Hoa hậu chưa từng mua quần áo giá nghìn đô

Hoa hậu chưa từng mua quần áo giá nghìn đô
TP - Hoa hậu các thành phố biển năm 1999, người có gương mặt đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2000... thế mà lại xa lạ với khái niệm “hàng hiệu”, “hàng xa xỉ phẩm”. Nhật Mai vẫn chứng minh được: mình đẹp không cần nhờ vào các phụ kiện ngoại thân ấy.
Hoa hậu chưa từng mua quần áo giá nghìn đô ảnh 1

Sự tự tin vào những giá trị tinh thần của bản thân khiến Mai luôn thu hút. Ngay cả trong cuộc sống thường nhật, chẳng cần cố gắng để đóng vai “đại gia”.

Đã từng là một Hoa hậu, thói quen tiêu xài của Nhật Mai gần mức độ nào hơn: tự cho phép mình hoang phí, tiết kiệm hay thắt lưng buộc bụng?

Đôi khi Mai cũng tự cho mình cái quyền "hoang" một tí vào ngày đầu tháng. Nhưng Mai không phải tuýp người sẵn sàng trút hầu bao vào những thứ không thực sự cần thiết. Tất nhiên sự tính toán chi tiêu cũng không đến nỗi "đếm củ dưa hành".

Tóm lại, Mai thấy mình là người có không quá sa đà vào chuyện tiêu tiền bởi thực tế là bản thân mình cũng không kiếm ra quá nhiều tiền để thỏa sức tiêu xài.

Trong những trường hợp như thế nào thì Nhật Mai không kìm được rút tiền ra khỏi ví?

Khi thấy 2 chiếc váy trẻ con giống nhau yêu không chịu được, một cái vừa với đứa lớn và cái kia chắc chắn trông sẽ rất đáng yêu với đứa nhỏ.

Tiền bạc chiếm vị trí thế nào trong cuộc sống của Mai hiện nay?

Tiền bạc là yếu đố "đầu tiên" trong việc giải quyết hầu hết mọi vấn đề, và nó chiếm vị chí tối quan trọng trong cuộc sống và tâm lý của tất cả mọi người, Mai cũng vậy thôi.

Trước mọi kế hoạch và dự định, bạn đều phải quan tâm đến tiền và khả năng chi trả. Mọi sự mưu sinh, bươn chải trong cuộc sống để mưu cầu no đủ, hạnh phúc đều bắt nguồn từ thực tế đơn giản: tiền bạc và những thức liên quan đến nó.

Nhưng nếu ý bạn hỏi rằng Mai có sẵn sàng làm hoặc đánh đổi mọi thứ vì tiền hoặc để có tiền thì câu trả lời của Mai là không.

Mai là người sống tự lập từ nhỏ, không có thói quen phụ thuộc và dựa dẫm. Khi có gia đình 2 vợ chồng cùng chia sẻ trách nhiệm lo toan cho gia đình với tất cả những nhu cầu sinh hoạt chung của cả nhà.

Với những khoản đầu tư cho con, Mai có nguyên tắc dành dụm bất biến không?

Ở tuổi của các cháu, chưa gây áp lực cho bố mẹ về những khoản đầu tư lớn nên Mai chưa có kế hoạch riêng cho những khoản dành dụm này. Nhưng Mai nghĩ rằng ở mỗi giai đoạn, mỗi vị trí khác nhau, nguồn thu nhập sẽ khiến bạn thay đổi những dự định của mình.

Bố mẹ luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cái, và nếu điều kiện kinh tế trong tương lai cho phép thì chắc chắn cả gia đình sẽ có phương án tốt nhất để các con có những khoản đầu tư cho tương lai.

Khoản chi nào chiếm số lượng lớn nhất trong gia đình Mai?

Khó đây (cười). Mai không chi tiết đến mức có thể trả lời cụ thể câu hỏi này được rồi. Nhưng Mai nghĩ những chi tiêu trong gia đình mình không có gì "cá biệt".

Những vật dụng sinh hoạt thiết yếu cho gia đình, sữa, quần áo cho con và các thực phẩm cần thiết cho bữa ăn hàng ngày.

Mỗi năm cố gắng có một hoặc hơn những dịp cả gia đình đi đâu đó trong nước du lịch vài ngày, và tất nhiên là có cả những thứ mà mẹ hay bố chúng khó "cầm lòng": mỹ phẩm, quần áo và ...cafe.

Một người quan trọng dạy Mai về cách chi tiêu hợp lý?

Mai không phải là người sống trong "nhung lụa". Tuổi thơ và rất nhiều kỷ niệm của gia đình Mai gắn với những ngày khó khăn, thiếu thốn. Mai nhớ các bữa ăn có chút "đạm", bố hoặc mẹ vẫn hồi tưởng về những ngày cơ cực mà ông bà đã trải qua trước đó.

Không dạy bằng lời nhưng Mai biết rằng bố, mẹ đã rất vất vả và chắt chiu để nuôi con cái trưởng thành.

Khi còn đi học, Mai cũng đã có lúc chiều chuộng những nhu cầu rất "thanh niên", cũng đã từng có tên trong "sổ nợ" mua bán trước cổng trường và viết thư về xin tiền mẹ.

Sau này khi trưởng thành hơn mới hiểu những lúc như vậy bố mẹ đã lo lắng và ưu tư như thế nào khi con cái mình vô lo và quá hồn nhiên tiêu những đồng tiền mình chưa hề kiếm được.

Món quà quý nhất mà ông, bà muốn nhận từ con cái mình không phải những khoản tiền to, nhỏ mà là biết rằng con cái mình đã thực sự lớn khôn, biết quý trọng đồng tiền và không làm gì để phải xấu hổ phải cúi mặt trước người khác.

Hoa hậu chưa từng mua quần áo giá nghìn đô ảnh 2

Khủng hoảng tài chính có ảnh hưởng đến cách chi tiêu của Mai?

Tất nhiên rồi, giá cả chợ búa và mọi sinh hoạt phí đều tăng, có một số nhu cầu phải thu hẹp lại. Mai cũng giống những bà nội trợ khác thôi mà!

Nếu con có những đòi hỏi hơi sớm về tiền bạc, Mai đối thoại với chúng như thế nào?

Sẽ ngồi xuống, thủ thỉ với chúng những lời lẽ sao cho "dễ nghe" nhất để các cháu nhận ra rằng ở tuổi của mình, nhắc đến chữ tiền thế nào là hợp lý và phân tích cho chúng hiểu ở tuổi của con, mẹ đã thế nào.

Cân bằng sự giúp đỡ hai bên nội ngoại là bài toán khó với nhiều cô dâu, Mai thì sao?

Bố mẹ của Mai tuy không dư dả gì nhưng lại rất hay ngần ngại mỗi khi nhận quà biếu là tiền từ con cái. Ông bà luôn lo lắng sống trong thời buổi này, với rất nhiều thứ phải chi tiêu, các con chưa chắc đã đủ và luôn tìm cách "cho lại" hoặc mua quà cho các cháu.

Còn ông bà nội thì vẫn đi làm nên "cô dâu" này chưa có dịp "giải bài toán khó".

Những cặp vợ chồng hiện đại thích quan điểm tài chính minh bạch, nghĩa là hồn ai nấy giữ, chỉ đóng góp những khoản chi tiêu chung, nhà Mai “cổ điển” hay “hiện đại”?

Gia đình Mai hả, "tân cổ giao duyên" (cười)

Có cảm giác áy náy nếu mình mua một cái túi giá nghìn đô vào thời điểm này không?

Mai chưa bao giờ bỏ ra nhiều tiền như vậy cho một món đồ trang sức hay quần áo. Với Mai, hàng hiệu là thứ phù phiếm. Mai chỉ mua sắm những thứ giá tiền vừa phải và hợp với bản thân mình.

Và nếu có ai đó "nhỡ" tặng Mai những món đồ giá trị như vậy, có khi Mai sẽ áy náy thay cho họ!

Săn hàng sale-off là cách nhiều phụ nữ lựa chọn để vừa có thể ”à la mode” mà vẫn không bị thâm hụt ngân quỹ, Mai có đủ thời gian cho thú vui này?

Mai không săn nhưng nếu vô tình gặp và trong túi còn tiền thì tại sao không?

Nhật Mai đi chợ sẽ mặc cả như thế nào?

Cũng tùy từng mặt hàng. Nếu đã đi chợ hàng ngày thì ở ngóc ngách nào cũng có những bà chủ quen đon đả. Mà khi đã đon đả thì với những thứ rau dưa thịt thà thì có khi không cần mặc cả nữa, họ cũng cần giữ khách mà mình lại thiếu thời gian.

Còn khi mua sắm những thứ khác ở những chỗ cần mặc cả thì ta cũng mặc cả như bao người cho "phải phép".

Giữa hai lựa chọn: trường Tây cho con để bố mẹ nhàn nhưng chi phí đắt và trường ta rẻ song bố mẹ vất vả hơn, Mai chọn cho con mô hình nào?

Mai đang chọn trường "ta" cho cả cháu lớn lẫn cháu nhỏ và không phàn nàn gì về những nỗi vất vả rất đáng hạnh phúc này cả.

Có lần Mai nói rằng mình không rành về thời trang. Mai có thể bỏ ra bao nhiêu phần trăm thu nhập một tháng cho thú vui xa xỉ này?

Có tháng không xu nào, có tháng cũng đến 1/4 lương cơ đấy.

Hãy chia sẻ với độc giả những cách tiết kiệm hiệu quả mà Mai đã áp dụng?

Không có bí quyết nào cả. Nếu thấy ngân sách đã gần "cạn" mà còn những nửa tháng nữa mới đến ngày nhận lương thì phải tự làm "thui chột" nhu cầu sắm sửa cá nhân đi thôi chứ làm gì được nữa!

Nếu cần một khoản tiền lớn cho một việc quan trọng của gia đình, Mai sẽ bắt đầu từ đâu?

Nếu đã là việc của gia đình thì chắc chắn không chỉ mình Mai phải đứng ra lo liệu. Bắt đầu từ việc cả gia đình ngồi lại với nhau và bàn bạc xem nên giải quyết thế nào cho ổn thỏa nhất.

Đi mua hàng, biết là bị “chém” Mai sẽ phản ứng thế nào?

Nhịn thôi, họ đã muốn chém mà mình không có vũ khí gì "sắc bén" thì coi đấy là bài học nhớ đời để rút kinh nghiệm. Mai nhát lắm!

MỚI - NÓNG