Hoa viên kỳ ngộ: Các cụ nhà ta có thực là 'ghê'?

Hoa viên kỳ ngộ: Các cụ nhà ta có thực là 'ghê'?
TP - Trong Hoa viên kì ngộ, việc miêu tả sắc dục không chỉ dừng lại ở cảnh “nhất dạ nhị giao”, chàng công tử họ Triệu liền một lúc có quan hệ với cả bốn cô gái, mà cảnh nào cảnh nấy đều được miêu tả rất sinh động, không che đậy...

"Hoa viên kì ngộ" theo đoán định là tác phẩm được sáng tác cuối thời Lê, sau niên hiệu Cảnh Hưng (1740), vốn không phải là sản phẩm thuần túy nội địa, nội sinh, mà là sáng tác dưới sự ảnh hưởng, “gợi ý” của yếu tố bên ngoài, cụ thể và trực tiếp là bộ Quốc sắc thiên hương của Ngô Kính Sở thời Minh.

Trên báo Tiền Phong, tác giả Nguyễn Khắc Phê có bài Văn chương về tình dục: Có thật “Việt Nam lạc hậu trăm năm”? (bài này viết tiếp nhân đọc bài viết Văn chương về tình dục: Việt Nam lạc hậu trăm năm).

Trong bài viết, tác giả có đề cập đến một số chi tiết miêu tả có phần mạnh bạo về tính dục trong tiểu thuyết Hoa viên kì ngộ, xem đó như là một sự cung cấp “tư liệu tham khảo”, đặng cho thấy chẳng cứ phải Tây Tầu đâu xa, về chuyện văn chương tình dục, các “cụ” nhà ta mấy trăm năm trước đã rất ư sành sỏi.

Nhân đọc bài viết này, chúng tôi cũng xin cung cấp thêm một số thông tin xung quanh cuốn Hoa viên kì ngộ nói trên (tên đầy đủ là Hoa viên kì ngộ tập, hiện còn một bản duy nhất lưu tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: A. 2829).

Chúng ta đều biết, văn học trung đại Việt Nam vốn chịu ảnh hưởng rất sâu sắc bởi văn học Trung Quốc, trong đó có ảnh hưởng của tiểu thuyết thị dân. Vào thời Tống, dưới sự phát triển mạnh mẽ của đô thị, tiểu thuyết thị dân phát triển mạnh, để đáp ứng tâm lí của giới thị dân, những người kể chuyện ăn tiền (thuyết thư nhân, thuyết thoại nhân) rất chú trọng đến yếu tố sắc tình, quan hệ xác thịt vì thế được miêu tả rất cụ thể và chi tiết.

Xu hướng này tiếp tục phát triển mạnh vào thời Minh – Thanh, xuất hiện nhiều tác phẩm chuyên miêu tả sắc dục kiểu Si Bà Tử truyện, Nhục bồ đoàn, Cẩm tháp dã sử… Mặc dù có những giai đoạn, triều đình hạ lệnh cấm đoán song loại tiểu thuyết này vẫn không vì thế mà bị triệt tiêu.

Tại Việt Nam, do đô thị kém phát triển, chưa hình thành một đội ngũ thị dân đông đảo nên tiểu thuyết thị dân cũng ít có điều kiện phát triển. Chẳng hạn ở bộ phận truyện thơ Nôm, nếu như đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc rất rộng thì dường như chỉ có hai loại là tài tử giai nhân và đề tài thần quái thực sự thu hút sự quan tâm của các tác giả, còn các yếu tố sắc dục, dưới sự chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, bị “teo” đi khá nhiều.

Cho nên nếu như trong Đoạn trường tân thanh, Thanh Tâm Tài Nhân miêu tả khá tỉ mỉ các thủ thuật trong nghề của các cô gái làng chơi, nào là: đánh trống giục hoa, sen vàng khóa siết, duyềnh doàng cướp vía, gắn bó truy hồn… thì trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, những chi tiết ấy chỉ được gói gọn trong câu: “Này con học lấy làm lòng / Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” mà thôi!

Trong các tiểu thuyết chữ Hán, tình hình có khác song khảo sát các tiểu thuyết Việt Nam thời trung đại, loại tiểu thuyết sắc dục không nhiều. Trường hợp Hoa viên kì ngộ tập là rất hiếm, rất đặc biệt.

Tuy nhiên, nếu chỉ nói về miêu tả việc “nhất dạ nhị giao” thì trước Hoa viên kì ngộ, trong truyện Kì ngộ ở trại Tây (Tây viên kì ngộ kí) thuộc Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ đã từng đề cập đến.

Kì ngộ ở trại Tây nói về cuộc gặp gỡ giữa chàng Hà Nhân với hai hồn hoa là Đào và Liễu. Hà Nhân quen biết hai nàng trong chuyến lên kinh theo học cụ Ức Trai (Nguyễn Trãi). Một ngày nọ, Hà Nhân rủ hai nàng về chỗ mình ở, rồi cùng nhau giao hoan; xong, cả ba cùng làm thơ ngâm vịnh. Lời thơ của người trong cuộc hết sức bạo dạn, đặc biệt là thơ của Hà Nhân:

Quê khách buồng văn giấc lạnh lùng,
Mây mưa bỗng lạc tới Vu Phong.
Đua bay bướm giỡn so le trắng,
Liền cuống hoa phô rực rỡ hồng.
Một ổ thỏa thuê oanh ấm áp,
Đôi dòng san sẻ nước tây đông.
Hữu tình cùng giống phong lưu cả,
Mỗi vẻ nhưng riêng thú đượm nồng.
Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch

Hai câu thực và luận bề ngoài như đang miêu tả phong cảnh mùa xuân với khoa tươi khoe sắc bướm bay dập dờn; kì thực chính là diễn tả chuyện ân ái chung của ba người. Lời thơ rất tao nhã nhưng cũng không kém ph ần dung tục. Phong cách thơ có tính lập lờ hai mặt, khá gần với phong cách các bài thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương.

Kì ngộ ở trại Tây tuy có bạo dạn trong việc miêu tả sắc dục, tuy có cảnh “nhất dạ nhị giao” song tác giả vẫn phải ngụy trang lên chúng chút ít màu sắc ma quái, hoàn toàn không giống truyện Hoa viên kì ngộ - rất người.

Trong Hoa viên kì ngộ, việc miêu tả sắc dục không chỉ dừng lại ở cảnh “nhất dạ nhị giao”, chàng công tử họ Triệu liền một lúc có quan hệ với cả bốn cô gái, mà cảnh nào cảnh nấy đều được miêu tả rất sinh động, không che đậy.

Xét thực trạng sáng tác ở Việt Nam thời trung đại, điều này khiến người đọc băn khoăn rằng, dường như sự vận động nội tại của xã hội Việt Nam cũng như văn học Việt Nam thời trung đại chưa đủ khả năng sản sinh ra loại truyện “bốc” đến như thế.

Nghiên cứu sâu tác phẩm Hoa viên kì ngộ, kết quả cho thấy tác phẩm này quả nhiên không thuần túy nội sinh, nó đã chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của tiểu thuyết Trung Quốc, tiêu biểu là hai truyện Lưu sinh mịch Liên kíTầm Phương nhã tập.

Cả hai truyện này đều thuộc bộ tiểu thuyết Quốc sắc thiên hương của Ngô Kính Sở thời Minh (lời tựa của Cửu Tử Sơn Nhân Tạ Hữu Khả soạn tại Vạn Quyển lâu năm Đinh Hợi, niên hiệu Vạn Lịch, 1587).

Xét một cách toàn diện, ảnh hưởng của Lưu sinh mịch liên kí đối với Hoa viên kì ngộ tập chỉ dừng ở mức độ vay mượn một số tình tiết nhất định, còn ảnh hưởng sâu sắc và đa diện hơn lại thuộc về tác phẩm Tầm Phương nhã tập. Chẳng hạn ở phần đầu truyện, nhân vật nam chính là công tử họ Triệu tự nhủ: “Ngô Đình Chương gặp gỡ như vậy, không uổng là danh hiệu Tầm Phương Chủ Nhân […]. Nếu được cảnh gặp gỡ tốt lành ấy thì thật chẳng phụ Sinh này vậy. Bèn lấy Tầm Phương Chủ Nhân làm tên hiệu”.

Ngô Đình Chương mà Triệu sinh hết sức hâm mộ, và lấy tên hiệu của chàng ta làm tên hiệu của mình, chính là nhân vật nam chính trong Tầm Phương nhã tập.

Rồi nhân qua phường Bích Câu, thấy “Nay cảnh này: xà vẽ cửa thêu biếc hồng, rành rành là phủ đệ của bậc khanh sĩ”, công tử họ Triệu băn khoăn tự hỏi: “Chẳng hay trong đó quả có Phượng Loan chăng?”.

Trong bài thơ tứ tuyệt Triệu tức cảnh sinh tình có câu: “Bất tri viên lí kì hoa hạ / Quả hữu Loan thư Phượng muội vô?” (Chẳng hay trong vườn, dưới hoa lạ/ Quả là có cô chị tên là Loan, cô em tên là Phượng chăng?). Loan và Phượng là hai nhân vật nữ chính trong truyện Tầm phương nhã tập nói trên, đồng thời là các đối tượng mà Ngô Đình Chương chinh phục.

Xét kết cấu tổng thể của Hoa viên kì ngộTầm Phương nhã tập, có thể nhận thấy tác giả Hoa viên kì ngộ đã dựa vào Tầm phương nhã tập để viết nên tác phẩm của mình, nhưng không tiếp thu hoàn toàn mọi tình tiết của tác phẩm gốc.

Phần tác giả Hoa viên kì ngộ hào hứng tiếp thu chỉ là các tình tiết liên quan đến chuyện diễm tình diễm sự, tức là đoạn từ đầu truyện đến khi nhân vật nam chính trong truyện là Ngô Đình Chương đã chinh phục được các đối tượng, và đó cũng là nội dung cốt tủy của tác phẩm gốc. Các yếu tố thuộc về thời sự, hay gia biến, mộng mị hoang đường đều bị gạt bỏ.

Nếu trong Tầm Phương nhã tập, nhân vật nam chính có quan hệ thân xác với 6 cô gái thì trong Hoa viên kì ngộ, chỉ còn lại 4, hai nhân vật nữ là vợ bé của nhạc phụ tương lai (họ Vương) của nhân vật chính và con hầu của nàng - từng qua tay họ Vương - bị lược bỏ.

Xét kĩ một chút sẽ nhận thấy sự lược bỏ này có xu hướng của sự “tinh tuyển”. Trong ý đồ của tác giả Hoa viên kì ngộ, Triệu Kiệu là hóa thân của Ngô Đình Chương, Lan Huệ là hóa thân của Loan và Phượng. Và do đó, những chi tiết miêu tả về quan hệ tình ái giữa họ được tác giả Hoa viên kì ngộ giữ lại gần như nguyên vẹn. Có thể dẫn ra một ví dụ như sau:

TẦM PHƯƠNG NHÃ TẬP

…Nói xong cố sức đẩy Phượng xuống gối. Phượng cũng không dám cưỡng lại, cứ mặc cho Sinh cởi bỏ y phục. Trong chăn phỉ thúy, hải đường máu nhuộm; trên gối tử ương, nhụy quế hương bay. Tình nồng đượm, mặc sức vứt tung hài tất; hứng dâng tràn, quản chi bời rối tóc mây. Sinh yêu Phượng đẹp, mỉm cười khoan thai; Phượng thương Sinh bệnh, thẹn thùng khép nép […]…

Đêm ấy, Sinh mê mải vì dục tình, sắp canh năm mới ngủ. Đến khi mặt trời chiếu hồng song cửa mà Sinh với Phượng còn kề má say sưa. Thu Thiềm sợ có người đến bắt gặp, bèn vén màn, khẽ nói:

- Dương Đài còn chưa tỉnh sao?

Sinh và Phượng giật mình choàng tỉnh, chỉnh trang y phục rồi dậy.

HOA VIÊN KÌ NGỘ TẬP 

…Nói xong cố sức đẩy Huệ xuống gối. Huệ cũng không cố chống cự.

Trong đệm phù dung hải đường máu nhuộm, dưới chăn phỉ thúy, đan quế hương bay. Mày ngài liên hồi chớp chớp mặc cho bướm lượn săn tìm, mắt phượng lim dim mơ màng, không cấm ong bay hút mật. Xiêm màu phấp phới khác nào mưa trút hoa sen, tóc mây rối bời, hệt như gió thổi cành dương. Thật là một khắc ngàn vàng, chỉ giận đêm vui quá ngắn.

Đêm ấy, Sinh đã mê mẩn vì tình, cho mãi đến khi mặt trời chiếu hồng song cửa mà Sinh với Huệ nương còn chụm đầu áp má say sưa.

Thu Nguyệt vén màn, khẽ nói:

- Dương Đài còn chưa tỉnh sao?

Huệ mới giật mình thức dậy. Sinh cũng từ biệt ra về.

Tiếp thu cốt truyện từ tác phẩm Tầm Phương nhã tập, tác giả Hoa viên kì ngộ tập đã thể hiện sự dụng công của mình qua việc loại bỏ một số tình tiết và nhân vật, lôgích lại câu chuyện ở một số tình tiết, thay đổi một số yếu tố về nhân danh, địa danh, thời đại… theo hướng Việt hóa, biến một truyện vốn là tiếp thu và viết lại từ tác phẩm Trung Quốc thành một tác phẩm mang màu sắc thuần Việt.

Tuy Hoa viên kì ngộ có nhiều điểm khả thủ, song so với nguyên tác, nó thực chất là một dạng “cố sự tân biên” mà thôi. Nguyên gốc của nó Tầm Phương nhã tập và cả bộ Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu đều bị liệt vào trong số “Thập đại cấm thư” (Mười sách cấm) từ xưa.

Văn chương tình dục của Việt Nam có lạc hậu trăm năm (hay mấy trăm năm) so với một số nước khác hay không là vấn đề cần được nghiên cứu một cách hệ thống và thấu đáo, do vậy trong bài này người viết tạm chưa bàn đến, chỉ biết rằng Hoa viên kì ngộ theo đoán định là tác phẩm được sáng tác dưới sự ảnh hưởng, “gợi ý” của yếu tố bên ngoài, và do đó, cái “ghê” của các “cụ” nhà ta xưa dường như cũng chỉ ở mức độ khá vừa phải, không đến mức như nhiều người đã nghĩ.

Phạm Văn Ánh 
Thạc sĩ, Viện Văn học

MỚI - NÓNG