Hạnh phúc một mình

Hạnh phúc một mình
TP - Tôi xắt những củ khoai tây mềm thành những miếng nhỏ, tưởng như đang xắn vào những khối hạnh phúc, rồi nhúng chúng vào nước sốt thịt bò hầm và để cho những miếng hạnh phúc tơi trong miệng thành triệu triệu hạt sung sướng.(*)

> Lửa tàn tro
> Dòng sông lạc

Giữa Paris hoa lệ, Phan Việt lạc ở đó mười ngày, để rồi tìm được hạnh phúc. Hạnh phúc như không thể thốt thành lời mà phải nhờ tới vị giác, tới những câu chữ. Tất cả được gói gọn trong cuốn Bất hạnh là một tài sản: Một mình ở châu Âu, một chuỗi bắt đầu cho seri 3 cuốn sẽ ra mắt nốt tới đây.

Chỉ cần đẩy mắt tới cái tựa sách, khối người đã thầm đặt câu hỏi: Sao tác giả phải tới châu Âu một mình và tài sản là bất hạnh chứ không phải là nhà to, tiền lắm?! Ngay những dòng đầu tiên đã cho thấy chị cần đi tìm câu hỏi cho chính mình về một cuộc hôn nhân. Níu giữ hay chối bỏ.

Nói cho đúng, Phan Việt gọt tỉa lại những ghi chép của mình trong chuyến du hành tròn một tháng tới Đức, Pháp, Ý từ năm 2008. Mánh nhỏ dành cho dân thích du lịch bụi được chị mách khá tài, nhất là chuyện tìm phòng trọ. Người đọc sẽ trả lời xong câu hỏi, liệu có cần phải nhiều tiền mới dám đi du lịch tới những nước ở châu Âu.

Bìa cuốn “Một mình ở châu Âu” và tác giả Phan Việt
Bìa cuốn “Một mình ở châu Âu” và tác giả Phan Việt.

Nghĩ tới du lịch, người ta thường nghĩ tới khám phá. Nhưng Phan Việt lại đi tìm sự khỏa lấp trong việc tìm lại những con phố, vóc người của những nhân vật tiểu thuyết Những người khốn khổ của Victor Hugo. Chị tìm thấy mà như không thấy. Nhưng chị đã biết cách để bộc lộ nỗi giận dữ, mà không thể nào dám tỏ ra trong việc hàn gắn với người bạn đời của mình.

Lúc đau dừ chân vì đạp xe tới Tuscany, Florence, Ý, chị có cao con hổ bên cạnh để xoa dịu. Có anh chàng người Scotland âm giọng lạ lùng quan tâm săn sóc. Chị tìm thấy sự thoáng rộng của cánh đồng nho ngút mắt, của lên và xuống sau mỗi vòng guồng chân. Phan Việt đã tìm lại cái tôi của mình thì đúng hơn.

Nghe đầy vẻ tò mò khi chị cố mô tả nụ hôn Pháp giữa chốn công cộng, khỏi cần quan tâm tới người bên cạnh. Chị còn rõ hẳn cái mặt chết chóc và hồi sinh của thành phố già Venice: “Thành phố này – dù có độc đáo, đẹp đẽ, mơ màng, kì lạ đến đâu thì trước hết vẫn là thành phố của những con người thật – họ vẫn phải chống lại những cơn buồn ngủ, sự mệt mỏi và kiệt sức để kiếm tiền sinh sống hằng ngày”.

Rồi cuối cùng, Phan Việt còn tìm thấy con người và sự tử tế nghiễm nhiên, không phải là một thứ lễ giáo của người Đức. Nhiều đau đáu, khối chần chừ, giống như ngắt cánh hoa trong tình yêu, nhưng chỉ gói gọn đúng 30 ngày, một người phụ nữ chấp chới hôn nhân đã tìm ra thứ hạnh phúc của… một mình!

Hầu như tới các điểm du lịch châu Âu, Phan Việt đều có sự so sánh với Hà Nội. Sống 8 năm ở Mỹ, Phan Việt đang là Phó GS giảng dạy ở đó, chị tự nhận mình khá chơi vơi khi nhận ra đâu là nhà, quê hương. Nhưng tập cuối trong seri 3 cuốn có tên là Về nhà, Phan Việt viết về Việt Nam.

(*) Trích trong “Bất hạnh là một tài sản: Một mình ở châu Âu” của Phan Việt, Nhã Nam và NXB Trẻ liên kết phát hành 2-2013.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.