Hạt bụi người bay ngược” đã ra đi...

Hạt bụi người bay ngược” đã ra đi...
TP - Nếu không phải Hồ Anh Thái báo tin mà người khác, chắc đã nghĩ một trò Cá tháng Tư mà thôi. Bởi bệnh của Hòa Vang là ung thư thật, nhưng nghe nói cũng đã dịu, có thể trụ thêm...
Hạt bụi người bay ngược” đã ra đi... ảnh 1
Nhà văn Hòa Vang. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Hai tuần trước, bạn bè thân hữu còn tay bắt mặt mừng ở đám cưới Nguyễn Y Vân - con gái nhà văn Hòa Vang. Bận mấy thì bận, có người không quen, không ưa dự đám cưới, nhưng với Hòa Vang thì không dám không đi.

Hòa Vang ốm đã mấy tháng, phải làm anh vui lòng, nhất là anh lại kỹ tính có tiếng. Thiếp mời ngoài phần in sẵn, có cả dòng viết tay, cáo lỗi vì bệnh nặng không đưa mời trực tiếp được. Cầu kỳ chữ nghĩa, trịnh trọng ứng xử - đó là Hòa Vang.

Nếu không phải Hồ Anh Thái báo tin mà người khác, chắc đã nghĩ một trò Cá tháng Tư mà thôi. Bởi bệnh của Hòa Vang là ung thư thật, nhưng nghe nói cũng đã dịu, có thể trụ thêm, lại nghe cái giọng trầm hùng của anh hôm đám cưới con gái nữa (“Đài từ cứ gọi là ổn, hơn đứt bọn còn khỏe chúng mình”- mọi người bàn tán). Câu chữ thì văn hoa bóng bẩy (bày tỏ cảm kích người dự)...

1/4/1993, Hòa Vang - Nguyễn Lương Ngọc sắm sửa bộ hành đi bộ xuyên Việt. ồn ào cả làng văn nghệ báo chí. Riêng chuyện chọn Ngày nói dối mà đi đã đủ bị ghẹo, nhưng Hòa Vang tỉnh queo.

Hai người đi được mấy hôm, tôi cũng hùa theo các anh chị viết một bài Đời sống văn nghệ hôm nay, câu cuối tôi nhớ có hỏi: “Đang ở đâu, giờ này, hai người lữ hành kì dị?” (Hồi đó truyện “Người lữ hành kì dị” của Harold Robins đang nổi).

Sau chuyến đi trở về, trong bọc hành lý Hòa Vang giở ra khoe, vẫn còn mẩu báo Tiền phong Chủ nhật ép plastic. Phía dưới bài có mấy chữ bằng bút bi nắn nót: “V. ơi, chúng anh đang ở đây!” (tức một địa phương thuộc Quảng Trị).

Theo Hòa Vang thì mặc dù đã cố khuếch trương chuyến đi, nhưng không phải ai cũng biết cho, có khi phải trình giấy tờ, có khi gặp khó khăn cần sự giúp đỡ. Thế là khỏi cần giải thích, anh và Ngọc cứ giơ các mẩu báo viết về mình, người ta biết là ai, đi đâu, làm gì.

Chuyện lớn kịp làm của Hòa Vang trước khi đi xa, ngoài đám cưới con gái, là tập tiểu thuyết “Năm tháng và mẹ” (NXB Thanh Niên) và tập “Hạt bụi người bay ngược” do Cty Đông A của Trần Đại Thắng và NXB Hội Nhà văn lo cho.

“Nhân sứ”, “Quyền không điên”, “Sự tích những ngày đẹp trời” in lại, đọc lên nhớ thời Hòang kim của báo Văn nghệ với những giải thưởng uy tín. “Trước thềm yêu”, “Mèo Hên”, anh viết đến đâu người biên tập biết đến đấy, bởi đó là vụ đặt hàng báo Tết năm nào...

Để bắt đầu một giao kèo bài vở với Hòa Vang, phải mất một buổi, nào trần tình, phi lộ. Ôm được cái truyện viết tay sạch sẽ của anh về mà lên khuôn, rất rất nhiều buổi. Tết năm con Mèo đó, Hòa Vang viết được cái tạp văn thú vị về mèo.

Xong anh bảo: “Phải truyện mới bõ”, thế là bắt tay vào viết thêm truyện ngắn. May nhà anh số 5 Quang Trung gần tòa soạn. Kiểu của Hòa Vang là không giục qua điện thoại được mà phải đến tận nơi! Hầu chuyện, nghe anh tấu lên từng câu (bản thảo) thánh thót.

Nhà văn Hòa Vang: Quê ở làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây.

Sinh 3/11/1946, mất 1/4/2006. Hội viên Hội Nhà văn VN.

Trước khi trở thành nhà văn tự do vào năm 1990, từng là giáo viên dạy Văn giỏi của trường cấp 2 Lý Thường Kiệt, cán bộ Xưởng phim đèn chiếu. Thanh niên xung phong, bộ đội xuất ngũ.

Tác phẩm: Thầy Vũ (truyện ký - 1982), Huyền thoại Rồng (tập truyện - 1988), Tai quỷ (tiểu thuyết - 1993),  Sự tích những ngày đẹp trời (tập truyện - 1996), Hiện tượng HVEYA (tiểu thuyế t- 1998), Hạt bụi người bay ngược (tập truyện - 2005), Năm tháng và mẹ (tiểu thuyết - 2006).

Giục như hò đò, anh bảo “yên tâm, yên tâm”, tưởng đã hòm hòm, hóa ra sau chục ngày triển khai, được có trang rưỡi. “Thôi không đến được thì tôi đọc qua điện thoại cho nghe.

Tả cậu “Mèo Lộc” (tên là Hên) thế này có đã không nhé: “đầu tròn, mình tụ, hai rẻ quạt ria áp má, mặt phũ, bàn chân dày tròn như viên bánh trôi bẹt...” Riêng cái tên con Hên, anh tán mất một quãng. Cái tên truyện hay ho “Trước thềm yêu”, tất nhiên tốn giờ hơn.

Hòa Vang viết chậm, rất chậm, không để ai thò bút vào (biên tập), nghĩa là kỹ chữ kinh khủng. Trước khi ngồi vào bàn, vợ con hầu hạ thôi thì đủ lệ bộ, rượu, điếu đóm, đèn nến...

Có khách, cuộc perfomance-art càng rề rà hơn. Báo ra, nhuận bút có, anh nào chịu đến lấy. Không phải anh lười hay tỏ vẻ gì, mà anh thích được cư xử trịnh trọng- như anh đã trịnh trọng. Báo phải có dấu Kính biếu đỏ choét. Thêm lịch Tết,  sổ tay biếu...

Nhuận bút đưa trước mặt chị Lan - vợ anh. (Có lúc tôi đưa thẳng cho chị). Cộng tác viên như Hòa Vang - xác định nếu chiều được hẵng đặt bài. Và cộng tác viên nào cũng như thế thì mệt, mà không có thì nhạt.

Thuở đó, nhà Phùng Quán ở Hồ Tây, và nhà Phạm Xuân Nguyên ở Viện Văn hay được một bọn thích la cà chọn làm điểm tập kết. Chỉ hai nơi này chứa chấp được họ cả ngày.

Hòa Vang kể chuyện gì cũng hóm. Chuyện  hồi bé, là cậu học trò láu cá của cô giáo Đặng Anh Đào. Chuyện đi bộ đội, chuyện lấy bút danh Hòa Vang (tên thật của anh là Nguyễn Mạnh Hùng). Ngoài việc là người của “trường phái ấn tượng”, anh còn sở trường hát.

Mỗi khi Hòa Vang cất tiếng “Hò sông Mã”, “Sông Lô - sóng ngàn Việt Bắc...” “Đường trần ôi rất dài, người trần ôi quá nhiều” thì át cả người lợi khẩu Nguyễn Quang Lập, tay lý sự Phạm Xuân Nguyên. Ăn nói cầu kỳ sắc sảo, nhưng bị phụ nữ cảnh cáo tội nổ (nói khoác) thì xẻn lẻn đến thương...

Đến thăm Hòa Vang hôm mới nghe tin anh phát bệnh - trong ngôi nhà nhỏ phố Quang Trung ngày nào, thấy anh vẫn một giọng hóm.

Vừa ký tặng sách vừa nháy mắt sang nhà hàng xóm, vốn là một đồng chí nhờ buôn giấy loại mà khá giả: “Luôn nhắc nhở bản thân viết vừa thôi kẻo cuối cùng cũng chỉ sung vào đám hàng của đồng chí ấy”.

Anh đùa nhiều đến nỗi cả bọn còn đùa theo: “Nguy cơ khỏi cũng nên”. Thế rồi anh ra đi vào ngày đẹp trời đầu tháng Tư, dễ dàng thế...

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.