Hoa bưởi và hoa tầm xuân của thầy Hoàng Tiến Tựu

Hoa bưởi và hoa tầm xuân của thầy Hoàng Tiến Tựu
TP - Khi chuẩn bị loại ai ra khỏi cuộc sống mơn mởn của họ, cần phải “xét nghiệm” cực kỳ kỹ lưỡng trước khi ra quyết định cuối cùng. Thầy Tựu của tôi đã làm “xét nghiệm” đó!

Tôi rất ít khi mơ về thầy giáo cũ của mình nhưng thầy Hoàng Tiến Tựu thì tôi vừa thấy ông cách đây mấy tuần, sau khi nhận lời viết bài này.

Tôi thấy ông ngồi quanh dãy ghế vòng cung trong một hội trường, như cái bar mênh mông trong một nhà hát lớn, nhiều đồng nghiệp ông (và là thầy giáo cũ tôi) có mặt, tôi mang thuốc lá tới mời họ và mời ông, ông không hút, cười. Nhưng ông cầm một điếu nói để cho một ai đó nghiện thuốc lá.

Buồn cười thay là tôi đã bỏ thuốc lá được 12 năm, trước khi  du học sang đây, và cái thuốc lá tôi mời rõ ràng là một loại thuốc lá “có cán” dổm (tức có đầu lọc, như ngôn ngữ những năm 80).

Tôi tự hỏi mình trong mơ, bây giờ thiếu gì thuốc, làm gì còn thuốc dổm, tôi ở Mỹ về, mà sao tôi lại có thuốc này. Phải chăng “thuốc có cán” cũng là một ước mơ một thời của tôi và cả một dân tộc?

Chịu! Chỉ có giấc mơ mới trả lời được giấc mơ! Đêm thành phố San Francisco, tôi thấp thức mãi, lần bước mãi về những dấu chân xưa trường Đại học Sư phạm Vinh, về cái giếng trước ký túc xá, về cái lỗ thủng phòng tôi mà chúng tôi gọi là ti vi để nhìn trộm các bạn gái phòng bên, về một trong những thầy giáo mà tôi yêu, tôi nần nợ nhiều nhất!

Khoảng năm 1992 hay 1993 gì đó, lúc ấy tôi đang là phóng viên tuần báo Văn nghệ thường trú ở thành phố Hồ Chí Minh, một buổi trưa thật là cô độc, vì sắp sửa phải nghỉ việc, đã được Nguyễn Duy thông báo cho hay rằng báo chủ quản ở Hà Nội “giải tán nhóm phóng viên thường trú văn phòng đại diện miền Nam…” trong vòng một tháng tôi phải tự kiếm việc làm mới.

Bỗng nhiên, tôi nhớ tới thầy. Cái cay đắng của một kẻ bị loại ra ngoài rìa làm cho tôi cháy lại quá khứ cũ. Tôi gọi về trường Vinh, khoa Văn và được biết thầy đã chuyển ra Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Tôi liền tìm số điện thoại thầy qua tổng đài, một ấm áp xưa khẽ khàng vào tôi, ông dường như không ngạc nhiên lắm khi nghe tôi gọi.

Tôi khoe ông nào tôi đã làm được việc này việc kia, in mấy tập thơ, nào đồng nghiệp và là trưởng đại diện cơ quan tôi là đồng hương ông, nhà thơ Nguyễn Duy.

Ông cũng báo cho tôi hay là ông vẫn đọc báo Văn nghệ và đọc cả các phóng sự của tôi nữa. Ông có một cuốn sách sắp ra ở Nhà xuất bản Giáo dục sẽ gửi biếu tôi… Tôi nói chuyện với ông “khoe” thành tích mà không dám “khoe” không thành tích, tức sắp mất việc!

… Đó là mùa hè năm 1983, hè đầu tiên của khóa 23 khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh (3 năm sau cũng hè thế, hè tốt nghiệp ra trường, tôi cùng các bạn 23 Văn bẻ một nhành hoa phượng còn tươi rói, viết một bài phú và làm một nghi lễ lãng mạn nhất trong đời là cúng vĩnh biệt hoa phượng, vĩnh biệt cuộc đời sinh viên, lao vào cái “sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây” của Nguyễn Bính).

Hè đầu nhưng là hè đau đớn nhất trong đời tôi, vì trước đó vài tháng tôi đã bị… đuổi học! Trong kỳ đi sưu tập văn học dân gian ở Diễn Châu, với tư cách là lớp phó ngay trên sân khấu biểu diễn văn nghệ dân gian, tôi đã tát một anh chàng trong lớp, chỉ vì gần đến giờ mở màn mà anh này vẫn giành micro đứng tán nhăng tán cuội như bán thuốc dạo, không chịu trả cho tôi và ban tổ chức.

Họp lớp, có tham dự của trưởng phó đoàn, biểu quyết hình thức kỷ luật, 24/23 cánh tay đồng ý đuổi, còn lại là cảnh cáo.

Đêm ấy, bên cây rơm đằng sau căn nhà trọ của một cô bạn thân, cô ấy khóc đau xót. Tôi nhớ đến thót cả ruột những âm thanh ấm ức ấy. Hơn 20 năm sau, lần đầu tiên về lại Việt Nam tôi tìm đến nhà cô, sau Tết, nhà một cô giáo, Phan Hoa, có chồng cũng là bạn cùng lớp của chúng tôi, Bình ở Yên Thành, trước mặt Bình chuốc rượu cho tôi uống, sau lưng Hoa đứng nhổ tóc bạc cho tôi, hình như tôi thấy xa xa ngoài cánh đồng căn nhà Hoa – Bình cũng có một cây rơm…

Sau cú tát tai, và rừng tay biểu quyết, tôi lê lết về với ba mẹ tôi, Đông Thái, một làng quê nghèo bên dòng sông La cũng nghèo phù sa cho nên gần như bốn mùa trinh khiết ngăn ngắt như nước mắt của người mẹ họ Phan cùng cha còng lưng bốc vác nuôi con, cho con khôn lớn đi học để bị đuổi học. Cảm giác cay đắng ấy được lặp lại y chang 20 năm sau khi tôi mất việc ở báo Văn nghệ.

Bị đuổi, tôi tìm đến thầy Tựu, khi đó là chủ nhiệm khoa Văn, một trong ba thầy cô giáo ảnh hưởng nhất đến tương lai nghề nghiệp tôi. Lúc ấy, tôi đã tập tọng làm thơ, bắt đầu có thơ đăng báo, và chính thơ làm tôi tự tin tìm đến bất cứ ai mà tôi ngưỡng mộ. Và tôi đến ông, nói chuyện với ông, khoe ông tất cả những gì mình viết được.

Ông to đùng hiền hậu, ngạc nhiên thay, vợ ông lại nhỏ bé cực kỳ lặng lẽ sau ông như là cái bóng của người chồng cùng 2 đứa con trai sinh đôi (tên Đông và Sơn) giống bố gương mặt giống mẹ hình dáng. Ông hiểu nỗi đau tôi và tôi là thế nào.

Dạy văn bằng chính cảm xúc văn học

Hè ấy, bằng cái xe đạp rách tôi đạp qua đạp lại Đức Thọ - Vinh đến mòn một vệt hun hút trái tim tôi tới tận phút này, với một hy vọng sống sót khôn lường…

Nhà văn, nghệ sĩ piano Mỹ, người từng đoạt hai giải thưởng cao nhất về văn học Mỹ (Pulitzer Prize và National Book Award) Edmund Morris, phỏng vấn một nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng thế giới rằng, nếu một người mẹ có tiền sử sinh 4 đứa con đã chết yểu vì chồng nghiện rượu nặng, nay có thai đứa thứ 5, theo ý bà thì bà ấy nên đối xử với cái thai kia thế nào;

Nhà hoạt động nữ quyền đã không ngần ngại phán “nên bỏ cái thai ấy đi!”. Morris mỉm cười “thưa bà, thế là bà đã giết Beethoven, và chúng ta đã không được nghe hàng trăm tác phẩm vĩ đại của ông ấy”.

Tôi không hề muốn tự biến mình thành lố bịch khi so sánh tôi với Beethoven, nhưng tôi muốn nói tới một nỗi cay đắng rằng, khi chuẩn bị loại ai ra khỏi cuộc sống mơn mởn của họ, cần phải “xét nghiệm” cực kỳ kỹ lưỡng trước khi ra quyết định cuối cùng. Thầy Tựu của tôi đã làm “xét nghiệm” đó!

Xong hè, trở lại trường với nỗi đau đè nặng lồng ngực, những ngọn cỏ sân bóng đá kia tôi sẽ chẳng bao giờ được chạm vào mỗi chiều, cái bàn đánh bóng bàn kia chẳng còn lóc cóc mỗi bữa. Nhìn các bạn cùng lớp “được” đi lao động hè trước khi vào năm học mới, tôi thèm làm sao cái nặng mà họ được gánh, mồ hôi cùng họ được rỏ. Tôi thèm cái từ “sinh viên” mà tôi đã để tắt trong môi tôi khi chỉ mới một mùa măng non.

Tôi vẫn đến lớp để nhận cái lưỡi đao chém vào cổ mình nhát cuối cùng. Phựt. Thầy Tựu bảo hồ sơ biên bản kỷ luật nộp cho thầy đã bị thất lạc, nên với tư cách chủ nhiệm khoa, ông đề nghị lớp họp lại và biểu quyết lại, gần như 100% đề nghị cảnh cáo, hoặc khiển trách, thậm chí “nạn nhân” cái tát cũng ân hận viết đơn xin tha tội cho tôi, chỉ có mấy phiếu vẫn quyết tâm “tử hình”.

Thầy ơi thầy, lúc em viết những dòng này, em nhớ tới 22 năm trước ở một ngôi trường cấp 3 đầy mít và phượng ở thành phố Pleiku bé nhỏ, trưa nào đang lơ mơ ngủ em cũng nghe tiếng “thầy ơi” tha thiết! (Học sinh gọi tôi để lấy chổi quét lớp, vì các em lớp tôi chủ nhiệm vẫn thường gửi ở phòng thầy để khỏi mất công mang về nhà).

Và mỗi lần em nghe tiếng “thầy ơi” em lại cực kỳ xúc động. Em biết rằng, chính thầy 26 năm trước đã giành giật lại âm thanh yêu thương ấy cho em!

Thế nhưng, giáo sư Hoàng Tiến Tựu chỉ cứu tôi khỏi bị đuổi học để thành một ông giáo dạy phổ thông trung học, rất có thể giờ đây đã dành dụm mua nổi một miếng đất ở một góc khuất cong cong hình chữ S nào đó, nếu như… ông không dạy văn học dân gian (dạy ngoại khóa) cho tôi, cái phần học hiếm hoi ở Đại học Sư phạm Vinh mà tôi còn nhớ đến phút này.

Ông là người dạy văn học bằng chính cảm xúc văn học. Nói điều đó nghe đơn giản nhưng thực ra đó là cả một thiên bẩm và rừng núi khó khăn. Ông dạy ca dao, bằng chính cảm xúc chân thành nhất, giản dị nhất của không chỉ trái tim bình dân mà cả cấu trúc nghệ thuật không có ý thức cấu trúc của dân  gian.

Mỗi giờ dạy của ông làm cho sinh viên cảm thấy ngắn vô cùng, vì sinh viên bị cuốn vào một không khí lãng mạn giàu trắc ẩn của người nông dân Việt Nam nghèo khó mà nhân hậu. Ông thường ngồi mà “trèo lên cây bưởi hái hoa”, mà “nói mình vẫn còn son/ ta đi qua ngõ thấy con mình bò…”, có khi ông vừa ngâm nga vừa gãi lưng nữa!

Thầy Tựu đã không dạy cho sinh viên biết ca dao chống phong kiến, hoặc ca dao lao động sản xuất hay thế nào, mà thầy đã dạy cho sinh viên rằng cái hay của thơ ca chính là xúc cảm. Từ xúc cảm thực của số phận mong manh con người đến xúc cảm được cấu trúc trong một tổng thể nghệ thuật. Đó là điều quan trọng nhất mà tôi nhận được từ ông, từ trường Vinh.

Như một broadband, công cụ nhận tín hiệu wi - fi, tôi và các bạn sinh viên khác được kích và nhận tín hiệu xúc cảm nghệ thuật từ ca dao dân ca đến các giai đoạn khác cùng các loại hình nghệ thuật khác.

Là nhà thơ, hơn ai hết, tôi biết được giá trị vô giá đó, từ hái một nụ hoa trên cây bưởi, lượm một ánh trăng vàng lẫn mồ hôi nước mắt mẹ cha đêm nao tát nước ven đàng, đến tất cả những gì hôm nay, cầu Golden Gate, rừng thông đỏ ngàn tuổi Muir Woods của thành phố San Francisco, và các chân trời thế giới năm châu khác…

Nguyễn Đỗ

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.