Hát để làm dịu nỗi đau...

Hát để làm dịu nỗi đau...
Suốt 8 năm, CLB Tiếng hát thương binh Thủ đô đã biểu diễn từ Nam chí Bắc. CLB có 34 “nghệ sỹ”, trong đó 70% là thương binh (nhiều thương binh nặng hạng 1/4), số còn lại là TNXP, cựu chiến binh.
Hát để làm dịu nỗi đau... ảnh 1
Các“nghệ sỹ” của CLB Tiếng hát thương binh Thủ đô chụp ảnh lưu niệm với khán giả

“Bây giờ thuê văn công thì tốn kém lắm, hay là anh em thương binh ta tập hát rồi diễn cho nhau xem...” - Anh Phạm Văn Thảo (Chủ nhiệm CLB Tiếng hát thương binh Thủ đô bây giờ) và người bạn ở Cung VH Thanh niên Hà Nội trò chuyện với nhau bên chén trà một buổi chiều năm 1997.

Bạn anh hưởng ứng ngay. Anh Thảo đưa 22 anh em thương binh đến tập văn nghệ ở Cung VHTN. Anh em thương binh Hà Nội vui lắm, say sưa tập luyện. Các nhạc sỹ Trọng Bằng, An Thuyên, Cát Vận… tình cờ biết chuyện, hết sức ủng hộ anh em.

Vài ngày sau, buổi diễn đầu tiên tại Cung VHTN, đông nghịt người xem. Tiếng hát của những chiến binh trở về sau cuộc chiến, gây xúc động đến bất ngờ. Tấm áo mẹ vá năm xưa, Về thăm mẹ… vang lên từ trái tim người lính. Những “nghệ sỹ xe lăn” không chuyên nghiệp, thương tật đầy mình, mà hát về một thời hào hùng. Đó là đêm diễn không bao giờ quên trong ký ức của nhiều người Hà Nội.

Biển hoa dâng lên cổ vũ những người lính ngập tràn sân khấu. Nhạc sĩ Trọng Bằng xúc động: “Chúng tôi biểu diễn khắp nơi, xem diễn khắp nơi, nhưng đêm nay xem các bạn hát mới thấy những nghệ sỹ như chúng tôi nhỏ bé quá…”. Vài tháng sau, CLB Tiếng hát thương binh Thủ đô ra đời, nay đã được 8 năm tuổi.

8 năm, CLB biểu diễn từ Nam chí Bắc hàng trăm lần. CLB có 34 “nghệ sỹ”, trong đó 70% là thương binh (nhiều thương binh nặng hạng 1/4), số còn lại là TNXP, cựu chiến binh. Biểu diễn phục vụ họp Quốc hội, hát trên truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, đến những đơn vị bộ đội hát, giao lưu với chiến sỹ trẻ, về biểu diễn ở nhiều trung tâm dưỡng thương bệnh binh, hát ở những vùng thôn quê, hát cho nhiều Bà mẹ VNAH vơi đi nỗi đau mất con, mất chồng…

Một lần, 2 đoàn Bà mẹ VNAH biết tiếng các “nghệ sỹ” đã đến thăm CLB. “Cả một đời cha đi bộ đội, quà về cho mẹ là mái tóc pha sương…” - “Nghệ sỹ” Xuân Bổng (mù hai mắt, phế hai tay) đã khiến những người mẹ nức nở oà lên.

Lại nhớ lần mới đây, anh em được mời đến nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp hát chúc thọ Đại tướng. Nghe hát, vị tướng già nét mặt sáng lên tươi vui lạ lùng, hết lời khen ngợi: “Các chú đánh giặc đã rất giỏi. Nay thương tích thế này mà vẫn lạc quan yêu cuộc sống, chính các chú là những người phát huy tuyệt vời nhất bản sắc dân tộc này. Bộ đội Cụ Hồ phải thế chứ…”.

Những sô diễn không bán vé, không quảng cáo nhưng luôn chật ních khán giả. Hát để vơi đi nỗi đau chiến tranh, những anh em đầy thương tích trên mình còn muốn vượt lên bao khó khăn thường ngày và làm dịu lại muôn vàn mất mát ngay trong thời bình.

Anh Thanh bị mù, thương tật đến 81%, gia đình sống ở căn nhà tình nghĩa tại quận Hoàng Mai. Vợ anh bán hàng vặt kiếm sống, nhưng họ vẫn gắng nuôi con ăn học bằng những thu nhập ít ỏi.

Nhà anh Bổng, vợ cũng là thương binh, anh chị vẫn nuôi dạy hai con học xong đại học. Còn thương binh nặng Xuân Hiền vẫn nghị lực vượt mọi khó khăn hằng ngày, tối tối cặm cụi làm bảo vệ ở Bệnh viện Lao… Vậy mà anh em vẫn đầy nhiệt huyết với CLB.

Có lẽ, CLB đã trở thành “đoàn nghệ thuật” thiếu thốn nhất: Không xe ôtô đưa đón, không có kinh phí hoạt động, không kinh doanh… Mỗi lần anh em đi biểu diễn, người đi xe ôm, người đi xe máy, người bị thương nặng thì đi xe ba bánh, xa hàng chục cây số thì xá gì so với đường Trường Sơn ngày nào.

Nhạc cụ, máy móc thì anh em bỏ tiền túi ra thuê taxi chở đi… Kỳ lạ, anh em vẫn góp được quỹ để giúp đỡ những gia đình chính sách (xây nhà tình nghĩa trị giá hơn 20 triệu đồng ở Đông Anh (Hà Nội); biểu diễn quyên góp giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt hàng chục triệu đồng; Tham gia chương trình quyên góp ủng hộ người nghèo cùng Trung ương Mặt trận Tổ quốc…).

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đến thăm CLB. Ông cảm động nắm tay từng anh em và cảm động nói: “Tôi khâm phục các đồng chí. Tiếng hát vẫn át tiếng bom…”. Sau buổi ấy, Chủ tịch đã đề nghị UBND TP Hà Nội mua tặng CLB một dàn trang âm khá hiện đại. Rồi từ đó, Nhà VH TP Hà Nội tạo điều kiện dành riêng phòng cho anh em đến tập 2 lần một tuần. Anh em vui mừng, từ nay “đoàn” đã chuyên nghiệp hơn và được lãnh đạo quan tâm hơn.

Bước chân người lính trở về sau chiến tranh như được tiếp thêm sức mạnh, rong ruổi những nẻo đường đến với đồng đội và những miền quê. Trong “đoàn”, có các anh Xuân Nghĩa, Văn Bổng… từng tham gia những đội văn nghệ thời chiến, nên “đoàn” ăn nhập nghệ thuật có phần thuận lợi.

Có thể nói về chuyên môn của CLB thế này: 10 tiết mục của “đoàn” tham dự chương trình Những ngôi sao thế kỷ do Hội Cựu chiến binh và Sở VHTT Hà Nội tổ chức mới đây, thì cả 10 tiết mục đều đoạt Huy chương vàng. Rồi thì, chỉ cách đây vài ngày, Đài TNVN thu âm một chương chình về CLB, anh em chỉ biểu diễn một lần đã “ăn” ngay.

Khi bài báo này đến tay bạn đọc, cũng là lúc anh em CLB Tiếng hát thương binh Thủ đô chuẩn bị tập duyệt lần cuối những tiết mục sẽ được biểu diễn đêm nay tại Nhà VH TP Hà Nội nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ.

MỚI - NÓNG