Hoa hậu Ngọc Hân lỡ hẹn đêm Đại lễ vì tắc đường

Hoa hậu Ngọc Hân lỡ hẹn đêm Đại lễ vì tắc đường
TPO - Tối 10 - 10, mọi ngả đường dẫn tới sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) tắc nghẽn bởi "biển" người đổ về xem pháo hoa mừng Đại lễ. Đường phố kẹt cứng người và xe, nhiều khách mời đặc biệt, trong đó có Hoa hậu Ngọc Hân cũng đành lỡ hẹn với đêm nghệ thuật đặc biệt.

>> Hàng chục người ngất vì chen xem pháo hoa
>> Đêm hội pháo hoa rực rỡ mừng Thủ đô nghìn tuổi

Video: Tắc đường nghiêm trọng ở Mỹ Đình

Một trong những khách mời đặc biệt của đêm Đại lễ là Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân, cũng không thể có mặt trong buổi ca nhạc nghệ thuật đặc biệt "Thăng Long Hà Nội - Thành phố Rồng bay", diễn ra tối 10-10 tại sân Vận động Mỹ Đình.

Theo kịch bản, Ngọc Hân mặc bộ áo dài của nhà thiết kế Anh Thư, vào vai tiểu thư Hà thành đầu thế kỷ 20, dạo quanh sân khấu trên chiếc xe kéo.

Sáng nay, 11 - 10, Hoa hậu Ngọc Hân cho biết, 16h hôm qua, cô lên đường tới sân vận động Mỹ Đình nhưng không thể vào được, dù chỉ cách sân 500 m. Đoàn xe của một số quan chức gần chỗ Hoa hậu cũng phải dừng lại, không thể vào trong sân vận động. Tới 1h sáng ngày 11 - 10, Ngọc Hân mới về tới nhà.

Không nên bắn pháo hoa ở một điểm

Trước cảnh tắc đường, chen lấn, xô đẩy trong đêm 10 - 10 quanh sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, cách tổ chức đã bộc lộ khuyết điểm, và không nên bắn pháo hoa ở một nơi.

Thưa ông, khi đến được sân Mỹ Đình này, khán giả đã phải vượt qua cả “biển người” bên ngoài. Ông có ý kiến gì về điều này?

Hoa hậu Ngọc Hân lỡ hẹn đêm Đại lễ vì tắc đường ảnh 1
Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Việc tổ chức đêm hội đã đạt được nhiều thành công, tuy nhiên, cũng bộc lộ thiếu sót. Không nên bắn pháo hoa ở một điểm. Sở dĩ người ta đến đông là vì muốn xem pháo hoa. Rút kinh nghiệm lần sau, chúng ta nên tổ chức ở nhiều địa điểm.

Có ý kiến cho rằng, việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa ở Hà Nội có khi là “con dao 2 lưỡi”, vì người dân nơi khác (kể cả sinh viên học ở đây) thấy rằng, ở Thủ đô được thưởng thức nhiều hoạt động nghệ thuật, nên họ không muốn ở quê mà “tràn về” Hà Nội. Ông nghĩ sao về điều này?

Khó có thể nói là “con dao hai lưỡi”, vì nếu thế thì không tổ chức các hoạt động văn hóa à?

Tại sao chúng ta không tổ chức các hoạt động nghệ thuật hay, đặc sắc ở các địa phương khác, như là các hoạt động đã diễn ra ở Hà Nội?

Tất nhiên, bên cạnh phát triển hài hòa về kinh tế thì cần chú ý đến văn hóa. Nhưng đó là lý thuyết mong muốn. Còn từ lý thuyết đến thực tế còn nhiều vấn đề. Từ lần sau, cần tổ chức nhiều sự kiện ở nhều nơi, để người dân tiện theo dõi.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG