Hoa hậu Việt Nam cần giữ được vị thế “tạo nguồn”

Hoa hậu Việt Nam cần giữ được vị thế “tạo nguồn”
TP - Chia sẻ với báo Tiền Phong, giáo sư sử học Dương Trung Quốc cho rằng mốc 20 năm tồn tại và phát triển đang mở ra cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam một cơ hội lớn để thay đổi nhằm tiếp tục giữ vững vị thế đi đầu, “tạo nguồn” của mình.

  

Hoa hậu Việt Nam cần giữ được vị thế “tạo nguồn” ảnh 1
Giáo sư sử học Dương Trung Quốc

Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, ông có nhận xét gì về các cuộc thi hoa hậu được tổ chức ở Việt Nam hiện nay?

 

Có thể thấy ngay là số lượng và hình loại các cuộc thi hoa hậu ngày một nhiều và đa dạng. Đã có người nói đến “dịch thi hoa hậu”. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là không nên hạn chế nhưng phải tránh “lạm phát”, hiểu theo nghĩa phải coi trọng chất lượng, nói cách khác là phải mang tính chuyên nghiệp hơn. Chuyên nghiệp cả 2 phía, người tổ chức và người tham dự.

 

Ngày càng có nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức, ông đánh giá như thế nào về những điều mà cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức đã làm được?

 

Chắc chắn Hoa hậu báo Tiền Phong với 20 năm duy trì và phát triển vẫn là “thương hiệu” thâm niên và đương nhiên cũng ngày một mang tính chuyên nghiệp hơn nhờ kinh nghiệm và uy tín. Đóng vai trò như tên gọi của tờ báo, lại là nơi tập hợp giới trẻ, những ưu thế ấy vẫn được thể hiện trong các cuộc thi định kỳ của Tiền Phong.

Tuy nhiên, trên mặt bằng chung của thời kỳ hội nhập khi trong 3 năm liền đã và sẽ có 3 cuộc thi hoa hậu thuộc lại đẳng cấp toàn cầu (Hoa hậu Hoàn vũ 2008, Hoa hậu Quý bà 2009 và Hoa hậu Thế giới 2010), cùng với sự nỗ lực của những “thương hiệu” khác , Hoa hậu Việt Nam của báo Tiền Phong nếu không nỗ lực sẽ không còn vị thế như đã có cho đến nay.

 

Trải qua một chặng đường dài 20 năm tồn tại, theo ông, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam của báo Tiền Phong cần phải có sự thay đổi như thế nào?

 

Trước hết tôi muốn nhắc lại rằng chất lượng các cuộc thi của Tiền Phong vẫn giữ được vị thế hàng đầu nếu hiểu theo nghĩa mang tính rộng rãi với quy mô toàn quốc. Ấn tượng về hoa hậu đầu tiên Bùi Bích Phương cách đây 20 năm vẫn sâu sắc. Diệu Hoa ở tuổi ngót nghét tứ tuần vẫn đạt được đẳng cấp cao ở cuộc thi Hoa hậu các Quý bà 2008. Đương kim hoa hậu Mai Phương Thuý vẫn tiếp tục gây ấn tượng bằng các hoạt động từ thiện và nghệ thuật.

 

Nhưng như trên đã nói, “mặt bằng” của các cuộc thi hoa hậu ở nước ta đã khác, nếu Tiền Phong thoả mãn với cái mình đã có thì sẽ tụt hậu lúc nào không biết. Các bạn vẫn phải giữ được vị thế “tạo nguồn” vì đến nay chỉ có Tiền Phong mới xứng danh xưng “Miss Việt Nam”. Còn nhiều cuộc thi khác tuy cũng rất đặc sắc nhưng đều đi theo những chủ đề nhất định, ví như “Hoa hậu những miền đất võ” mới đây trong Festival Bình Định hay “Hoa hậu các Dân tộc” ở Đà Lạt năm ngoái chẳng hạn.

 

Do vậy, cuộc thi Hoa hậu do báo Tiền Phong tổ chức nên tạo một cơ hội để quy tụ tất cả các danh hiệu của các cuộc thi khác, bên cạnh cách “chiêu sinh” truyền thống. Tôi cũng có cảm giác là đã đến lúc chín muồi để tập hợp những nhà tổ chức lại với nhau thành một “hiệp hội” để có sự phối hợp, bổ sung lẫn nhau...cho dù cạnh tranh vẫn là một động lực tích cực.

 

Các cuộc thi Hoa hậu hiện nay ngày càng có sự đổi mới trong tiêu chí đánh giá chứ không chỉ gói gọn trong công - dung - ngôn - hạnh. Ông nhận xét như thế nào về những gương mặt hoa hậu đăng quang trong những năm gần đây?

 

“Công-Dung-Ngôn-Hạnh” chỉ là cách sử dụng từ ngữ để làm “đậm đà bản sắc dân tộc” thôi. Bởi vẫn là những tiêu chí ấy thì nội hàm cũng khác rồi. “Ngôn” không chỉ là “lời ăn tiếng nói” cho thanh lịch mà phải thể hiện sự thông minh, hiểu biết, kể cả năng lực giao tiếp thời hội nhập (ngoại ngữ chẳng hạn).

 

Nếu đạt vương miện trong nước  rồi đại diện thi đấu trên đấu trường quốc tế thì đương nhiên  ngoại ngữ phải được coi là một trong những điều kiện mang tính tiên quyết. Đây là tôi nói đến các cuộc thi mang tính chuyên nghiệp đạt được “chuẩn quốc gia”, còn những cuộc thi mang tính phong trào thì không nhất thiết đòi hỏi quá cao.

 

Trước đây các Hoa hậu không thật sự nổi trội về sắc vóc (chỉ cần cao trên 1m6 cũng đã có cơ hội đăng quang), nhưng nay có những Hoa hậu cao đến trên 1m8 như Mai Phương Thúy và yếu tố ngoại hình cũng được chú trọng hơn. Ông nhận xét như thế nào về nhan sắc của các Hoa hậu Việt Nam trong thời kì hội nhập?

 

Đã có những công bố về sự thay đổi về hình thể học của người Việt Nam cho thấy các chỉ số đều tăng tiến cùng với sự cải thiện điều kiện sống ngày một tốt hơn. Tuy nhiên nếu chạy theo chuẩn quốc tế thì có thể chẳng bao giờ theo kịp.Trường hợp Mai Phương Thuý bây giờ vẫn chưa phải phổ biến. Đành rằng ta phải phấn đấu về dinh dưỡng và tập luyện để cải thiện sức vóc. Nhưng chỉ như thế không đủ. Ta phải biết phát huy những ưu thế của Việt Nam mình.

Trường hợp Hoa hậu Diệu Hoa là một ví dụ. Không chỉ tuổi cao mà vóc người của thí sinh Việt Nam cũng nhỏ bé hơn, nhưng có lẽ cái nguyên lý mỹ học về sự “hài hoà” vẫn là quan trọng hơn hết. Đó là vẻ đẹp từ một giá trị mang tính tổng hợp nhiều hơn là việc cộng gộp những chỉ tiêu định lượng.

  

Hơn nữa, vẻ đẹp Việt Nam ngay trong thời kì hội nhập cũng phải tìm ra cái nổi trội trong sự đặc thù, kẻo có người bình luận vụng rằng “hoa hậu Việt Nam cao thế thì chỉ có...lấy Tây”. Gần đây ta thấy người châu Á đăng quang đã nhiều hơn (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...) cho thấy tiêu chí hội nhập đã không chỉ theo chuẩn Âu-Mỹ nữa...

 

Gần đây, một số Hoa hậu cho rằng nên điều chỉnh điều luật dự thi và cho phép các thí sinh tham gia chỉnh sửa một số bộ phận trên cơ thể trước khi bước vào cuộc thi, ông có ủng hộ điều này không?

 

Chúng ta luôn coi trọng cái “thực” (chân), ghét cái “giả” (ngụy). Sự can thiệp của giải phẫu thẩm mỹ ngày càng có trình độ cao và có thể tạo ra sự không công bằng giữa các thí sinh có những điều kiện tham dự khác nhau. Do vậy về căn bản tôi nghĩ rằng không nên điều chỉnh quy định này.

 

Nhưng đây là vấn đề cần được cân nhắc kỹ trên cơ sở đánh giá những thành tựu của khoa học giải phẫu thẩm mỹ như là một sản phẩm con người đáng được thụ hưởng. Có lẽ vấn đề là “đến mức độ nào là chấp nhận được”. Xin dành câu trả lời cho các bạn nữ.

 

Ông nhận xét như thế nào về chủ đề “Thân thiện với con người và môi trường” của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008?

 

Theo tôi, ứng xử với thiên nhiên và ứng xử với con người (cũng như cộng đồng xã hội) chính là hai nội dung cơ bản của khá niệm “Văn hoá”. Vì thế chủ đề này rất hay, nó sẽ tạo ra một môi truờng năng động để các thí sinh có thể thi thố và giúp cuộc thi mang tính giáo dục cộng đồng cao.

MỚI - NÓNG