Hình ảnh đọng lại của một Nobel văn học

Hình ảnh đọng lại của một Nobel văn học
TP - Việc Harold Pinter qua đời Đêm Noel 2008 không hẳn bất ngờ, nhưng là một cú sốc. Ông đã chống chọi với căn bệnh ung thư thực quản từ năm 2002.
Hình ảnh đọng lại của một Nobel văn học ảnh 1
Harold Pinter thời trẻ

Hình bóng và tiếng tâm tình của ông vẫn hiện diện khắp nơi, như một người bạn, một người thân của hầu như tất cả, nhất là ở Xứ sở sương mù. Lâu lâu, ông lại công bố một bài thơ được đón chào cảm động, dù nói về chuyện gì đều phảng phất đầy ám ảnh những vấn đề thời đại.

Năm 2006, tại London, ông diễn vở độc thoại Băng đảng cuối cùng của Samuel Beckett, khiến công chúng ngạc nhiên và giới phê bình ngợi khen. Ngày 15 tháng hai 2003, ông diễn thuyết ở Hayde Park, một triệu rưỡi người chung quan điểm chống chiến tranh Iraq với ông nuốt lấy từng lời và chốc chốc lại vỗ tay như sấm.

Hai năm sau, ngồi trong ghế bành, một tấm chăn phủ trên đầu gối, ông gửi đến Viện hàn lâm Thụy Điển ở Stockholm qua một băng video diễn từ Nobel văn học của ông, bản buộc tội dữ dội và đanh thép nhất nhằm vào giới quân phiệt hiếu chiến Hoa Kỳ.

Về sau, một số nghệ sỹ Anh và Pháp thường đem trình bày diễn từ ấy như một vở độc thoại hay trang trọng đọc nó trước đông đảo người nghe.

Dưới tiêu đề Nghệ thuật, sự thật và chính trị, bài diễn văn nhận giải Nobel đặc sắc bậc nhất ấy đưa ra những tư tưởng đáng giật mình và châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận. Ví dụ, ông nói sự thật trong sân khấu, chúng ta không bao giờ nắm bắt được, bởi lẽ nó không đơn nhất mà do nhiều yếu tố hợp thành.

Sự thật cần khám phá không bao giờ chỉ có một. Vì thế, tìm kiếm sự thật không hề dễ. Song le, những kẻ cơ hội không quan tâm đến sự thật, mà chỉ chú ý tới lợi lộc.

Dưới mắt ông, những kẻ cơ hội hàng đầu hiện tại là những thế lực cố tình gây bất ổn, như chiến tranh ở Trung Đông. Muốn đục nước béo cò, họ phải bưng bít sự thật, dù trước sau, sự thật cũng phát lộ. Cảm nhận đó khiến ông coi cựu thủ tướng Anh Tony Blair là “đầu óc toàn ảo tưởng”, George Bush thì là một “tội phạm chiến tranh”.

Ông từng tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Tôi dàn dựng, tôi thủ vai, tôi viết kịch, nhưng luôn luôn song song với dấn thân chính trị”. Ngày 13 tháng mười 2005, khi được thông báo về giải Nobel dành cho ông, ông hỏi ngay rằng có phải ông được khen tặng cả vì dấn thân chính trị chứ không chỉ thành tựu văn chương?

Harold Pinter sinh năm 1930 ở vùng ngoại ô Hackney của London, trong một gia đình Do Thái làm nghề thợ may nghèo. Cha mẹ vất vả lắm, các con mới không chết đói và được đi học.

Lên chín, ông ba lần phải sơ tán cùng gia đình, để tránh bom đạn phát xít. Lao động nhọc nhằn của cha mẹ và những người khốn khổ, bom đạn và những tội ác ê chề của chiến tranh, tất thảy ám ảnh ông suốt đời.

Trở lại Hackney, ông học trung học phổ thông và say mê diễn kịch Shakspeare cùng bạn bè. Đây là một nguyên nhân khiến ông chọn con đường trở thành diễn viên tương lai với tên David Baron.

Năm 1948, ông được vào học Trường nghệ thuật kịch hoàng gia và năm sau, ông từ chối làm nghĩa vụ quân sự, vì theo ông, “Đối với các cường quốc, dân thường chỉ là những con tốt đen. Tôi không chấp nhận góp phần vào cái trò thí tốt điên rồ đó”.

Năm 1950, ông công bố những bài thơ đầu. Năm 1951, ông thi đỗ vào Trường quốc gia nghệ thuật sân khấu. Cùng năm, ông gia nhập một đoàn kịch lưu động lừng danh với những vở kịch của Shakspeare.

Sau đó, ông tỏ rõ một tài năng toàn diện, sân khấu (diễn viên, đạo diễn, biên kịch), văn xuôi (tiểu thuyết…), thơ (tập Chiến tranh, 2003, được tặng thưởng), kịch bản (điện ảnh, truyền thanh và truyền hình).

Ông để lại nhiều tư liệu quý, trong đó có 12.000 bức thư ông viết trong nửa thế kỷ cho các bạn văn và nhà làm sân khấu đương thời, đựng trong 150 hộp các tông, được Thư viện Britsh London mua với  một triệu bảng Anh cuối năm 2007. Bộ phận quan trọng nhất trong sự nghiệp ấy là kịch mà ba đỉnh cao là Tiệc sinh nhật, 1957; Người gác cửa, 1959 và Trở về nhà, 1964.

Bề ngoài, kịch của Harold Pinter là một biến thái của kịch phi lý. Thực chất, nó là kịch phi-lý-hiện-thực. Và sau nửa thế kỷ, mãi cuối năm 2005, qua một giải Nobel, nó  mới được chính thức thừa nhận.

Kịch của ông thường không chủ ý gây cấn, đối thoại rời rạc như chẳng ăn nhập gì với nhau, mỗi vở có khá nhiều khoảng lặng…, Kịch của ông được trình diễn nhiều bậc nhất thế giới, và trình diễn đồng thời tại nhiều nơi, đánh dấu một bước tiến, một cuộc đổi mới của sân khấu, trước hết ở xứ sở Sương mù.

Các vở kịch của ông đều là những tác phẩm kinh điển. Không ngẫu nhiên, nhiều nhà chính trị tầm cỡ chăm chút thẩm thấu các sáng tác của ông, có phần hơn cả các học giả. Trong số này có cựu tổng thống CH Séc Varlav Havel và tổng thống Pháp đương nhiệm Nicolas Sarkozy.

Những lời chia buồn của nguyên thủ quốc gia Pháp thật chí lý: “Chắc hẳn suốt đời Harold Pinter đi tìm sự  thật của các kiếp người và các hoàn cảnh. Trong công việc viết văn cũng như  trong đời sống công dân của mình, ông truy đuổi không mệt mỏi sự ngu dốt của con người và những biểu hiện muôn vẻ của nó...

Giải Nobel năm 2005 là một sự ghi công muộn màng, tôn vinh sự nghiệp văn học không cùng của ông, nhưng cũng đội ơn sự quả cảm và dấn thân của một con người chống lại sự hung bạo dù nó núp dưới bất cứ hình thức nào, một con người chắc đã khước từ những tiện nghi của sự nổi tiếng, để quên mình như làm xiếc trên giây…”. Quả vậy, mới đây, ông không nhận tước hiệu hiệp sỹ mà Nữ hoàng Anh trao tặng.

Và thật thấm thía lời của bà vợ thứ hai Antonia Fraser, trong thông báo cái chết của ông: “Ông là một vĩ nhân. Đúng là một đặc ân, việc được chung sống cùng ông suốt hơn ba mươi ba năm trời. Ông còn mãi trong ký ức của tất thảy chúng ta”.

Vụ bê bối rầm trời năm 1977 vậy là được giải mã. Năm ấy, vợ ông, nữ diễn viên Vien Merchant, kết hôn 1956, nhất quyết đòi ly dị vì biết ông ngoại tình. Ông nhất định không chịu. Nhùng nhằng mãi rồi hai người chia tay. Năm 1980, ông tái giá với nữ nhà văn dành được độc quyền chăm sóc bậc kỳ tài lẫy lừng thế giới.

Dịp này, những người hâm mộ “ruột” của ông thót tim nhớ lại. Năm 1957, vở kịch thứ hai của ông, Tiệc sinh nhật, do mới lạ về quan niệm thẩm mỹ và thủ pháp sáng tạo, bị giới phê bình chỉ trích nặng nề và ác độc. Nó chỉ trụ lại được bảy buổi rồi bị đẩy vào hậu trường.

Ông hoảng hốt và thoái chí đến độ đã toan rời bỏ sân khấu, tìm đến một nghề khác. Nhưng vở tiếp theo thành công lớn. Tiệc sinh nhật được diễn lại và được khen ngợi không tiếc lời.  

Khuất Lệ Lan
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG