Hết mình với cả “vợ” lẫn “người tình”

Hết mình với cả “vợ” lẫn “người tình”
TP - Họa sĩ Trịnh Thái ngậm ngùi bảo, ngày xưa từng có ông thầy tử vi đã phán rằng, số ông là số “kiếp nạn đào hoa”, dẫu yêu nhiều cũng khó thành đôi nên lứa.
Hết mình với cả “vợ” lẫn “người tình” ảnh 1
Họa sĩ Trịnh Thái

Năm tháng qua đi, tuổi già ập đến lúc nào chẳng hay nhưng đến nay Trịnh Thái vẫn “một mình một ngựa” rong ruổi trên đường đời. Bạn bè có hỏi han chia sẻ, ông chỉ cười buồn: “Nhân duyên trời định, biết làm thế nào...?”.

“Vợ” hay “người tình” đều yêu hết mình!

Từ nhỏ, cậu bé Trịnh Thái đã rất mê vẽ, mê xinê, nên cậu từng trốn học đi xem phim và sổ học bạ thì bị thầy phê rằng “trong lớp không chú ý nghe giảng, hay xé vở vẽ... bậy!”. Khi lớp đào tạo họa sĩ điện ảnh đầu tiên của Việt Nam chiêu sinh, Trịnh Thái đã trúng tuyển.

Học xong, anh đầu quân về Hãng phim truyện Việt Nam rồi ở miết đó cho đến khi quyết định về nghỉ hưu non.

Ông tâm sự: “Với tôi, hội họa là “vợ”, điện ảnh là “người tình”, nhưng với cả hai tôi đều yêu hết mình. Lang thang với “người tình” mấy mươi năm, tôi vẫn quyết định phải về với “vợ” thôi! Vì chưa đến tuổi nghỉ chế độ, nên hồi đó tôi phải... “chạy” mới được nghỉ đấy chứ!”.

Họa sĩ Trịnh Thái thường hay tếu táo với chính mình, nhưng chừng ấy thời gian sống với điện ảnh, ông đã cống hiến hết mình và xứng đáng với danh hiệu nghệ sĩ ưu tú mà Nhà nước phong tặng.

Ngày ấy, ông và các bạn hăm hở đi vào tuyến lửa thâm nhập thực tế để làm chất liệu cho các bộ phim như “Rừng o Thắm” và “Vĩ tuyến 17 - Ngày và đêm” của đạo diễn Hải Ninh.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, cái Tết năm ấy được gọi là “Tết hòa hợp dân tộc”, ông đã vào ăn Tết ở Quảng Trị. Về sau, khi làm họa sĩ cho bộ phim truyện nhựa màu đầu tiên của Việt Nam là “Biệt động Sài Gòn” của đạo diễn Long Vân, Trịnh Thái cũng ở biệt trong ấy mất gần 4 năm.

Ông cũng có nhiều chuyến đi gặp gỡ các sĩ quan, tướng lĩnh của ta và của cả chế độ cũ để nghe họ kể chuyện về các trận đánh. Họa sĩ cho biết, công việc của một họa sĩ thiết kế phim truyện rất vất vả.

Người họa sĩ vừa phải trung thành với kịch bản, vừa phải bám sát thực tế đời sống, bao quát không gian, thời gian, bối cảnh, trang phục, phương tiện... nên phải dung nạp một lượng kiến thức khổng lồ. Cho đến giờ ngồi nghĩ lại, ông vẫn không khỏi ngạc nhiên, sao ngày đó mình lại làm được hàng ngàn bức phác thảo cho một bộ phim.

Cha mẹ Trịnh Thái là người Hải Phòng, nhưng ông lại được sinh ra ở PhnomPenh (Campuchia), sau mới theo cha mẹ về sống ở bến Tam Bạc (Hải Phòng). Tuổi thơ của ông gắn với con phố này và đây cũng là đề tài trở đi trở lại nhiều lần trong tranh của ông, mỗi lần một vẻ, một cảm xúc mới lạ.

Trịnh Thái nói: “Tôi dù có nhắm mắt vẫn có thể vẽ ra phố Tam Bạc sinh động như thường!”. Chẳng thế mà trong giới hội họa hiện vẫn lưu truyền một câu nói vui: “Phố cổ Hà Nội có Bùi Xuân Phái thì Trịnh Thái có Tam Bạc Hải Phòng”.

Một trong những bức tranh của ông được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua từ năm 1962 cũng vẽ Tam Bạc. Là người gắn bó lâu năm với điện ảnh, có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều “bông hồng” của điện ảnh Việt Nam thời bấy giờ, nên nhiều gương mặt từ lâu đã thân thuộc với khán giả màn ảnh đã trở thành nguồn cảm hứng trong mảng tranh chân dung của ông.

Trong số ấy, nhiều nữ diễn viên được ông đề tên thật trên tranh như Trà Giang, Hồng Minh, Đỗ Thủy, Lý Bạch Huệ, Lê Hồ Lan, Thanh Quý... nhưng cũng có nhiều người vì lý do tế nhị nào đó mà tác giả không đề tên thật, nhưng người xem vẫn có thể nhận ra họ bởi những nét đặc tả hoặc thần thái khó lẫn của nghệ sĩ được họa sĩ “chộp” được và đưa vào tác phẩm.

Ông cũng đem ký ức về những chuyến đi của mình vào tranh: đó là những phiên chợ vùng cao hay phiên chợ quê đậm đà bản sắc, là những miền sông nước hữu tình hay những mái phố rêu phong u buồn...

Hàng ngàn bức tranh đã ra đời trong phút “lãng đãng” của họa sĩ Trịnh Thái và kỷ lục 13 triển lãm cá nhân thực sự là con số hiếm gặp trong làng hội họa Việt Nam, với thế hệ của ông.

Lãng tử truân chuyên

Hơn ba mươi năm làm họa sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam, tên tuổi họa sĩ Trịnh Thái gắn với những bộ phim đã làm nên lịch sử điện ảnh Việt Nam như “Vĩ tuyến 17 -  Ngày và đêm”, “Ngày lễ Thánh”, “Biệt động Sài Gòn”, “Săn bắt cướp”...

Nhưng đến một ngày nọ, họa sĩ Trịnh Thái quyết định rời xa điện ảnh - nơi ông đã gắn bó cả quãng đời tuổi trẻ của mình với bao buồn vui để tập trung vào hội họa.

Năm ngoái, ông đã tổ chức thành công triển lãm cá nhân lần thứ 13 (trong số đó có hai lần triển lãm tại Paris).

Tôi bắt đầu hỏi chuyện riêng tư của họa sĩ Trịnh Thái một cách thật khó khăn. Nhưng rồi, bắt đầu từ căn nhà chật chội của ông cạnh Hãng phim truyện 1, mọi câu chuyện bật ra.

Căn nhà nhỏ ấy, họa sĩ đã bán để thuê một căn nhà rộng hơn, chuẩn bị cho một tổ ấm, dẫu là muộn màng. Người phụ nữ ấy là một người bạn quen biết nhau từ thuở Trịnh Thái làm với phim đầu tay “Rừng o Thắm”.

“Lúc ấy, cô ấy có ẩn ý với tôi thì tôi còn đang bận tơ tưởng đến người khác và còn giới thiệu người ta đến thử vai. Sau này, mỗi người mỗi ngả, mấy chục năm sau gặp lại khi cô gái xinh đẹp năm nào nay đã trở thành một người đàn bà nhân duyên trắc trở và mang trong mình trọng bệnh. Còn tôi lúc đó đã qua nhiều mối tình trái ngang: khi thì hoàn cảnh không cho phép, khi thì bị gia đình kịch liệt phản đối…

Cũng vài lần đã tưởng rằng “gạo thổi thành cơm”, ấy vậy mà nay tóc đã hoa râm mà vẫn phải ngày ngày cắm cơm ăn một mình”. (Trịnh Thái tự tin rằng ông nấu ăn ngon hơn nhiều phụ nữ, nên mấy chục năm nay, ông vẫn nổi lửa tự nấu ăn cho mình chứ không mấy khi đi ăn cơm bụi).

Họ tìm thấy ở nhau sự sẻ chia, đồng cảm, sưởi ấm cho nhau và đã có những ngày tháng hạnh phúc chỉ còn chờ ngày làm thủ tục hôn ước chính thức. Vậy mà, hạnh phúc nhỏ nhoi muộn màng ấy lại vuột khỏi tay: Bà đã ra đi sau một cơn bạo bệnh. Vậy là triển lãm lần thứ 13 của ông vắng bàn tay bà chăm lo, săn sóc từng khung tranh, từng tấm giấy mời...

Họa sĩ Trịnh Thái ngậm ngùi bảo, ngày xưa từng có ông thầy tử vi đã phán rằng, số ông là số “kiếp nạn đào hoa”, dẫu yêu nhiều cũng khó thành đôi nên lứa. Càng nghĩ ông càng buồn, thời gian đầu, ông tưởng chừng như mình suy sụp không gượng dậy nổi.

Hơn hai năm qua đi, song người họa sĩ có gương mặt ưu tư khắc khổ ấy vẫn chưa lấy lại được thăng bằng vì quả thật ông chưa bao giờ có được sự quan tâm chia sẻ ân cần mà chân thành đến thế.

Ông nói rằng, đời ông từng trải qua nhiều mối tình, ngắn có, dài có, nhưng không có sự ra đi nào trở thành nỗi mất mát lớn đến thế. Mỗi tối đi về trong căn nhà trống vắng, cảm giác cô đơn lại bủa vây, khiến ông nhìn đâu cũng ra hình bóng của “người hiền”.

Có những cuộn băng quay hình ảnh của bà, ông không dám giở ra xem lại nữa. Sau mất mát này, bạn bè văn nghệ sĩ rất thương nên đã giới thiệu cho Trịnh Thái nhiều “đám”, song ông toàn kiếm cớ rút lui. Ông chua xót: “Đến như thuyền đã thả neo như thế mà còn chẳng thành, nữa là... Thôi đành đổ cả cho số phận là xong!”.

Sáng nào cũng vậy, họa sĩ Trịnh Thái dắt xe ra khỏi nhà, ăn sáng rồi lên phố Hàng Hành uống cà-phê như mấy chục năm nay vẫn thế. Thói quen ấy có từ ngày Hà Nội còn nhỏ và nghèo, quán cà phê Nhân vẫn còn lợp giấy dầu.

Ở đó, ông gặp bạn bè, trao đổi công việc, bán tranh... Và ở đó, bên chiếc bàn kê cạnh gốc điệp vàng, qua làn khói thuốc mờ ảo, ông vẫn thấy như người phụ nữ của đời mình vẫn ngồi đó, đôn hậu và yên bình bên ông.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.