Họa sỹ Lê Tiến Vượng: Vượng nhờ logo

Họa sỹ Lê Tiến Vượng: Vượng nhờ logo
TP - Không ít người coi đồ họa là thứ nghệ thuật hạng hai, song với hoạ sỹ Lê Tiến Vượng, đồ hoạ có chỗ đứng riêng, có giá trị riêng. Đồ họa đã đem lại cho anh cơm áo, gạo tiền và cả danh vọng.

> Lão họa sĩ Tôn Đức Lượng và công nghệ 'vỗ bản nhũ'

Bên các tác phẩm logo của mình tại triển lãm
Bên các tác phẩm logo của mình tại triển lãm.

Họa sỹ thị trường thì sao?

Lê Tiến Vượng có biệt danh Vượng “logo”, bởi anh khá thành công trong lĩnh vực đồ hoạ. Mới đây, trước sự khuyến khích của bạn bè Vượng “logo” đã ra mắt triển lãm cá nhân kết hợp trưng bày đan xen những tác phẩm hội hoạ-đồ hoạ. Triển lãm kéo dài nhiều ngày vẫn thu hút, cho thấy đồ hoạ không phải thứ “hạng hai” trong mỹ thuật như nhiều người vẫn mặc định.

Một số hoạ sỹ ngại nhận mình là hoạ sỹ thị trường. Lê Tiến Vượng lại khác. Anh khoe, từ hồi đang là sinh viên, hội hoạ đã là “cần câu cơm” của anh: “Cách đây gần 10 năm tôi bán được tranh với giá khá cao. Thời học đại học nhờ tiền vẽ tranh tôi tự trang bị cho mình đồ dùng học tập, xe đạp, giúp gia đình sửa nhà, giúp đỡ các em…”. Tranh của Lê Tiến Vượng không đi theo lối trừu tượng, anh vẽ theo cảm xúc, giản dị, dễ hiểu, phù hợp với số đông. Quan điểm của anh: “Tôi không muốn tạo ra sự dữ dội uyên bác”.

 Nhà cửa, xe cộ sắm được đều nhờ đồ hoạ 

Họa sỹ Lê Tiến Vượng

Cũng vì sự không cần chứng tỏ “dữ dội, uyên bác” nên anh tìm đến đồ họa, đắm say cùng nó. Chính tại lĩnh vực này anh đã khẳng định được mình, tạo được thương hiệu Vượng “logo”. Đồ hoạ không chỉ có “một món” mà có “nhiều món”, Lê Tiến Vượng không bỏ qua bất cứ “món” nào: Góp mặt nhiệt tình trong các minh hoạ báo, từ báo Văn Nghệ, Báo Công An Nhân Dân, báo Tiền Phong, báo Hà Nội Mới, nhất là minh hoạ cho trẻ em. (Hiện nay anh đang giữ vị trí trưởng phòng thiết kế báo Thiếu Niên Tiền Phong).

ọa sỹ Lê Tiến Vượng
Họa sỹ Lê Tiến Vượng.

Anh đã có hàng ngàn minh hoạ, hàng trăm truyện tranh các thể tài được các báo, các nhà xuất bản trong cả nước ấn hành… Thể loại tranh tuyên truyền cổ động anh cũng tích cực tham gia và giành nhiều giải thưởng.

Thiết kế logo chính là “mảng” mang lại nguồn thu nhập dồi dào cho Lê Tiến Vượng. Thật khó để thống kê đầy đủ các logo, afficher được anh thiết kế cho các công ty, tập đoàn, các tổ chức xã hội, các trường đại học, cao đẳng, phổ thông, bệnh viện, nhà hàng, shop thời trang…

Đồ hoạ chính là… thơ

Ít người biết Lê Tiến Vượng thích làm thơ và từng xuất bản sách thơ. Anh ví việc sáng tác đồ hoạ cũng như làm thơ: “Muốn thành công trong lĩnh vực nào cũng phải hết mình. Con chim hoà bình của Picasso cũng chính là nghệ thuật đồ hoạ, giờ đã trở nên vô giá. Đồ hoạ có chỗ đứng riêng, nhiều người nhầm lẫn đồ hoạ rẻ rúng. Lầm to. Họ đã không hiểu về đồ hoạ. Theo tôi, đồ hoạ chính là thơ, bởi vì tôi làm thơ tôi biết, chỉ có thơ mới chưng cất được bao nhiêu trạng cảm cảm xúc trong một vài câu ngắn. Logo cũng thế, chỉ cần vài nét đã thể hiện được tầm vóc”.

Nếu trước đây việc vẽ tranh giúp anh có kinh phí duy trì việc học thì bây giờ những sáng tác đồ hoạ giúp anh có đời sống kinh tế khấm khá. Anh tự hào khoe: “Nhà cửa, xe cộ sắm được đều nhờ đồ hoạ”. Vượng logo muốn nhắn gửi bạn trẻ đang còn phân vân khi đi theo đồ hoạ: “Hãy tin, nếu hết lòng với đồ hoạ, bạn có thể sống được và cũng sẽ có danh, có… giá”. Đó là lời khuyên của người tự nhận mình là “hoạ sỹ thị trường” đích thực đã có thâm niên hơn 20 năm liên tục gắn bó với đồ hoạ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG