Hay bắt chước nhau, ngại sự khác biệt

Hay bắt chước nhau, ngại sự khác biệt
TP - Câu chuyện xảy ra giữa những năm còn gian khó: Học viện Goorky mời đoàn cán bộ Trường Viết văn Nguyễn Du sang thăm. Đoàn gồm có TS Huỳnh Khái Vinh – Hiệu trưởng, học viên Trần Đăng Khoa và một cán bộ giáo vụ, xin tạm gọi là Nguyễn.

Bấy giờ NXB Văn học mới sinh nhật lần thứ 35, tặng mỗi đại biểu một cái túi màu da bò, rất oách. TS Huỳnh Khái Vinh và nhà thơ Trần Đăng Khoa có mỗi người một cái túi như thế và họ yên tâm xách nó sang Nga.

Cán bộ Nguyễn biết vậy, bèn cố đi mượn một cái túi 35 năm NXB Văn học để có thể yên tâm lên đường. Ra tới sân bay ông Vinh nhìn thấy cái túi thứ ba, giận tái người và vì có tật nói lắp mỗi khi bức xúc, ông nói một thôi một hồi nhưng không ai hiểu gì.

Chỉ thấy sau đó ông cố ấn mọi thứ trong cái túi kia vào valy, vứt nó lại cho người ra tiễn. Vào một lúc bình tĩnh hơn, ông nói Tây rất ghét sự giống nhau. Tôi bèn cố hình dung rằng sự giống nhau của người Việt đối với người nước ngoài nó cũng như là phải nghe ai đó nói lắp!

Đã có thời cả nước hát ca khúc theo phong cách thính phòng ở mọi nơi mọi lúc, cả nước mặc áo Tô Châu, một sự giống nhau đặc biệt quân ngũ, của thời chiến và từ cuộc chiến đi ra.

Đó là sự giống nhau tích cực, dù ai vô tâm và mạnh mồm đến mấy cũng không dám giễu cợt. Nhưng thói bắt chước nhau, có giống một ai đấy thì mới yên tâm, thì thật quả là một tật xấu.

Tôi hay mặc áo không cổ, lại tóc bạc ria bạc nên từng nghe nhiều người nhận xét với hàm ý khen ngợi, rằng tôi trông rất giống Dương Trung Quốc(!) nghe cứ hệt như lời khen của ai đó rằng con tôi xinh như con Tây!

Mỗi lần nghe MC hỏi khán giả bạn đến đây cổ vũ cho ai, thì bịt tai lại, chúng ta vẫn biết câu trả lời sẽ là:“Dạ em thưa anh, em đến để cổ vũ cho bạn Kh. ạ. Kh. ơi, cố lên!”.

Sự giống nhau cả lời lẽ lẫn giọng điệu ấy khiến tôi cứ gai cả người, càng xót xa khi đó là một gương mặt hồn nhiên và thậm chí rất thông minh.

Tôi cứ băn khoăn: Xã hội thị trường là cuộc cạnh tranh, nó rất cần sự khác biệt và đòi hỏi những công dân luôn có ý thức: chị bán ổi ương thì tôi bán muối ớt.

Vậy mà phụ huynh, thầy cô giáo và các MC  không hề có ý muốn dạy con em mình tư duy độc lập? Và rồi dần dần tôi hiểu ra thói bắt chước nhau nó trầm kha hơn, với những nguyên nhân thâm căn hơn.

Tôi vốn hiếu học, thích kết giao với giới toán học và hoạ sỹ, tôi thấy họ rất ghét sự giống nhau. Quan sát một cơ quan nghiên cứu, chúng ta thấy cán bộ chuyên môn giỏi thì miệt mài đi tìm các thông tin mới lạ, số còn lại thường kết giao với các anh chị em phục vụ, hằng ngày ngồi buôn dưa lê, cuối năm bình bầu thì cùng chê đám kia là chuyên môn thuần tuý, kiêu ngạo, phong cách sống lập dị, “có vấn đề.”

Tôi bèn tin rằng hay bắt chước nhau là thói tật của một trình độ sống thấp, họ giống nhau cách phát biểu, bỏ phiếu tín nhiệm để loại bỏ những tay “dám” sống khác mình; bất chấp sự khác biệt của các chuyên gia kia mang lại lợi ích to lớn cho quốc gia mà họ cùng thụ hưởng.

Nhưng sự giống nhau của bạn trẻ, của các nhân viên đã dần thay đổi, nó cũng dễ thay đổi vì chỉ cần thay đổi cách quản lý, khoán gọn lương thưởng chẳng hạn. Có những cái giống nhau mà thiệt hại do nó để lại sẽ còn lâu dài.

Đã có thời cả Hà Nội là những ban công chuồng cọp. Ban công nhà chung cư chuồng cọp đã vậy, nhà biệt thự cũng chuồng cọp sau khi đã cơi nới bằng sắt đường tàu, lát ván gỗ thùng hàng từ Nga gửi về và thùng các tông. Trên ban công, kể cả ban công xung quanh Hồ Gươm, phơi la liệt quần áo trong và tã lót.

Bây giờ, chuồng cọp đã ý nhị hơn, leo lên sân thượng và ẩn dưới các mái tôn đỏ chót, thì vẫn là chuồng cọp, nhưng là chuồng cọp lên đời. Đầu thập kỷ 80, không hiểu sao thợ xây Đà Nẵng lại tràn ra Hà Nội đông thế?

Và sau khi rút đi, họ để lại các mặt tường đá rửa. Tường đá rửa làm xong đã cũ, nên cũ bền lâu, lại thường thấp tè do tập quán vùng bão gió của thợ xây dựng, trông các ngôi nhà bần bần, giống phố huyện hơn là hàng phố thủ đô.

Nhà đá rửa bao một vành đai ở vùng năm cửa ô ra mãi ngoại thành. Đầu thập kỷ 90, kinh tế phát triển, việc xin phép xây nhà, sửa nhà được nới lỏng hơn, Hà Nội lại có nạn ban công cong cong ưỡn ra ngoài đường với hàng rào sắt sơn màu sữa như bụng bà chửa sáu tháng, có khi hơn.

Chưa hết, ở bên dưới, ngoài cửa gỗ đánh véc-ni khá sành điệu lại có cửa sắt xếp khiến Hà Nội đang giống Đà Nẵng bỗng một ngày đẹp trời lại hao hao Bangkok của Thái Lan.

Tuy nhiên, ban công bụng chửa sáu tháng có khi hơn và cửa sắt xếp tuy là một vấn nạn thẩm mỹ công cộng, nhưng ta chỉ cần đừng dại dột mà nhìn thì thôi.

Chứ cái chóp củ hành Ba Tư trên các nóc nhà giả biệt thự mới thật tai hoạ. Nó tốn tiền, hãnh tiến, xấu xí một cách nhân danh thẩm mỹ, mà lại nhòn nhọn, cứ tua tủa lên khắp cả bầu trời, băm nát cả trời xanh mây trắng là nơi con người ta thường ngước lên nghỉ ngơi tích cực sau những giờ dài buôn dưa lê những câu chuyện hơi bị… hay, giống như hôm qua, giống như hôm kia, hôm kìa!

Nhưng, dẫu sao đó cũng là cái sự giống nhau của dân. Sự giống nhau trong các báo cáo, trong cái cách cán bộ ta trả lời phỏng vấn trên truyền hình, nghe mới giật mình!

Báo Nông nghiệp Việt Nam đã từng đăng một bài viết kể anh làm dịch vụ vi tính ở một xã nọ cứ mỗi sáu tháng lại mở lại cái file bao cao vẫn lưu trong máy của mình, xử lý lại ngày tháng và các chỉ số, phần trăm rồi in ra, nhân bản, lấy 50.000đ và mỗi dịp như vậy, anh ta kiếm được tiền triệu (bởi mỗi xã có tới 20 ban bệ, đoàn thể khác nhau và đều phải có báo cáo mới sơ tổng kết được, mới chi tiền được).

Các nhà báo hay đi cơ sở thường được biếu những bản báo cáo như vậy và có thể làm chứng!

Sắp có việc chia tách tỉnh huyện, người trả lời phỏng vấn bao giờ cũng nói địa bàn khó, rộng, không sâu sát; mà không ai chịu nói thật rằng nhập tỉnh huyện thì nạn cục bộ mất đoàn kết đã khiến địa phương chậm phát triển.

(Tôi có một kỷ niệm cười ra nước mắt: Năm 1975, Hội Văn nghệ Vĩnh Phú đại hội thành lập. Nhà thơ Bút Tre, tức là đồng chí Đặng Văn Đăng, nguyên Phó trưởng ban Khoa giáo tỉnh ủy đã khoảng 75 tuổi, có lôi tôi ra tận góc xa, hất hàm vào hội trường và nói: “Văn Chinh xem, miền Tây chúng ta (ý ông nói số văn nghệ sỹ Phú Thọ) vẫn chiếm lĩnh hội trường!”. Vậy mà, khi được mời lên phát biểu, ông vẫn nói đến đoàn kết như một nguyên nhân căn bản khiến thơ Vĩnh Phú ngang tầm thơ trung ương).

Thế rồi, sau khi chia tách, vẫn anh cán bộ nói khó khăn do nhập tỉnh, huyện lại nói do tỉnh, huyện mới chia tách, cơ sở vật chất rất khó khăn... Có những hôm rỗi rãi, tôi ngồi nhẩm tính, nếu thỏa mãn tất cả các cán bộ nêu khó khăn, bức xúc trên TV để được nhà nước hỗ trợ kinh phí hay đầu tư cho địa phương họ, cho ngành họ thì không biết bao nhiêu cho xuể?

Rồi lại tự an ủi, họ nói thế, chỉ để cho giống mọi người mà thôi, chứ chả nhẽ họ lại không biết nhà nước lấy đâu ra mà hỗ trợ nhiều thế?

Nhà văn Văn Chinh

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.