Hàm Anh: Giữ mình khỏi những giá trị ảo

Hàm Anh: Giữ mình khỏi những giá trị ảo
TP - Cựu Sinh viên Văn khoa ĐHTH Hà Nội, được trường Viết văn Nguyễn Du tuyển chọn sang học và tốt nghiệp trường Viết văn M.Goocki (Nga), Hàm Anh công bố "Màu tự nhiên" ở tuổi 40.

Đây là tập thơ song ngữ nhận được đánh giá tích cực của giới chuyên môn trong tọa đàm do Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức tại Hà Nội.

Hàm Anh: Giữ mình khỏi những giá trị ảo ảnh 1
Hàm Anh và Màu tự nhiên tại cà phê sách Đông Tây. 
Ảnh: N.M.H


Học văn chương nhưng công bố rất ít, cả sáng tác lẫn dịch thuật. Chị có thể lý giải sự dè dặt đó?

Sự học và sự đọc của tôi nằm lơ lửng ở mức số không. Tôi vẫn cho rằng người viết cần phải học và đọc một cách hứng khởi và nghiêm túc. Tôi viết không nhiều. Hơn nữa, đăng trên báo hay in thơ là việc tôi e ngại vì tôi cho rằng thơ kén chọn môi trường tiếp nhận hơn một số loại hình nghệ thuật khác.

Tôi tốt nghiệp khoa Dịch thuật văn học của trường Văn học Gorki bằng các bản dịch thơ Anna Akhmatova và một vài truyện ngắn của Bunin. Về nước, tôi có dịch thêm một chút nữa, nhưng đúng vào thời kỳ chẳng báo nào, nhà xuất bản nào để ý văn học Nga.

Dịch thơ cũng khó như làm thơ vậy, tôi không tin người ta có thể có hàng trăm bài dịch thơ hay. Nếu có điều kiện, tôi mong muốn in một tập thơ dịch Anna Akhmatova. Nhất định sau này nếu quay lại với nghề dịch, tôi sẽ quay lại với văn học Nga và tiếng Nga.

Được biết chính họa sĩ trình bày tập Màu tự nhiên đã dịch thơ chị sang tiếng Anh. Chị nhận xét ra sao về các bản dịch?

Chẳng người viết nào không cảm thấy may mắn khi tìm được một người đọc lịch lãm và tinh tế như dịch giả Trịnh Lữ. Những trao đổi với ông trong quá trình dịch khiến tôi học thêm được nhiều điều quý giá. Nhiều bạn đọc nước ngoài viết thư cho tôi, nói rằng họ khóc nhiều lần khi đọc Natural Color. Đấy, bản chuyển ngữ của ông Trịnh Lữ đã làm được việc đó.

Dường như việc tách biệt về địa lý- văn hóa với các nhà thơ trong nước cũng ảnh hưởng và phần nào giúp chị có một giọng thơ và cách biểu đạt tương đối riêng biệt?

Tôi ở trong nước khá nhiều, biết một chút ngoại ngữ và thứ tiếng nào cũng đều ở mức không phải nói chuyện bằng chân tay, nên tôi không thấy mình có gì xa cách với quê hương và tiếng Việt.

Hơn nữa, ở thời đại thông tin điện tử này, tôi không nghĩ có ai đó bị tách biệt, nếu không phải họ muốn tự mình tách biệt. Đúng là tôi ít có dịp giao du với văn giới, nhưng không có nghĩa là tôi cách biệt với họ. Tôi hứng thú đọc những người cùng thời, rất thích khi tình cờ được đọc một bài thơ hay hoặc tìm được một hình ảnh, tứ thơ hay.

Tôi cho rằng người đam mê sáng tạo cần phải có ý thức giữ mình khỏi những gì lấp lánh thời thượng, khỏi những giá trị ảo. Luôn luôn đặt câu hỏi và biết nghi ngờ là một cách để người ta không quên mình và tìm ra một giọng riêng. 

MỚI - NÓNG