Hồ Gươm sẽ có 'Mây pha lê'?

Nhiều du khách không ngại bỏ 30 nghìn đồng mua vé xem Mây pha lê.
Nhiều du khách không ngại bỏ 30 nghìn đồng mua vé xem Mây pha lê.
TP - Sau gần 2 năm thực hiện, Mây pha lê - tác phẩm nghệ thuật cảnh quan hiếm hoi xuất hiện tại đồi “mâm xôi” của ruộng bậc thang La Pán Tẩn, Mù Căng Chải - Yên Bái gây tranh cãi sôi nổi. KTS Lê Việt Hà - người điều phối thuộc nhóm thực hiện dự án cho biết nhiều khả năng tác phẩm của hai nghệ sỹ Andy Cao và Xavier Perrot sẽ được đưa ra trình diễn tại khu vực Hồ Gươm.

Anh có thể làm rõ thông tin về thời gian trưng bày Mây pha lê?

Từ đầu chúng tôi đã định 2 tuần. Nói chung triển lãm không nên để lâu. Việc duy trì, bảo vệ, an ninh sẽ rất áp lực. Ngắn thì cũng sẽ quý hơn. Nhưng trên đấy có hai mùa lễ hội là nước đổ và mùa vàng. Địa phương cũng muốn để đến lễ hội mùa vàng, du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng được. Nếu để đến mùa vàng thì phải sau khi gặt (tức tháng 10) mới tháo tác phẩm để không ảnh hưởng đến việc bà con làm. Nhưng bây giờ cũng muốn trở về phương án bày trong thời gian ngắn, dỡ trước khi bà con cấy (trước trung tuần tháng 6). Rút cuộc vẫn chưa quyết định xong. Theo ý tưởng của nhóm tác giả thì tác phẩm đẹp nhất là lúc nước đổ vì có mặt gương gây ra các hiệu ứng ánh sáng. Khi lúa lên thì chỉ ngắm pha lê thôi.

Lúc bắt đầu xây dựng tác phẩm, các anh có lường được những nhận xét trái chiều?

Cũng có, nói chung làm ở những vị trí nhạy cảm luôn phải đón nhận những ý kiến khác nhau rồi. Giống như mình dựng tác phẩm gì đấy ở Bờ Hồ thì chắc chắn sẽ có ý kiến phản ứng. Chúng tôi muốn khai thông tư tưởng để công chúng đón nhận cái mới và để nghệ sĩ thoải mái sáng tác. Kể cả Hồ Gươm mình cũng muốn mọi người bày ra nhiều trò thú vị hơn nữa, chứ đi bộ không như thế buồn lắm. Quan trọng là nghệ sĩ được tự do sáng tác và thể hiện. Nếu không đời sống tinh thần của người dân cũng hạn hẹp theo.

Cặp nghệ sĩ này có định làm gì hoặc các anh có định mời họ tiếp tục làm dự án khác tại Việt Nam?

Cũng chưa biết. Đây là tác phẩm đầu tiên họ tự nguyện làm. Họ rất nổi tiếng nên nhiều nơi muốn mời. Cũng chờ duyên vì hai anh này hơi đặc biệt là không muốn nhận nhiều việc. Các dự án khác của các anh trên thế giới đều phải làm dài hạn, mấy năm nên đang chưa hợp lắm với khách hàng ở Việt Nam. Vì họ rất muốn làm cái gì đấy cho Việt Nam nên mới làm chơi vụ này. Hà Nội muốn các anh tham gia cái gì cho Hồ Gươm nhưng đang cân nhắc về thời gian lẫn ý tưởng.

Họ là nghệ sĩ cảnh quan, không muốn bị gọi là kiến trúc sư hay nhà thiết kế để rồi bị bó hẹp cả tự do sáng tác lẫn thời gian. Họa sĩ nghĩa là lúc nào thấy dồi dào cảm xúc thì sáng tác và không giải thích là tôi đang làm gì. Bao giờ xong mọi người mới thấy nó là cái gì. Chủ đầu tư nào hợp với họ chỉ cần ra đề bài hãy thiết kể cảnh quan khu vực này, họ sẽ tìm hiểu và sẽ ra đáp án chỗ này phải làm gì, như thế nào. Từ lúc nhận đề bài đến khi ra ý tưởng, họ phải được thoải mái nhất về thời gian và sự tự do.

Hồ Gươm sẽ có 'Mây pha lê'? ảnh 1 Andy Cao đứng giữa, cạnh Xavier Perrot và KTS Lê Việt Hà tại Lễ khai mạc triển lãm 
Mây pha lê. Ảnh: Vũ Hoàng Anh.

Có lẽ do Andy Cao mang dòng máu Việt nên mới có chút biệt đãi- làm tác phẩm miễn phí?

Cực kỳ yêu Việt Nam và muốn trở về làm nghệ thuật. Tôi từng đưa Andy đi thuyền ra tháp Rùa, anh nước mắt ròng ròng vì xúc động. Lúc lên đồi mâm xôi cũng gần đạt đến trạng thái cảm xúc đấy. Anh cảm thấy mọi thứ rất ruột thịt với mình. Những ý kiến hoài nghi về việc tác phẩm can thiệp vào thiên nhiên, thì nhóm tác giả cực kỳ tinh tế và còn có ý thức bảo vệ hơn mình nhiều. Mọi thiết kế giải pháp thực hiện (lắp ráp, tháo dỡ) đều được họ tính toán chi tiết để không thể ảnh hưởng xấu đến ruộng. Nên mọi người lo hơi thừa, mà chuyên môn thì chưa bằng họ.

Andy Cao và Xavier Perrot là hai nghệ sĩ cảnh quan (landscape artist) nổi tiếng thế giới, từng được giới thiệu trong cuốn 60 nhà sáng tạo làm thay đổi cái nhìn và cảnh quan của thế giới do Thames & Hudson xuất bản. Andy Cao (sinh trưởng tại Nha Trang) là người Mỹ gốc Việt đầu tiên nhận các giải thưởng uy tín Loeb Fellowship tại Trường Cao học Thiết kế Harvard và Rome Prize Fellowship của Viện Hàn lâm Hoa Kỳ tại Roma. 

MỚI - NÓNG