điều không bao giờ xẩy ra với anh: Phá vỡ sự hài hoà RTC (Rượu - Thịt chó).

Sau hai chuyến đi đó là những ngày anh chiến đấu với bệnh một cách ngoan cường. Không chỉ với bệnh, anh còn tranh thủ ghi lại, thực hiện những trang văn trong dự kiến, những nghĩ suy bất chợt đến trên giường bệnh.

Sau những giờ xạ trị, anh “đổi mới” cách làm việc. Ngồi mà viết rất đau vì khối u đã quá lớn  ở gan. Ông bác sĩ bạn anh bảo: “Tớ 25 năm làm việc ở đây (bệnh viện K), nay mới gặp khối u lớn đến 12 cm bề dài”. Anh viết bằng cách đọc những suy nghĩ vào ghi âm, có bạn văn mang đến cho anh hàng vốc pin để dùng dần. Hòa Vang luôn lo mình không ghi lại hết được những điều định viết. Vốn có khả năng “xuất khẩu thành văn” nên từ ghi âm chuyển ra mặt giấy, hầu như anh rất ít khi phải sửa lại.  

Thí dụ bài báo Nâng dắt tinh thần, trên hai ngàn chữ, do tôi đặt anh viết, chúng tôi đã làm việc theo cách: Cháu Trang, con gái anh ngồi trước bàn phím vi tính, anh mở băng ghi âm đã tự thu từ ban sáng, chữ nào chưa rõ, anh đọc lại cho cháu Trang đánh vào máy.

Tôi ngồi chờ lấy bài cho kịp số kỷ niệm ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, thỉnh thoảng cũng góp đôi câu, coi như biên tập tại chỗ. Đó là một bài báo gây xúc động: Hòa Vang đã phát triển câu nói của ông bác sĩ bạn anh, dẫn một danh ngôn trong y lý hiện đại Cái chết trong ung thư là sự thất bại về tâm lý trên từng tế bào.

Hòa Vang đã suy ra định lý đảo: Cái sống của con người trong ung thư là chiến thắng về tâm lý trên từng tế bào! Qua đó, anh phê phán những người bi quan coi bị ung thư là án tử hình, chỉ ngồi chờ chết, không đứng về phía thầy thuốc mà cầm cự với căn bệnh hiểm...

Khi nghe tin anh mất, một số nhà văn chúng tôi đang dự trại sáng tác Tam Đảo. Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi thiết lập ban thờ anh một cách không thể đơn giản hơn: Năm bông hồng cắm vào một chiếc bình cao, dựa vào bình là trang báo Văn Nghệ có hình anh ở giữa, lại đúng là bài báo viết về chân dung anh. Bát hương là một cốc gạo xin ở nhà bếp.

Chúng tôi, những nhà văn dự trại (Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Bắc Sơn, Phan Quế, Lê Văn Ba, Vũ Từ Trang, Vân Long...) lần lượt châm hương cắm vào “cốc hương”, rồi đứng mặc niệm. Sau đó chúng tôi biến buổi sinh hoạt trại đầu tiên thành buổi ôn lại những kỷ niệm về Hoà Vang, nhà văn tài hoa trên những trang viết hiện thực đan xen huyền thoại, một người bạn luôn đem niềm vui đến cho mọi người.

Sớm hôm sau, tôi hớt những hạt gạo dính tàn hương ném ra ban công. Hầu như ngay lúc ấy, một bầy chim sẻ xà xuống nhặt không còn một hạt. Tôi gai người nghĩ một cách huyền thoại: Có thể khi hồn anh về trời, xác anh hóa thành tro bay khỏi đài hóa thân hoàn vũ, đã biến thành những con chim sẻ này về chứng giám lòng thương nhớ bạn của chúng tôi chăng?...

Cái tiết trời sớm nay sao rất giống tiết trời năm đó, khi chúng tôi lên xe về thăm đồi cò Ngọc Nhị ở Ba Vì: mặt đất, mái nhà cứ loang lổ bóng mây bóng nắng. Tình cờ, chuyến đi ấy và chuyến Hải Phòng sau đó đã thành đoạn đường chúng tôi đưa tiễn anh trước khi anh thực hiện chuyến đi xuyên không gian, thời gian về cõi bất tử...

MỚI - NÓNG