Hành trình về cội nguồn

Hành trình về cội nguồn
TP - Từ vùng lũ Hương Khê, nhà thơ Dương Kỳ Anh - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2007 và Hoa hậu Ngô Phương Lan về Nam Đàn quê Bác dâng hương, dâng hoa.

Vượt lên cái mỏi mệt sau chuyến băng rừng vượt núi hiểm trở, vừa bước xuống xe, Ngô Phương Lan đã “khoe”: “Em được lãnh đạo huyện tặng hoa. Trong đó còn có cả cá Mát nữa, bữa ăn ở rừng đạm bạc nhưng thú vị lắm anh ạ!”.

Về xứ Nghệ, Lan thích nhất hai thứ: cá Mát miền Tây Nghệ An - Hà Tĩnh và tương Nam Đàn. Rau khoai lang chấm với tương Nam Đàn ăn kèm với nhút Thanh Chương thì miễn chê.

Chúng tôi về Kim Liên thăm Hoàng Trù - Làng Sen. Cùng đi, có anh Hồ Minh Thắng- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn và chị Hồng Hoa - Trưởng Ban tuyên huấn Tỉnh Đoàn Nghệ An. Bốn giờ chiều  mà vẫn nắng như thiêu như đốt.

Nhận ra Hoa hậu, lũ trẻ reo lên và trong chốc lát, Ngô Phương Lan bị vây kín. Không ngại ngần, Ngô Phương Lan bế cháu bé lên. Trông Hoa hậu lúc này như một người chị, gần gũi, mộc mạc, chân tình.

Ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan nằm cạnh ba gian nhà tranh của cụ Hoàng Đường, bốn phía che chắn bởi hàng tre xanh tốt. Những kỷ vật gắn với tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) vẫn trường tồn với thời gian.

Tại đây, Hoa hậu Ngô Phương Lan xúc động nghe kể về những năm tháng ấu thơ của vị lãnh tụ kính yêu. Lan cho biết đây là lần thứ hai cô về Nam Đàn thăm quê Bác.

Con đường từ Hoàng Trù dẫn tới Làng Sen ruổi dài dưới rặng cây xà cừ, đường quanh co ôm lấy làng mạc. Tại khu di tích Kim Liên, nhà thơ Dương Kỳ Anh và Hoa hậu Ngô Phương Lan làm lễ dâng hoa, dâng hương lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đến thăm nhà của Bác ở quê nội, Hoa hậu Ngô Phương Lan lặng nghe chị Hiền - nữ hướng dẫn viên ở Khu di tích Làng Sen thuật lại chuyện trong gia đình lãnh tụ. Chiếc phản gỗ, chiếc võng ngày xưa, hàng cau và cây mít bên vườn, tất cả vẫn còn in dấu tích của Người.

Dâng hương bái tổ

Theo lịch trình, sáng ngày 10/9/2007 Hoa hậu Ngô Phương Lan về thăm quê nội (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) dâng hương bái tổ và giao lưu với các em học sinh trường THPT Ngô Trí Hoà. 7h15’ sáng, chúng tôi nhận được điện thoại của chị Hoà (mẹ của Ngô Phương Lan): “Em nó đau bụng dữ dội, chú ạ!”.

Phòng 516 Khách sạn Phương Đông, Ngô Phương Lan nằm trên giường, khuôn mặt cô tái đi vì đau. Buổi sáng, cô dành thời gian trang điểm thật kỹ và đội vương miện chuẩn bị cho chuyến hành trình về quê cha đất tổ, sát giờ khởi hành thì xảy ra “sự cố”.

Hơn nửa giờ đồng hồ sau khi uống thuốc, cơn đau vẫn không thuyên giảm. Ngô Phương Lan dứng dậy quả quyết: “Về quê thôi mẹ! Con không muốn vì con mà mọi người ở nhà phải chờ đợi quá lâu!”. Anh Ngô Thành - Bí thư Huyện Đoàn Diễn Châu điện thoại cho biết các em học sinh Trường Tiểu học Thị trấn và Trường THPT Ngô Trí Hoà đang tập trung tại hội trường, háo hức chờ Hoa hậu.

Trên đường đi, thỉnh thoảng cơn đau lại cuộn lên. Ngô Phương Lan bám chặt vào vai mẹ, cắn chặt môi cố không ra  tiếng khóc. Khi xe lăn bánh vào khuôn viên Huyện ủy, hàng trăm học sinh mặc đồng phục ùa đến vây quanh. Hoa hậu Ngô Phương Lan bước xuống, trên môi cô nở nụ cười tươi.

Hành trình về cội nguồn ảnh 1
Hoa hậu trong vòng vây của các em nhỏ

Cuộc giao lưu giữa các em học sinh và Hoa hậu diễn ra trong không khí đầm ấm, cởi mở. Ngô Phương Lan trao 6 triệu đồng cho nạn nhân chất độc da cam và ủng hộ các em học sinh nghèo vượt khó của huyện Diễn Châu.

“5 năm trước, Lan có dịp về thăm quê, bây giờ trở lại thấy quê hương mình nhiều thay đổi: đường sá sạch sẽ, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, Lan cảm thấy rất vui”, Ngô Phương Lan tâm sự.

Ngón tay run run áp vào lồng ngực, Ngô Phương Lan xúc động không nói nên lời và bật khóc.

Cả hội trường Huyện ủy Diễn Châu lặng phắc, hàng trăm đôi mắt trìu mến hướng về đứa con yêu dấu của đất Hoan Diễn. Đột nhiên, tiếng vỗ tay rào rào nổi nên như sóng vỡ. Ngô Phương Lan cúi đầu đáp lễ, nước mắt chan hoà.

Khi bước lên đài vinh quang đón nhận chiếc vương miện Hoa hậu, khuôn mặt Ngô Phương Lan rạng rỡ nụ cười. Giờ đây về thăm quê, đứng trước bà con cô bác, Ngô Phương Lan bật khóc. Giọt nước mắt hân hoan mừng vui Hoa hậu dành cho ngày trở lại quê hương.

Trưa đứng bóng, Hoa hậu Ngô Phương Lan rời Huyện ủy Diễn Châu về làng Diễn Kỷ dâng hương bái tổ. Trong màn khói hương huyền ảo, Ngô Phương Lan kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của tổ tiên. Lúc này đây, hiện hữu một Ngô Phương Lan dịu dàng, hiếu thảo.

Dòng dõi họ Ngô hiếu học ấy, đã sản sinh ra Hoa hậu Ngô Phương Lan.

Trong vòng vây của người hâm mộ

Khi Hoa hậu Ngô Phương Lan có ý định giao lưu với tuổi trẻ Nghệ An, tôi điện hỏi chị Nguyễn Thị Thu Hường - Bí thư  Tỉnh Đoàn, hỏi xem nên tổ chức ở đâu. Chị Hường nói: “Nên tổ chức ở Đại học Vinh!”.

Bí thư Đoàn trường Nguyễn Hồng Soa vui sướng khi nhận được tin này. “Thật vinh dự cho ĐH Vinh!”, Soa nói. Ngay từ chập tối, hàng ngàn SV đã tụ tập trên sân trường. Đây là cơ hội hiếm hoi để các bạn trẻ tiếp xúc với Hoa hậu Thế giới người Việt, trước khi Ngô Phương Lan rời Việt Nam bay sang Thuỵ Sỹ tiếp tục khoá học của mình (ngày 14/9).

19giờ 30 phút, Hoa hậu Ngô Phương Lan từ Cửa Lò về Vinh. Xe đến trước cổng trường, hàng trăm bạn trẻ với những lẵng hoa tươi thắm trên tay ùa ra vây kín. Lực lượng bảo vệ phải “toát mồ hôi” mới vãn hồi được trật tự. Ai cũng muốn lại gần để được tận mắt xem Hoa hậu bằng xương bằng thịt. “Đẹp hơn trên tivi!”, một nữ SV thốt lên.

Một điệu nhảy của nhóm City Boys rộn ràng dưới ánh đèn màu rực rỡ càng làm cho đêm giao lưu thêm phần sôi động. Dịu dàng trong tà áo dài màu trắng, Hoa hậu Ngô Phương Lan đội vương miện bước lên sân khấu. Hàng nghìn SV hò reo cổ vũ đón chào người đẹp. Không khí sân trường ĐH Vinh như muốn vỡ tung bởi những tràng pháo tay kéo dài.

Hoa hậu Ngô Phương Lan quê ở Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sinh năm 1987 tại Hà Nội, vừa tròn 1 tuổi cô theo cha sang Mỹ sinh sống. Năm lớp 7, Phương Lan trở về Việt Nam học tại Trường Quốc tế; Bay sang Thụy Sỹ năm lớp 10 và từ đó đến nay là chuỗi thời gian dằng dặc xa quê hương.

“Diễn Châu quê em ở gần biển, có sông Bùng thơ mộng, có lèn Hai Vai nhiều sự tích. Từ nhỏ, Lan không được sống ở quê nhưng hình ảnh luỹ tre làng thân thương luôn ẩn hiện trong từng câu ca xứ Nghệ mỗi lần Lan được nghe bố hát ru”, Hoa hậu Ngô Phương Lan kể.

Ngô Phương Lan lặng nghe điệu ví đò đưa mộc mạc, chan chứa ân tình. “Đây là lần đầu tiên Lan giao lưu trực tiếp với khán giả kể từ sau giây phút đăng quang, lại được nghe dân ca Nghệ - Tĩnh, cảm xúc của em thật khó tả. Không ở đâu ấm áp bằng quê hương mình!”, Hoa hậu Ngô Phương Lan xúc động.

“Là Hoa hậu, Ngô Phương Lan phải đi nhiều nơi. Vậy bạn làm thế nào để hoàn thành tốt khoá học mà bạn đang theo đuổi?”, MC Thuỳ Linh hỏi. “Mình sẽ cố gắng sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, vừa hoàn thành sứ mệnh của một Hoa hậu, vừa đảm bảo tốt việc học tập”, Ngô Phương Lan trả lời.

“Bạn sẽ làm gì để đóng góp cho quê hương, đất nước?”. “Đi nhiều nơi, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, mình muốn góp một phần sức lực nhỏ bé để làm sao cho bạn bè trên thế giới hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam”. “Bạn vừa đẹp, vừa thông minh, xin hỏi, bí quyết nào để đạt được như vậy?”. “Trong cuộc sống không ai hoàn hảo - Hoa hậu Ngô Phương Lan nói - Một người có nhan sắc, nếu biết trau dồi kiến thức thì chúng ta sẽ hoàn thiện mình hơn!”.

Vĩ thanh

Không phải ngẫu nhiên mà Hoa hậu Ngô Phương Lan chọn Nghệ An - Hà Tĩnh để khởi động hành trình từ thiện. Chuyến đi của cô còn mang một ý nghĩa: Về quê dâng hương bái tổ.

Trong những ngày lưu lại mảnh đất miền Trung, Ngô Phương Lan rong ruổi “lên rừng, xuống biển”, bất chấp thời tiết mưa gió không thuận hoà. Đến với người nghèo, chia sẻ với đồng bào vừa qua cơn bão lũ, gặp gỡ giao lưu với tuổi trẻ xứ Nghệ, Hoa hậu Ngô Phương Lan đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người dân - nơi cô đã đi qua.

Khi rạng rỡ nụ cười tươi, có lúc lặng đi, dù cảnh ngộ nào thì Ngô Phương Lan vẫn luôn lấp lánh vẻ đẹp của người con gái Việt: dịu dàng, trí tuệ, thân thiện...Tạo hoá ban cho Ngô Phương Lan nhan sắc, và cũng gửi gắm vào cô bao vẻ đẹp của tâm hồn.

Tôi hiểu được vì sao các thành viên BGK cuộc thi  lại chọn Ngô Phương Lan để trao vương miện Hoa hậu Thế giới người Việt 2007!

Họ Ngô ở đất Diễn Kỷ là một dòng tộc khoa bảng nổi tiếng, cống hiến nhiều nhân tài cho đất nước (5 tiến sỹ, hàng chục cử nhân). Cụ Ngô Trí Tri (1537- 1628) người làng Lý Trai, huyện Đông Thành (nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu), làm quan đến Giám sát ngự sử đời nhà Lê; Ngô Trí Hoà (1563- 1625) thi đỗ Hoàng giáp, từng đi sứ sang nhà Minh, làm đến chức Hộ bộ Thượng thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu, hàm Thiếu bảo, tước Phú Xuân hầu...
MỚI - NÓNG