Hài như cái chợ?

Thiếu vắng tiếng cười thâm thúy như trong “Người ngựa ngựa người” (NSƯT Xuân Hinh - NSƯT Thanh Thanh Hiền).
Thiếu vắng tiếng cười thâm thúy như trong “Người ngựa ngựa người” (NSƯT Xuân Hinh - NSƯT Thanh Thanh Hiền).
TP - Chưa bao giờ như bây giờ hài lại thịnh vượng (về mặt số lượng) đến thế. Hài bùng nổ trong các gameshow truyền hình, trên sân khấu… Kịch bản hay ngày càng hiếm, người diễn hài  ngày càng đông, đến lúc người ta chộp giật tiếng cười bằng yếu tố dung tục?

Không tục là “mất gốc”?

Từ báo chí đến khán giả đều ưu ái dành cho Xuân Hinh vương miện: Vua hài đất Bắc. Đầu tháng 10 vừa qua anh đã tổ chức  liveshow Xuân Hinh- Kẻ chọc cười dân dã, ghi dấu chặng đường 40 năm gắn bó với nghề. Chương trình thu hút sự quan tâm của khán giả cũng như qui tụ nhiều tên tuổi trong làng hài cùng  vài ngôi sao ca nhạc… Ấy vậy nhưng món ăn được các thượng đế chờ đợi và cổ vũ hơn cả vẫn là hài kịch bấy lâu  đã gắn với tên tuổi Xuân Hinh- Thanh Thanh Hiền, vở “Ngươi ngựa, ngựa người”, tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng của cố nhà văn Nguyễn Công Hoan. Hóa ra trong thập cẩm  hài mà Xuân Hinh cũng như nhiều diễn viên  hiện nay nhiệt tình đãi khán giả, các thượng đế vẫn thèm những món ăn đúng vị. Bản chất của hài, không phải sự kích thích tiếng cười bản năng mà là tạo ra tiếng cười thẩm mỹ, thâm thúy.

Rất nhiều bài viết ca ngợi đêm chọc cười dân dã của Xuân Hinh song nếu đọc những bình luận của khán giả phía dưới mỗi bài viết hẳn người được ví diễn hài hay như… món mắm tôm trong ẩm thực Việt cũng phải nghĩ suy. Một độc giả có tên Huỳnh Đăng Bạn,  sinh ra lớn lên ở miền Bắc, vào Nam lập nghiệp đã viết: “Xuân Hinh là  học trò được kỳ vọng của cố nghệ sỹ lão luyện Mạnh Tuấn, vậy mà xem Cu sứt, Thầy phù thủy, Thầy bói mù… của Xuân Hinh, rồi nhớ đến các vai diễn của cố nghệ sỹ Mạnh Tuấn mà buồn. Sự khác biệt và sáng tạo của Xuân Hinh với các vai mang tính kinh điển của chèo kể trên, tôi thấy nhạt nhẽo, xa lạ kèm theo sự dung tục rẻ tiền”. Từ lâu nhiều người đã phàn nàn: Xuân Hinh tục. Xuân Hinh cũng biết điều đó và đã có lần tự thanh minh: “Tục hay không do cái đầu của mình nghĩ. Nó cũng giống như khi xem một bức tranh khỏa thân, nếu nhìn nó bằng con mắt tục thì nó sẽ tục. Ngược lại, nếu nhìn góc độ thẩm mỹ thì nó là một bức tranh nghệ thuật”. “Vua hài” cũng giỏi đổ lỗi cho khán giả. Hóa ra tục hay không là do “đầu” của khán giả không phải do tội của người diễn? Tất nhiên, cũng có những khán giả bênh Xuân Hinh, cho rằng những câu đùa bậy, những lời nói đệm tiếng chửi trong dân gian là cách nghệ sỹ hòa nhập với xã hội. Nhưng cứ tình hình hòa nhập kiểu này liệu hài của ta sẽ đầy ngôn ngữ “rác”?

“Bắc Hinh, Nam Linh”, nếu đại diện tiêu biểu của hài phía Bắc là Xuân Hinh thì phía Nam gọi tên Hoài Linh. Cuối năm 2015, trước khi diễn ra liveshow “Đời bạc lắm!!! Kệ, cười trước đã…”, Hoài Linh đã phát ngôn với báo chí: “Hài mà không tục là mất gốc”, rồi anh viện dẫn kho tàng truyện dân gian Việt Nam để chứng minh “hài hước truyền thống của người Việt luôn gắn liền với phong cách “đố tục giảng thanh”. Bằng chiêu “đố tục giảng thanh” Hoài Linh đưa  nhiều thứ lên sân khấu: “Cụ nào chim to đứng trước, cụ nào chim bé đứng sau, cụ nào chim đen đứng bên trái, cụ nào chim trắng đứng bên phải, còn cụ nào không có chim thì ra ngoài. Và lưu ý với các em và các cháu ấy, nếu ngồi xem chim các cụ thì ngồi xem cho đàng hoàng, ngay thẳng, không được lấy cây, ná chọc phá và bắn chim các cụ.  Không phân biệt chim lớn hay chim bé, miễn là chim còn khỏe thì cho thi hết”. Thế là khán giả cười nghiêng ngả với “Hội thi chim” của Hoài Linh. Phải chăng đã đến lúc hài cũng cần gắn mác 16+?

Chọc cười bằng mọi giá?

“Bí mật đêm chủ nhật” (kênh HTV7), phiên bản tiếng Việt của chương trình truyền hình nổi tiếng Whose line is it anyway của Hãng Hat Trick International (Anh), thử thách khả năng ứng biến tại chỗ của các nghệ sỹ với các bối cảnh, chủ đề được đưa ra từ chủ khảo. Chương trình qui tụ toàn “cao thủ” của làng hài hiện nay mà vẫn nhảm, nhạt, thậm chí thô tục. Đây là lời thoại giữa đôi vợ chồng do Trấn Thành- Hồng Đào diễn: “Vợ chồng mình hiếm muộn không biết là vì sao thế nhỉ?/ Do tôi à, không, là do bà/ Làm gì có chuyện đấy?/ Là vì trong thời gian chúng ta làm cái gì đấy với nhau, chúng ta không có được hiệu quả thế nhỉ/ Đêm nay mình có làm được không nhỉ/Làm liền đi anh”. Cùng với ngôn ngữ thoại này, diễn viên Hồng Đào có hành động dạng chân ra. Một khán giả thốt lên: “Hài Việt Nam bây giờ toàn những lời tục. Không dám cho bọn nhỏ xem”. Người khác bình luận: “Hài trên sân khấu như cái chợ, đụng đâu nói đó, miễn sao khán giả cười là được”.

Không chỉ khai thác yếu tố tục cạn kiệt,  đến hồi những tác phẩm nghệ thuật kinh điển cũng bị mang ra chế tác, chọc ngoáy. Vụ Trấn Thành biến  vở cải lương Tô Ánh Nguyệt của soạn giả Trần Hữu Trang thành tiểu phẩm hài mới đã được chính anh lên tiếng xin lỗi vẫn khiến những người trong giới và khán giả không khỏi thất vọng.  NSND Ngọc Giàu khi thấy Tô Ánh Nguyệt “tân thời” bị la ó đã đáp lại một cách thiếu trách nhiệm: “Có gì đâu mà tới mức bức xúc dữ vậy trời. Thiếu gì người làm tuồng này, tuồng kia, đem đi thi nói tầm bậy tầm bạ đó. Người ta không coi từ đầu. Đã nói từ đầu tiên, đây là cô Nguyệt mới, cô Nguyệt tân thời, không phải Tô Ánh Nguyệt”. Còn gì để nói?

Khai thác yếu tố dung tục, làm tầm thường hóa hai chẳng qua phản ánh sự bế tắc trong sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ. Nhưng không vì đang bế tắc mà hài không tích cực sinh sôi. Chỉ tính riêng truyền hình khán giả đã đủ bội thực: Cười xuyên Việt, Đấu trường tiếu lâm, Thử thách danh hài, Siêu nhí hài… Thế mà vẫn vắng những tiếng cười thẩm mỹ.

MỚI - NÓNG