Hát then cũng bay show

Hát then cũng bay show
TP - Liên hoan hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ  ba bế mạc tối qua tại thị  xã Bắc Kạn. 350 nghệ nhân, diễn viên của 11 tỉnh thành khắp nam bắc khẳng định sức hấp dẫn của then vượt ra khỏi cộng đồng Tày, Nùng, Thái. 

Đó là bà Ngọc Xuân, Việt kiều Pháp, người gốc Nam Bộ, làm nghề thẩm mỹ viện - nghĩa là không có bất kỳ liên quan nào với then. Nhưng đã hai lần, bà Ngọc Xuân cùng CLB hát then đàn tính mang tên bà lặn lội từ TPHCM ra Cao Bằng rồi Bắc Kạn tham gia các kỳ liên hoan hát then đàn tính.

Duyên nợ với then của bà Xuân bắt đầu từ một bài thơ bà sáng tác, được một nhạc sư người Tày sống ở TPHCM là Hoàng Quân phổ nhạc theo giai điệu then. Từ đó bà đâm mê then và quyết định thành lập CLB dưới sự giúp đỡ của nhạc sư Hoàng Quân.

Hát then cũng bay show ảnh 1

Một vị khách quốc tế bị đàn tính hấp dẫn

Bà Xuân nói: “Học then mất công sức, lại phải chơi được đàn tính, không dễ chút nào với người nhiều tuổi như tôi. Nhưng những giai điệu mềm mại, sâu lắng của then cho tôi cảm giác chia sẻ”.

Tại liên hoan lần này, đoàn TPHCM hùng hậu nhất, tới 38 diễn viên. Bên cạnh CLB Ngọc Xuân còn có CLB Nắng Mới ở quận Tân Bình. Ngoại trừ thày dạy Hoàng Quân, cả hai CLB đều không ai người Tày, Nùng.

Chị Dương Thị Thanh Hà - CLB Nắng Mới cho biết, ba năm nay, hát then rất được yêu thích tại TPHCM. CLB của chị phải chạy show liên tục.

Gừng càng già càng cay

Hát then cũng bay show ảnh 2
Tốp đàn tính trong tiết mục múa “Huyền thoại then”

Tiết mục của đoàn TPHCM cũng như nhiều nghệ sĩ trẻ khác được gọi là then mới, để phân biệt với then cổ của các nghệ nhân. Then mới là những ca khúc được viết lời mới dựa trên giai điệu then đã sửa sang, thêm thắt nhạc cụ mới.

Người hát then mới thường đứng hoặc ngồi trên ghế, hát, chơi đàn tính và có một người đứng bên cạnh dập xóc nhạc để giữ nhịp.

Tại liên hoan, lần đầu tiên công chúng được biết then tồn tại trong cả đời sống của dân tộc Giáy. Người mang đến phát hiện mới mẻ này là bà Then - Phan Thị Phỏ ở Bát Xát, Lào Cai.

Nghệ nhân 51 tuổi bê nguyên lên sân khấu trích đoạn Luyện quan đuổi yêu ma trong lễ Lẩu Then của người Giáy.

Bà diễn nhập đến nỗi trẻ con đang đứng xem vội bỏ chạy ra ngoài vì sợ.

Các nghệ nhân then cổ tỏ ra điệu nghệ hơn. Họ ngồi bệt khi biểu diễn, miệng hát, tay chơi đàn, chân dập xóc nhạc. Những bài hát được nghệ nhân then cổ chọn đều là trích đoạn trong các nghi lễ rất phong phú của then, gắn liền với đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái.

Nghệ nhân hát then cổ dự liên hoan phần nhiều đã sang tuổi thất thập nhưng tài ca hát thì vẫn làm con cháu phục sát đất. Nghệ nhân Mông Thị Sấm, 71 tuổi ở Lạng Sơn song ca ngang ngửa với cậu cháu ngoại Chu Văn Minh, 19 tuổi, sinh viên trường VHNT Lạng Sơn, giải A Liên hoan Dân ca VN 2009. Bà Sấm là người kế thừa của một dòng họ nhiều đời làm then.

Ở Lạng Sơn còn có một nghệ nhân then khác là bà Mỗ Thị Kịt, 97 tuổi. Năm 2005, tại liên hoan hát then đàn tính lần thứ nhất, bà Kịt làm nên một cơn sốt  nho nhỏ khi cất giọng hát có âm sắc trầm, đục rất đặc biệt.

Sáu nghệ nhân ở Thái Nguyên còn khiến khán giả mắt tròn mắt dẹt khi diễn trích đoạn then cổ Thần thông tiến lệ, đúng cao trào lần lượt bay người lên khỏi mặt đất trong tư thế ngồi khoanh. Có lẽ đó là một động tác thể hiện sự mầu nhiệm trong phép thuật của các ông then.

Số người làm then như bà Sấm, bà Kịt và các nghệ nhân ở Thái Nguyên ngày càng ít. Sự vắng bóng của các thầy then cũng ảnh hưởng không nhỏ việc bảo tồn hình thức diễn xướng then cổ.

Thế hệ trẻ chỉ thích học then mới. Nghệ nhân Hoàng Đức Thăng (Hà Giang) thật thà: “Tôi đi diễn thế này chỉ mong được lên ti vi thôi. Phải lên ti vi thì con cháu trong bản mới thấy quan trọng, mới chịu học hát then, đàn tính”.

Nỗi niềm then cổ

Sức lan tỏa của hát then, đàn tính ngày càng rộng, những người trẻ ưa thích then không hề ít nhưng rất ít người muốn học và biểu diễn then cổ.

Chu Văn Minh được xem là ngôi sao tại liên hoan, diễn các trích đoạn then cổ rất thành công, nhưng thừa nhận mới chỉ học được một phần nhỏ so với vốn then của bà ngoại. Minh nói: “Có thể sau này em sẽ ra một đĩa then cổ nhưng vẫn chọn then mới để học và biểu diễn khi ra trường. Ngày thường, hát then cổ chắc không có người nghe”.

Một ngôi sao trẻ khác là Nông Thanh Tuyền, 20 tuổi, sinh viên năm cuối trường VHNT Việt Bắc. Tuyền khá đẹp trai, tóc nhuộm vàng hoe. Tuyền nói: “Hát then là lựa chọn phù hợp với chất giọng và hoàn cảnh của tôi. Hiện chúng tôi có cơ hội diễn các ca khúc then mới, rồi dàn dựng chương trình cho nhiều nơi trong vùng. Thu nhập đủ trang trải cuộc sống sinh viên. Tôi nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với hát then kể cả khi ra trường. Có thể đến lúc đó tôi sẽ học hát then cổ, giờ thì chưa”.

Hát then đang là một trong số ít loại hình dân ca của các dân tộc thiểu số có công chúng. Then mới ngày càng trở nên được ưa chuộng. Tuy nhiên, then cổ với tư cách một hình thức diễn xướng tổng hợp lại đang mai một.

Bên cạnh việc tổ chức các liên hoan hát then, đàn tính theo hình thức sân khấu hóa như hiện nay, có lẽ then cổ còn cần đến những hình thức bảo tồn khác để không bị lãng quên một cách đáng tiếc.  

MỚI - NÓNG