Hộ khẩu

Hộ khẩu
TP -Tôi nhớ trước đây mấy chục năm, kiếm được cái hộ khẩu Hà Nội khó hơn tìm vàng. Vượt cửa ngõ tỉnh lẻ, kiếm hộ khẩu Hà Nội có khác gì đứng trước bức tường bê tông. Cô Quỳnh diễn viên múa gốc gác Hà Nội, có nhà phố cổ, bố mẹ còn nguyên thế mà sau hàng chục năm lên miền núi cống hiến, hết duyên nghề, xin về nhập hộ với bố mẹ không được.
Hộ khẩu ảnh 1
 

Chính sách quản lý nhân khẩu đôi khi bất chấp tình ruột thịt. Chính sách ấy đã có thời nuôi béo mấy anh công an làm hộ khẩu. Tham nhũng đẻ ra từ chính sách.

Vậy là Hà Nội như miếng thịt nạc, ai cũng thèm, ai cũng muốn ăn?

Nhưng cũng không hẳn thế.

2- Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình lại được quay về Hà Nội dù quê gốc ngay bên bờ sông Đuống, thuộc huyện ngoại thành thủ đô. Vậy mà khi cơ quan tỉnh lẻ nơi tôi làm việc được nâng cấp trung ương, cả cơ quan chuyển về ngon như tóp mỡ.

Chúng tôi được bộ chủ quản phân cho mấy dãy nhà nát tường tooc-xi mái lá gồi ở mãi Cầu Giấy. Ban đầu mọi người thích thú “em thành người thủ đô” nhưng sau hai ba mùa trăng, một nửa xin trở lại rừng. Ngay cái quen đun củi, về Hà Nội chỉ đun than đã mất hứng khi cơm nước.

Điều kiện sinh hoạt của vùng đất đô thị chen chúc ngột ngạt không phải ai cũng chịu được. Lại thêm lối sống khác hẳn miền rừng, thế là chỉ năm sau, ba bốn người nối nhau rời chốn kinh thành. Họ nói cũng thật: Hà Nội của ai chứ không phải của mình. Cũng đúng thôi, chỗ ở chật hẹp, không vườn không con gà con lợn, rảnh rỗi chẳng có chỗ đụng tay. Sách vở đọc thì chỉ thêm buồn ngủ.

Ra khỏi thủ đô không khó như khi xin nhập, nhưng thủ tục cũng mất hằng năm vì đôi khi tỉnh lẻ cũng không cần người Hà Nội!

3- Không biết từ bao giờ có câu ca dao: Kinh đô cũng lắm kẻ rồ/ Man di cũng có sinh đồ trạng nguyên. Lại có câu: Người đôi ba đấng/ của đôi ba loài. Đấng gì loài gì tôi chưa biết nhưng hiểu rằng sự phân loại cũng đã có từ lâu. Có Hà Nội mũ cao áo dài quý tộc, cũng có Hà Nội buôn thúng bán mẹt, Hà Nội gầm cầu.

Lại có câu ca dao nghe rất kênh: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Mãi bây giờ tôi mới nghĩ ra, tại sao người Tràng An (kinh thành) lại tự hào vì chữ lịch (lịch lãm, thanh lịch). Có gì đâu, Tràng An là người tứ xứ lưu hợp, đâu có phải trong làng, ai cũng quen biết nhau đâu, nên gặp nhau không thể suồng sã, đất lề quê thói mà. Nơi đô hội toàn là dân năng động hoạt bát có tí tri thức kéo về phải trọng thị mới tiếp cận nhau được, dần tạo nên cái “lịch” chứ ghê gớm gì đâu.

Ngẫm ra thấy mỗi người có cái tạng hợp với từng nơi. Thôn quê, rùng núi, biển cả hoặc phố phường thủ đô- tùy thuộc vào rất nhiều thứ. Sống đến lúc nào đó thì mới thấy ở đâu cũng chẳng quan trọng khi đời hết bon chen. Sự bon chen chỉ làm mồi ngon cho bọn kiếm chác, nhiều khi cái giá rất đắt. Nhưng cuộc sống như con sóng vỗ bờ, sống là phải chạy dài như sóng, chứ biết làm sao.

Bài, minh họa: Đỗ Đức

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG