Hamlet Việt chinh phục Singapore

Hamlet Việt sẽ chinh phục khán giả Singapore. Ảnh: Toan Toan.
Hamlet Việt sẽ chinh phục khán giả Singapore. Ảnh: Toan Toan.
TP - Hiếm khi làng kịch Việt Nam đón sự kiện gây chú ý như chuyến lưu diễn Singapore trong 5 ngày của Nhà hát kịch Việt Nam với vở kịch  kinh điển Hamlet.

Không đơn thuần áo gấm đi đêm như một số chuyến lưu diễn khác, tua diễn này có sự phối hợp bài bản hơn giữa nghệ sỹ với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam-Trung ương Đoàn, ĐSQ Việt Nam tại Singapore. Ngoài một đêm biểu diễn 25/3, đoàn nghệ sỹ có cuộc giao lưu với du học sinh Việt Nam ngày 26, theo thông báo của BTC tại họp báo sáng 18/3.

“Chuyến lưu diễn nằm trong chiến lược đầu tư nghiêm túc và chuyên nghiệp của Nhà hát kịch Việt Nam, nhằm kéo khán giả trở lại sân khấu bằng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao”, ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát nói. Hamlet do NSND Anh Tú dàn dựng được giới chuyên môn, đồng nghiệp đón nhận. Sự kiện này nằm trong chuỗi đêm diễn hưởng ứng năm Shakespeare toàn cầu 2016. Lãnh đạo Nhà hát kỳ vọng sẽ đưa Hamlet Việt tới Anh diễn vào cuối năm nay.

Nhiều cảnh trí, bục bệ được chuyển đến Singapore bằng đường biển. NSND Anh Tú cho biết, chuẩn bị cho sự kiện này, các nghệ sỹ có những buổi tập, tổng duyệt lại. “Tinh thần và nội dung vở diễn được giữ nguyên”, anh nói. Vì có tới một nửa khán giả là giới làm nghề Singapore và quan khách, ê kíp tính đến bảng phụ đề không làm ảnh hưởng đến diễn xuất trên sân khấu.

NSƯT Xuân Bắc nhắc đến sự tự hào khi được tham gia sự kiện “làm sang” cho nghệ sỹ. Nghệ sỹ Việt được diễn trên sàn của nhà hát Victoria nổi tiếng nhất Singapore. Đi kèm với địa điểm diễn sang trọng, nghệ sỹ được trải nghiệm ở khách sạn đắt bậc nhất thế giới Marina Bay Sands nằm đối diện. Xuân Bắc cho rằng, giá trị của những trải nghiệm này ở chỗ kích thích sự sáng tạo, đam mê thêm cho nghệ sỹ.

Sự kiện lần này không tốn một đồng nào từ nguồn ngân sách, toàn bộ chi phí đều do nhà tài trợ lo. Giám đốc Nhà hát nói, đây là sự khởi đầu cho hành trình xã hội hóa. Thực tế để doanh nghiệp chịu đồng hành với đơn vị nghệ thuật không dễ, khó đo đếm hiệu quả kinh tế. “Ở nhiều nước, doanh nghiệp hỗ trợ các chương trình văn hóa đều hưởng chính sách ưu đãi, còn Việt Nam thì chưa nên khó kích thích các doanh nghiệp”, ông Thế Vinh nói. Lãnh đạo doanh nghiệp lo chi phí cho Nhà hát kịch Việt Nam đi Singapore dịp này nói rằng, lý do đồng hành nghệ sỹ đợt này vì “yêu nghệ thuật và đây cũng nằm trong chiến lược đầu tư phát triển an sinh xã hội”.

Nhiều nhà hát công lập bắt đầu bước vào lộ trình xã hội hóa từng phần, đến 2020 tự chủ hoàn toàn. “Không còn con đường nào khác, các nhà hát phải nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật. Có như vậy doanh nghiệp mới đồng hành, khán giả không quay lưng lại, đảm bảo đời sống cho nghệ sỹ”, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.