Hạnh phúc vì được chơi nhạc điện tử ở Việt Nam

TP - Liên hoan Âm thanh Hà Nội lần thứ 8 diễn ra 3 đêm  từ 9-11/4 tại các không gian văn hóa nghệ thuật như Manzi hay triển lãm Vân Hồ. Tham dự có các nghệ sĩ khá nổi của dòng nhạc điện tử trên thế giới như Chí Thiện, Chí Thanh (người Đức gốc Việt), Chris Brown (người Mỹ) và Thylacine (nhóm nhạc trẻ tới từ Pháp).

Nhân dịp này, phóng viên trò chuyện với nghệ sĩ trẻ William Rezé, người sáng lập Thylacine, về sự thịnh hành của dòng âm nhạc điện tử tại Pháp cũng như Việt Nam.

Hạnh phúc vì được chơi nhạc điện tử ở Việt Nam ảnh 1 William Rezé trong một buổi trình diễn.

Chào William. Xin bắt đầu với “Thylacine”. Theo tôi được biết, anh chọn tên loài sói đã tuyệt chủng vùng Tasmania làm tên của nhóm. Liệu đây có phải là cách thông minh để gây ấn tượng cho một nhóm nhạc mới?

Có tình trạng là nhiều nhóm nhạc trên thế giới chọn những cái tên chẳng mang ý nghĩa gì. Với tôi, gọi tên nhóm là Thylacine đơn giản vì muốn mang lại cuộc sống mới cho loài động vật đã tuyệt chủng.

Và cái tên còn có nghĩa ẩn dụ rằng: Anh muốn thuần hóa nhạc điện tử thành thứ âm nhạc của riêng mình, nuột nà và lôi cuốn. Nhưng khi “cơn lũ âm thanh đã bị thuần hóa” (lời bình trên tạp chí Les inRocks Lab) sẽ làm mất đi chất ngẫu hứng, man dại, bùng nổ khiến giới trẻ “chết mê chết mệt” của nhạc điện tử?

Nhạc của tôi vẫn bùng nổ đấy chứ. Tôi xuất thân nhạc cổ điển, chuyển qua Jazz rồi mới đến với nhạc điện tử. Tác phẩm của tôi luôn có phần hoài cổ mang cảm xúc buồn, lắng đọng. Tôi muốn âm nhạc của mình trước hết là để nghe. Nuột nà, nhẹ nhàng, êm dịu nhưng khi cần vẫn rất bùng nổ.

Anh từng xem các DJ Việt Nam biểu diễn chưa?

Trước khi tới đây thì chưa có dịp được nghe nhạc điện tử của các nghệ sĩ Việt Nam. Tuy nhiên trong chuyến lưu diễn do Viện Pháp tổ chức (từ 8 đến 11/4), tôi cùng chơi nhạc với một số DJ hàng đầu tại TPHCM, trong đó có Jase Nguyễn. Trình độ của họ có thể theo kịp thế giới. Riêng Jase Nguyễn là sự kết hợp đặc biệt giữa nhạc điện tử và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Jase thậm chí còn đi tìm những chiếc đĩa vinyl (đĩa nhựa hay đĩa than) ghi lại các bản nhạc truyền thống để đưa vào âm nhạc của mình.

Còn về phía khán giả, trong quá trình biểu diễn tôi thấy công chúng Việt Nam thích nhạc điện tử theo kiểu hip hop và funky.

“The Remix” đang tạo ra cơn sốt nhạc điện tử nho nhỏ ở Việt Nam. Dường như khi chương trình này lên sóng, khán giả mới thực sự quan tâm tới nhạc điện tử, thứ âm nhạc vẫn bị coi là làm nền, chỉ được chơi tại vũ trường, quán bar hay các buổi tiệc tùng. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trí Minh, người sáng lập Liên hoan Âm thanh Hà Nội lại nhận định: thứ âm nhạc được thị trường tiếp nhận nghĩa là trào lưu đã lên tới đỉnh và sắp thoái trào. Anh có đồng tình với nhận định này?

Tôi nghĩ là không. Như đã nói ở trên, giai đoạn cực thịnh của nhạc điện tử Pháp kéo dài đến năm 2000 rồi bắt đầu đi vào một thời kỳ ngưng nghỉ và từ năm 2010 thì lại phục hưng với những ban nhạc mới. Sở dĩ tôi không dùng từ “suy thoái” bởi bản chất giai đoạn này tạo khoảng lặng để công chúng “tiêu hóa” được “bữa tiệc âm nhạc” quá đầy đặn lúc trước. Nó giống bước đệm cho nhạc điện tử tiến xa hơn trong giai đoạn này với các nhóm nhạc mới, trẻ tuổi và đầy tài năng.

Trước khi nhận lời mời dự Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2015, Thylacine có tính chuyện sẽ sang Việt Nam biểu diễn?

Tôi luôn mơ tới một ngày đặt chân xuống đất nước Việt Nam trong vai du khách. Chứ từ trước tới nay, Thylacine chưa từng có ý định tới Việt Nam lưu diễn. Lý do cần một đơn vị nào đó đứng ra tổ chức rồi mời chúng tôi sang. Nghệ sĩ không thể cứ thích chơi nhạc ở nước nào là xách va li lên. Thật may khi gặp dịp này, Thylacine được tới Việt Nam biểu diễn tại ba thành phố lớn. Tôi cảm thấy hạnh phúc.

Thylacine là ban nhạc đang lên của Pháp, theo đuổi dòng electronica nhẹ nhàng, êm dịu và đầy cuốn hút. Ban nhạc từng nhận giải thưởng Fair 2014 của Hội Nghệ sĩ trẻ Pháp này có hai thành viên: William Rezé và nữ chuyên gia đồ họa, hiệu ứng hình ảnh Laetitia Bely. Trước khi ra Hà Nội, Thylacine có hai đêm diễn tại TPHCM (8/4) và Đà Nẵng (9/4).

MỚI - NÓNG