Hai vạn người dự hội đua bò Bảy Núi

Đua nước rút. Ảnh: Trọng Thịnh
Đua nước rút. Ảnh: Trọng Thịnh
TP - Lễ hội đua bò Bảy Núi (vùng Tri Tôn- Tịnh Biên, tỉnh An Giang) bước sang tuổi 20. Hơn hai vạn người đã về sân đua chùa Thơ Mít để thưởng thức nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer Nam bộ.

> Tưng bừng hội đua bò Bảy Núi

Diễu hành. Ảnh: Trọng Thịnh
Diễu hành. Ảnh: Trọng Thịnh.
 

Sáng sớm 2-12, sân đua bò tại chùa Thơ Mít (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) đã nườm nượp người. Tổ chức đúng dịp Ngày hội văn hóa thể thao du lịch vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ nên số lượng khách xem đã tăng lên đến trên 20 ngàn người. Nhiều tour du lịch được thiết kế để đưa khách về thưởng thức lễ hội đua bò.

Sân đua bò chùa Thơ Mít, một trong hai sân đua bò chuyên nghiệp của An Giang, rộng khoảng bằng hai sân bóng đá, bên trong là bãi cỏ lớn, mé ngòai là đường đua xâm xấp nước và bùn. Ngoài cùng là dải đất được đắp cao quá mặt người dành cho khán giả. Năm nay, theo thông báo của BTC, đã có 64 cặp bò tham dự, có bò của một số tỉnh khác.

Bò dự đua đều là bò đực mạnh khỏe, to gấp rưỡi bò thường, thân chắc, ngực nở, bắp chân cuồn cuộn, gồ lên cái bướu trên lưng. Ngày thường, chúng phải đi kéo cày cho chủ. Gần đến dịp đua, chúng được chủ chăm sóc bằng thức ăn ngon và tập luyện liên tục. Các xã tuyển chọn gắt gao trước khi đăng ký.

Thể lệ cuộc đua khá đơn giản. Từng cặp bò thi đấu loại trực tiếp với nhau. Những đôi bò chiến thắng thì vào vòng trong tiếp tục đấu loại trực tiếp cho đến khi tìm ra cặp bò vô địch. Cặp bò được đeo cùng nhau một chiếc xà giữa cổ. Chiếc xà được gắn với cây tre vót thuôn, phía dưới có cây gỗ ngang làm chỗ đứng cho nài. Nài cầm gậy điều khiển.

Những cặp bò chạy khỏe phải có vai thon, bốn chân hơi mảnh. Những con bò chạy nhanh sẽ vươn dài bốn sải chân và biết tạo sự nhịp nhàng với đồng đội. Cặp bò phải tập luyện rất lâu mới có sự nhịp nhàng.

 

Trước giờ thi đấu, các cặp bò tập trung ven đường đua và đeo bảng thứ tự. Nhiều chủ bò đeo thêm lục lạc, gắn dây hồng tuyến cho bò. Khán giả hăng hái bình luận, lựa chọn cặp bò để cổ vũ. Ở góc khán đài chính, nhóm nhạc công chơi những bản nhạc Khmer.

Vì là cuộc thi đua bò lần thứ 20 nên BTC chuẩn bị khá kỹ. Cứ cách 5m trên đường đua lại có một người giám sát. Bàn trọng tài đặt giữa sân đua với gần chục người, được trang bị bảng báo kết quả, cờ báo lỗi, đồng hồ bấm giờ. Cặp bò nào vi phạm như chạy ra ngoài ranh giới đường đua, chạy chèn lên đối thủ hay cố ý ép đối thủ đều bị phất cờ, loại ngay.

Chủ bò để xảy ra sự cố trong khi đua cũng bị loại. Dù quy định ngặt nghèo, nhiều bà con vẫn đầu tư nuôi dưỡng bò chờ ngày thi tài, bởi chiến thắng là vinh dự chung của cả phum sóc.

Người dân Khmer rất coi trọng và tự hào về lễ hội đua bò. Cả những người Khmer ở Campuchia cũng về dự khi có dịp. Danh Sóc- một người Khmer đến từ Tà Keo- Campuchia nói bằng tiếng Việt: “Vui lắm! Tôi đi từ hôm qua. Năm nào tôi cũng đi xem đua bò”.

Ông Châu Sóc En- người bà con của Danh Sóc vui vẻ hướng dẫn cho tôi xem những con bò có thể thắng trong cuộc đua này. Theo ông En, những cặp bò chạy khỏe phải có vai thon, bốn chân hơi mảnh. Những con bò chạy nhanh sẽ vươn dài bốn sải chân và biết tạo sự nhịp nhàng với đồng đội. Cặp bò phải tập luyện rất lâu mới có sự nhịp nhàng.

Đúng 7 giờ sáng, cuộc đua bắt đầu. Từng cặp bò lần lượt diễu qua lễ đài chính rồi cuộc đấu bắt đầu. Cặp số 1 đấu với cặp số 2, cặp số 3 đấu với cặp số 4? Cứ thế lần lượt, 64 cặp bò hăng hái thi tài ở vòng loại đầu tiên. Có những cặp bò đột nhiên trở chứng, hăng hái lao vọt lên cả khán đài hay chạy vào giữa khán giả khiến nài bò phải vất vả lắm mới lái chúng quay trở lại đường đua. Cũng có những nài bò đứng không vững, ngã lộn xuống đường đua và lại bò dậy, cố gắng chạy theo cặp bò. Trên bờ, tiếng la hét cổ động bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Khmer ầm ỹ.

Đua nước rút. Ảnh: Trọng Thịnh
Đua nước rút. Ảnh: Trọng Thịnh .
 

Đến vòng hai thì cuộc đua thực sự hấp dẫn. Các cặp không còn sự chênh lệch nhiều và những cuộc bứt phá diễn ra hết sức gay cấn. Mỗi lần có một cặp cùng vào cuộc đua nước rút là tất cả mấy chục ngàn người cùng hò hét ầm ầm cả sân đua. Tất cả đều cổ vũ nhiệt tình và vô tư, không thấy cảnh cá độ như một số cuộc thi khác.

Mặt trời lên cao, nắng chói chang, nhưng hiếm người bỏ về. Kết thúc cuộc đua, đã gần 2 giờ chiều. Cặp bò số 28 của ông Nguyễn Văn Lâm ở Vĩnh Gia- Tri Tôn giành giải Nhất. Với phần thưởng là một chiếc xe máy cùng 10 triệu đồng tiền mặt, ông đã có thêm chút vốn nho nhỏ để làm ăn. Tuy nhiên phần thưởng lớn nhất mà ông Lâm nhận được chính là chiếc dây hoa may mắn mà BTC trao cho.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).