Hình ảnh Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân

Hình ảnh Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân
TPCN - Quyển tiểu thuyết lịch sử “Tây Sơn bi hùng truyện” của tác giả Lê Đình Danh do NXB Văn hóa Thông tin xuất bản vào quý II năm 2006.
Hình ảnh Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân ảnh 1

Không lâu sau đó trên một số báo đài và dư luận của độc giả quần chúng khen tác phẩm là: Tư liệu phong phú, mạch văn trong sáng, bút pháp dựng truyện hấp dẫn lôi cuốn người xem…

Mới đây Sở VHTT Bình Định có gửi công văn lên Bộ Văn hóa và các ban ngành liên quan đề nghị thu hồi tác phẩm này với lý do cụ thể là :

Tây Sơn bi hùng truyện viết không đúng sự thật lịch sử khi đưa ra chi tiết sau khi thành Phú Xuân thất thủ năm 1802, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đến thành Nghệ An đầu hàng quân Nguyễn Gia Miêu để cứu mẹ và con bị quân Nguyễn bắt.

“Tây Sơn bi hùng truyện” viết : Vợ chồng Diệu, Xuân liền quỳ mọp khấu đầu dưới trướng. Đặng Xuân Bảo thấy vậy mắng Diệu, Xuân (trang 586)

Diệu, Xuân bị sỉ nhục hổ thẹn cúi đầu (trang 586) Diệu, Xuân chỉ cúi đầu lê bước mà không dám nói gì (trang 587)

Diệu khấu đầu lạy rồi đáp: Tội của thần chết là đáng lắm mẹ thần đã ngoài tám mươi tuổi không làm hại cho xã tắc được. Xin bệ hạ tha chết cho mẹ thần dù xương tan thịt nát cũng muôn đội hoàng ân. (trang 592).

Những chi tiết trên là bịa đặt của tác giả, vì các tư liệu được biên soạn dưới triều Nguyễn và các sách liên quan đến lịch sử xuất bản gần đây… đều chép rằng sau khi thành Phú Xuân thất thủ thì hai tướng Diệu, Xuân bị bắt và đưa về Phú Xuân hành hình. Không có tư liệu nào ghi rằng hai tướng này đầu hàng hoặc hạ mình chịu sỉ nhục trước kẻ khác…

Với những chi tiết nêu trên, tác phẩm “Tây Sơn Bi Hùng Truyện” đã xuyên tạc lịch sử, hạ thấp nhân phẩm, xúc phạm anh hùng dân tộc…”.

Tôi đã đọc “Tây sơn bi Hùng truyện” và công văn của Sở VHTT Bình Định, với góc độ của một độc giả tôi xin đóng góp một số ý kiến:

Nếu nói là “không đúng sự thật lịch sử” thì trước tiên ta nên thống nhất quan điểm dựa vào tư liệu nào để công nhận đó là “sự thật lịch sử” ?

Tôi cho rằng sử liệu được biên soạn dưới triều Nguyễn Gia Miêu viết về triều Tây Sơn nếu đúng thì cũng không đủ thậm chí không viết hoặc viết sai sự thật vì họ không muốn những gì tốt đẹp của “kẻ thù không đội trời chung” được nhân dân biết đến.

 Có lẽ đại đa số các bậc thức giả đều đã công nhận điều này. Vậy tại sao chúng ta lấy nó làm chuẩn mực để kết luận đó là “sự thật lịch sử”?

Và cho rằng chi tiết hai tướng Diệu, Xuân ra hàng hy sinh chịu nhục để cứu mẹ là “bịa đặt” của tác giả (tại sao ta không dùng từ “hư cấu”) thì “Tây sơn bi hùng truyện” đã bịa đặt quá nhiều là khác:

Anh em Tây Sơn lập kế thả Hoàng Tôn Dương và Lý Tài; vợ chồng Diệu, Xuân liên minh với Võ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên là chú ruột của Bùi Thị Xuân; vua Quang Trung thả Tôn Sĩ Nghị và… v.v…

Theo tôi, trong khuôn khổ tiểu thuyết ta nên dùng từ “hư cấu” chứ không nên dùng từ “bịa đặt” để bài xích tác giả. Vấn đề được đặt ra là điều hư cấu đó đề cao hay xúc phạm danh nhân?

Người viết bài này, từ lúc còn đi học cho tới giờ rất say mê sùng bái vua Quang Trung và nhà Tây Sơn, đọc sử đến giai đoạn nhà Tây Sơn sụp đổ thì hầu hết các danh tướng Tây Sơn kẻ chết trận, người lánh mình ẩn cư, người tự vẫn để bảo toàn khí tiết thì vô cùng cảm khái! Duy có một điều cứ làm tôi thắc mắc là tại sao khi bị bắt vợ chồng danh tướng Trần, Bùi không

tự vẫn để giữ tròn khí tiết mà phải chịu giam cầm và chịu đưa từ Nghệ An đến Phú Xuân rồi chịu thọ hình? Đến khi tôi đọc được trong một tư liệu (viết bởi một người Pháp, không phải bởi sử gia triều Nguyễn) ghi lại lời Trần Quang Diệu xin Gia Long cho mẹ mình được sống thì tôi mới vỡ lẽ:  Đúng rồi! Trần Quang Diệu dám sống để chịu về Phú Xuân bị hành hình vì ông là người “đại hiếu”!

Theo tôi được biết quan điểm về khí tiết của người xưa, khi đại cuộc vỡ tan không thể nào cứu vãn được, người làm tướng thua trận mà không dám tự vẫn là hèn, dám tự vẫn là dũng, dám nhẫn nhục sống để thực hiện một lý tưởng cao cả là đại dũng.

Vậy tác giả “Tây Sơn bi hùng truyện” hư cấu chi tiết Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân ra hàng cứu mẹ là “hạ thấp” hay “đề cao” nhân phẩm của hai vị danh tướng này?

Tướng Tây Sơn ai ở trong hoàn cảnh tương tự nếu không thoát được đều tự hủy mình. Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân lại là một danh tướng tại sao không làm được như các vị tướng khác?

Phải vì một lý do cao cả nào đó khiến hai vị không tự vẫn, tác giả đã đề cao hai vị tướng Trần, Bùi là người đại hiếu chứ không hạ thấp họ. Nếu không vì lý do cứu mẹ để hai vợ chồng ông nghiến răng nhẫn nhục sống, mà đơn giản là bị bắt và đưa về Phú Xuân thọ hình lại chẳng dám tự vẫn thì hóa ra ông, bà là kẻ hèn sao?

Theo tôi cái đỉnh điểm của chất “bi” và “hùng” trong “Tây Sơn bi hùng truyện” đã được tác giả thể hiện trong chương 69 (trang 586 đến trang 598 quyển II) qua hai nhân vật Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân với đầy đủ nhân, hiếu, trí, dũng của bậc anh hùng! Anh hùng vì can đảm phi thường, can đảm phi thường vì “dám sống để thân xác bị hành hạ” còn ngàn lần khó hơn “dám chết”!

… Nếu không để ý đến văn mạch ta có thể “sa vào sai lầm ấy một cách chân thành” mà cắt đứt văn mạch để đọc vài dòng trong “Tây Sơn bi hùng truyện” mà chỉ thấy vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân “quỳ mọp… hổ thẹn cúi đầu” rồi kết luận là “Tây Sơn bi hùng truyện” đã “xuyên tạc sự thật lịch sử, hạ thấp nhân phẩm, xúc phạm anh hùng dân tộc” thì e rằng chưa được công tâm.

Hãy chịu khó đọc hết cả “đoạn văn” để thấy vợ chồng danh tướng này cắn răng chịu nhục là vì điều gì? Hãy nghe lời Võ Văn Dũng nói về vợ chồng Trần, Bùi “thương thay Trần huynh, Bùi tỷ! Tận trung, chí hiếu như thế là cùng”.

Hoặc: Bùi Thị Xuân thấy cảnh ấy dằn lòng không được toan mở miệng mắng Gia Long, Trần Quang Diệu ngăn lại nói nhỏ: - Vợ chồng ta ra hàng chịu nhục là để cứu mẹ nếu phu nhân mắng nó, nó giận giết mẹ ta thì sao? (trang 591 quyển II).

Và: Bùi Thị Xuân vùng đứng dậy chỉ mặt Gia Long mắng rằng:

….. - Tiên đế ta như hùm còn ngươi như cẩu…

….. - Ngươi rước ngoại bang tàn hại lương dân…

….. - Thằng tiểu nhân Phúc ánh…

….. - Con thà chết cùng cha mẹ còn hơn sống với lũ tiểu nhân kia (trang 593, 594, 595 quyển II).

Tôi, bằng suy luận của người yêu mến triều đại Tây Sơn và cảm nhận của một độc giả, tôi lại chỉ thấy hình ảnh danh tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân trong “Tây Sơn bi hùng truyện” của Lê Đình Danh mới đích thực là “Đại hiếu đối với nhà, đại anh hùng đối với nước”.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.