Dự án biến di tích Hồ Tịnh Tâm (Huế) thành điểm kinh doanh:

Hết sức cân nhắc!

Hết sức cân nhắc!
TP - UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-H) vừa đồng ý cho phép Tập đoàn OCSC Global (Singapore) nghiên cứu đầu tư dự án Du lịch bảo tồn sinh thái- di tích Hồ Tịnh Tâm.
Hết sức cân nhắc! ảnh 1
Hiện trạng khu vực Hồ Tịnh Tâm

Sự kiện này lập tức gây nên sự quan tâm xen lẫn lo lắng đối với người dân Huế. Vì rằng Hồ Tịnh Tâm là một bộ phận kiến trúc danh thắng có giá trị nhiều mặt, hơn nữa lại nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của khu di sản thế giới Cố đô Huế.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh TT-H đề ngày 12/9/2007, Tập đoàn OCSC Global cho biết: Hồ Tịnh Tâm đang trong tình trạng xuống cấp về môi trường sinh thái. Vì thế, tập đoàn này đề xuất xây dựng dự án du lịch sinh thái - di sản tại đây.

Cụ thể, nạo vét lòng hồ và thay thế bằng hệ thống nước sạch cùng với thiết kế cho bờ hồ, tạo cảnh quan; Củng cố thêm giá trị văn hóa của Hồ Tịnh Tâm với một sân khấu trên mặt nước dành cho những buổi biểu diễn văn hóa mang tính thế giới; Xây dựng hệ thống các cửa hàng xung quanh thành hồ, những phòng nghỉ giá rẻ, những hành lang mái che để phát triển việc kinh doanh cho cộng đồng cư dân địa phương; Và biến Hồ Tịnh Tâm thành một điển hình cho việc tái thiết đô thị mang tính bền vững kết hợp phát triển sinh thái, củng cố các di sản và đẩy mạnh kinh doanh địa phương...

Sau hai ngày nhận được thư đề nghị từ phía nhà đầu tư, ngày 14/9/2007, UBND tỉnh đã nhanh chóng có văn bản phúc đáp tới Tập đoàn OCSC Glabal, trong đó nhấn mạnh, “về nguyên tắc, UBND tỉnh TT-Huế đồng ý chủ trương cho phép Tập đoàn OCSC Global nghiên cứu, thiết kế và thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án”.

Ngoài ra, UBND tỉnh TT-H cũng đã giao cho các cơ quan hữu quan cung cấp các thông tin cần thiết, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai các thủ tục tiếp theo.

Còn tại một văn bản gửi cơ quan bộ, ngành Trung ương ngày 17/9/2007 về việc xin chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư dự án, UBND tỉnh TT-H đã “tóm tắt” mục tiêu của nhà đầu tư đối với dự án này như sau: “Mục tiêu của dự án sẽ nghiên cứu các tài liệu liên quan, và tình hình thực tế của khu di tích Hồ Tịnh Tâm để đầu tư bảo tồn các công trình di tích, và phát triển một số hạng mục trong điều kiện cho phép nhằm cải tạo cảnh quan sinh thái, phát huy giá trị văn hoá di sản của Hồ Tịnh Tâm và khu vực xung quanh...

Từ đó xây dựng một Khu du lịch bảo tồn sinh thái - di sản nổi tiếng mang đẳng cấp quốc tế, đồng thời tạo môi trường kinh doanh và dịch vụ văn hóa thuận lợi cho người dân địa phương trong khu vực”.

Với mục tiêu như đã đề ra của nhà đầu tư đối với Hồ Tịnh Tâm, những người quan tâm đến di tích kiến trúc, danh thắng này không khỏi lo lắng. Các tài liệu chính sử cho biết, công việc quy hoạch Hồ Tịnh Tâm và xây dựng những công trình ở đấy được tiến hành vào năm Minh Mạng thứ 19 (1838) và hoàn thành vào một năm sau đó.

Theo sự mô tả của sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Hồ Tịnh Tâm được xây dựng rất cầu kỳ, kiểu thức như một vườn ngự uyển vào bậc nhất của hoàng gia. Sau khi các công trình hoàn tất, vua Minh Mạng cũng như các vị vua về sau đều đến đây để thưởng cảnh, hóng mát và làm thơ.

Còn các nhà nghiên cứu hiện nay thì đánh giá, Hồ Tịnh Tâm xưa vừa là một di tích kiến trúc, vừa là một danh lam thắng cảnh. Đúng hơn, đây là cả một tổng thể kiến trúc cung đình gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật khác nhau được phân bố giữa cảnh quan thiên nhiên sắn có và bàn tay con người cải tạo xây đắp nên.

Đến nay, mặc dù các công trình kiến trúc ở đây và bản thân Hồ Tịnh Tâm đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục công trình xưa đã trở thành phế tích nhưng nó vẫn là di tích có giá trị nhiều mặt rất cần được chúng ta trân trọng, bảo tồn và tôn tạo thông qua các cứ liệu lịch sử hiện còn.

Được biết, năm 2001, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Bảo tàng LSVN đã tiến hành thám sát, khai quật khảo cổ học toàn bộ khu vực hai đảo Bồng Lai, phương Trượng (trong khu vực Hồ Tịnh Tâm) để tìm kiếm các dữ liệu, chuẩn bị cho công tác phục hồi di tích này.

Nay có dự án cải tạo Hồ Tịnh Tâm là điều cần thiết, nhưng nếu biến di tích này thành nơi để kinh doanh, với “hệ thống các cửa hàng xung quanh hồ, những phòng nghỉ giá rẻ” thì không những ảnh hưởng đến giá trị của nó mà còn vi phạm Luật Di sản văn hóa. Xin được lưu ý thêm, cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh TT-H có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ trong đó chỉ nói rằng “Dự án tôn tạo Hồ Tịnh Tâm” chứ không phải “Dự án Du lịch bảo tồn sinh thái-di tích Hồ Tịnh Tâm” với mục tiêu như đã đề cập trên. 

MỚI - NÓNG