Hành trình khốc liệt đến tự do

Dù chỉ thắng một giải Quả cầu vàng, “12 năm nô lệ” xứng đáng là phim hay của năm 2013
Dù chỉ thắng một giải Quả cầu vàng, “12 năm nô lệ” xứng đáng là phim hay của năm 2013
TP - Không phải may mắn mà 12 years a slave (12 năm nô lệ) thắng giải Quả cầu vàng 2014 cho thể loại phim bi xuất sắc nhất. Bộ phim mang đến trải nghiệm tận cùng đau đớn của cuộc đời mất tự do.

Đốc công chỉ đám nô lệ cách chặt mía, một người đàn ông lầm lũi vót gỗ làm bút. Cốc nước quả mâm xôi làm mực viết nhưng không thành, bị hất tung vào bóng tối. Ánh mắt sáng rực trong đêm và tiếng thở dài não nề. 

Những hình ảnh đầu tiên của phim có sức gợi đáng kể. Đạo diễn gợi cho khán giả những dự cảm sóng gió, trước khi dẫn dắt người xem quay trở lại hành trình tìm tự do sau 12 năm của người đàn ông da màu Solomon Northup.

Bộ phim 12 năm nô lệ dựa trên câu chuyện có thật, về cuộc đời nghệ sĩ da màu bị bắt cóc bán làm nô lệ 12 năm. Năm ngoái Lincoln cũng gián tiếp nhắc đến chủ đề nô lệ- nỗ lực của Tổng thống Lincoln bãi bỏ chế độ nô lệ.

Năm nay, 12 năm nô lệ được báo giới Mỹ đánh giá là cú đấm trực diện, tái hiện một phần lịch sử đen tối của đất nước này. Đạo diễn Stve McQueen thành công khi hâm nóng tác động mạnh mẽ của cuốn hồi ký ra đời năm 1843, do Solomon Northup viết.

Từ một người tự do, Solomon bị chuốc rượu cho say và tỉnh dậy trong căn phòng tối, chân tay bị xiềng xích, càng cố giãy giụa càng đau đớn. Cùng với nhiều người khác, anh bị rao bán ngoài chợ với cái tên khác, Platt. 

Đầu tiên được bán cho một ông chủ tốt bụng, sau Solomon rơi vào tay chủ nô độc ác và có dấu hiệu tâm thần. Đạo diễn cứ tuần tự dẫn người xem qua từng hành trình, lúc le lói ánh sáng, khi đau đớn đến sởn gai ốc.

Không nhiều hình ảnh đầu rơi máu chảy, nhưng 12 năm nô lệ cũng đầy những cảnh đòn roi đủ thức dậy không khí đen tối từng bao phủ nước Mỹ. Phần đầu phim là trận đòn phủ đầu để Solomon buộc phải chấp nhận thân phận mới. 

Rồi đến trận đòn thừa sống thiếu chết khi dám đứng lên đánh lại một tên quản đốc da trắng khác. Ám ảnh nhất có lẽ là hình ảnh da thịt nát bấy, hằn vết roi da khi Solomon bị ép phải đánh cô nô lệ cùng cảnh ngộ Patsey.

Hơn hai tiếng của bộ phim là câu chuyện chân thực về số phận một con người. Điều thu hút người xem không chỉ là hình ảnh, âm thanh mà còn ở ánh sáng lấp lánh mà nhân vật chính tạo ra. Đâu chỉ có đòn roi, bạo lực, bộ phim khiến người xem thực sự cảm động trước cuộc chiến không khoan nhượng của nhân vật chính.

Khi được một người “sinh ra và lớn lên đã là nô lệ” khuyên muốn tồn tại phải biết nhẫn nhịn, Solomon thẳng thừng: “Tôi không muốn chỉ tồn tại. Tôi muốn sống”. Trong chuỗi ngày tủi cực đời nô lệ, dù bị tiêm nhiễm và vùi dập đến tận cùng, Solomon không khi nào nguôi khát vọng tự do. Những lần chạy trốn không thành, dù trả giá nhưng không vì thế mà hy vọng sống tự do lụi tàn như tro bức thư gửi gia đình Solomon phải tự đốt bỏ.

Làm nên thành công ngoài đạo diễn là phần không nhỏ công sức của dàn diễn viên. Vai chính Solomon Northup được giao cho Chiwetel Ejior, lựa chọn chính xác của Steve McQueen. Chiwetel với đôi mắt sâu đau đáu thể hiện tuyệt vời từng sự thay đổi tâm lí của nhân vật: Tâm trạng hoang mang của người tự do bỗng thành nô lệ, hay sự chống trả quyết liệt bảo vệ cái tên Solomon, cho đến khi chấp nhận thân phận nô lệ dãi dầu trên cánh đồng bông suốt hơn chục năm.

Chiwetel mang đến một Solomon với tâm hồn nghệ sĩ đầy trắc ẩn: Anh từ chối giúp cô nô lệ Patsey kết liễu cuộc đời, để rồi sau đó phải đau đớn nhìn cô chịu đòn roi và ánh mắt trách cứ, và lặng lẽ đập vỡ cây đàn violon được chủ nô đầu tiên tặng.

Ngoài nam diễn viên chính, đạo diễn may mắn có được dàn diễn viên phụ xuất sắc. Michael Fassbender đích thực là tay chủ nô ác bậc nhất: Edwind Epps, một tên tâm thần, nghiện rượu, sợ vợ đến bất lực, và trút hết nỗi bực dọc ấy vào đám người làm bằng ánh nhìn hằn học, bằng những trận đòn. Vào vai cô gái Patsey là nữ diễn viên da màu Lupita Nyong’o, mà diễn xuất rất xứng đáng được giải thưởng.

12 năm nô lệ được trang Imdb cho 8,7/10 điểm. Trang web cà chua thối Rotten Tomatoes “cấp chứng nhận” cà chua tươi (phim hay) với 97 %, cao hơn so với các phim nổi bật trong mùa giải thưởng được cho điểm 93%: Săn tiền kiểu Mỹ, Dallas Buyers club, Philomena, Thuyền trưởng Phillips.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.