Hoàng thành Thăng Long: Chọn hố khai quật tiêu biểu

Hoàng thành Thăng Long: Chọn hố khai quật tiêu biểu
TP - Những hố còn lại được lấp cát để bảo tồn - Đó là phương án mà Bộ VH-TT và các Viện, cơ quan ngang Bộ đã quyết định như vậy đối với Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.
Hoàng thành Thăng Long: Chọn hố khai quật tiêu biểu ảnh 1
Giếng nước thời Đại La (Thế kỷ 7-9)  

Cuối tuần qua (18/2), Bộ Văn hóa-Thông tin đã phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo với sự tham dự của nhiều cơ quan, bộ ngành và các nhà nghiên cứu, khoa học trên mọi lĩnh vực để cùng nhau “chốt” lại một vấn đề quan trọng mà nói theo một số nhà chuyên môn là “mang tính chất sống còn” đối với Khu di tích Hoàng thành Thăng Long: Giữ hay không giữ và phương án bảo tồn sẽ như thế nào?

Bộ và Viện chọn các phương án khác nhau

Cách đây 2 năm, Bộ Văn hoá-Thông tin đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, tại đó kiến nghị: Phương án bảo tồn Khu di tích này là chọn những hố khai quật tiêu biểu, dày đặc di tích, chứa đựng nhiều tầng văn hoá để bảo tồn và làm bảo tàng ngoài trời còn lại lấp cát để bảo vệ.

Phương án này cũng được dư luận người dân và các phương tiện thông tin đại chúng ủng hộ nhất. Sở dĩ Bộ Văn hoá-Thông tin kiến nghị chọn phương án này là vì, “chúng ta có điều kiện tập trung ưu tiên bảo tồn được những bộ phận quan trọng, có ý nghĩa nhất của khu di tích, kết hợp việc tổ chức trưng bày giới thiệu toàn bộ những tài liệu, hiện vật thu thập được từ các hố khai quật khác nhau nhằm giới thiệu, cung cấp cho khách tham quan trong và ngoài nước những hiểu biết tương đối toàn diện về giá trị di tích”.

Phương án này sẽ giảm được đáng kể những khó khăn kỹ thuật, tài chính so với phương án bảo tồn toàn bộ ngoài trời. Song cũng cần phải thấy rằng, ngay cả việc chọn phương án chỉ làm bảo tàng ngoài trời một số vị trí tiêu biểu cũng còn rất nhiều khó khăn với trình độ và khả năng của nước ta hiện nay.

Ngay cả Trung Quốc, một nước có đội ngũ những người làm công tác bảo tồn có trình độ kỹ thuật cao và khả năng về tài chính lớn hơn chúng ta rất nhiều lần mà họ cũng chỉ cho khai quật một diện tích rất nhỏ trong quy mô rộng lớn của khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Và hiện nay, một số di tích này đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo quản chống xuống cấp các pho tượng đã được phát lộ trong các hố khai quật.

Về phía Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ông Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện cho biết, Viện đã đề xuất với Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phương án bảo tồn Khu di tích Hoàng thành Thăng Long như sau: “Bảo tồn lâu dài toàn bộ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (Lô D), nghiên cứu bảo tồn nguyên trạng các dấu tích kiến trúc đã xuất lộ ở khu A, B, D và quy hoạch xây dựng thành bảo tàng tại chỗ”.

Cơ sở để Viện Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất phương án trên trước hết dựa theo nguyên tắc chung về bảo tồn di tích di sản của quốc tế trong Hiến chương ICOMOS Trung Quốc năm 2002. Thứ nữa, trong tình hình thực tế hiện nay, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là khu vực duy nhất của Cấm thành, tức khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý-Trần-Lê còn có thể bảo tồn được.

Cuối cùng, khu A,B,D trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu là nơi đã phát hiện được nhiều di tích kiến trúc và nhiều di vật quan trọng, có ý nghĩa to lớn cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá Kinh thành Thăng Long suốt từ thời An nam đô hộ phủ đến thời Lý, Trần, Lê.

Những khu mà Viện này đề xuất bảo tồn có quy mô rộng lớn, ví như khu A có diện tích 6.000m2, khu B có diện tích hơn 6.000m2 và khu D cũng với diện tích 4.000m2. Các khu vừa nêu trên Viện này đề nghị sẽ xây dựng bảo tàng tại chỗ, đồng thời hướng tới việc nghiên cứu quy hoạch bảo tồn tổng thể, kết nối khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu và khu Thành cổ thành công viên Lịch sử-Văn hoá Thăng Long-Hà Nội.

Phạm vi quy hoạch bảo tồn tổng thể Khu di tích Hoàng thành Thăng Long sẽ bao gồm khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu và khu Thành cổ với hệ thống di tích Cột cờ, Đoan Môn, Kính Thiên, Cửa Bắc, Tổng hành dinh QĐNDVN.

Ngoài ra, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị chuyển giao toàn bộ Thành cổ Hà Nội cho UBND thành phố Hà Nội quản lý; đề nghị thành lập Ban chỉ đạo quốc gia do một Phó Thủ tướng đứng đầu để nhằm thúc đẩy nhanh công tác quy hoạch, bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long...

Vấn đề mấu chốt nhất đã có sự nhất trí cao

Hoàng thành Thăng Long: Chọn hố khai quật tiêu biểu ảnh 2

Giếng nước thời Trần (Thế kỷ 13-14) 
                                                     Ảnh: S.T

Sau khi nghe hai bản báo cáo, đề xuất của hai cơ quan (Bộ Văn hoá-Thông tin và Viện Khoa học xã hội Việt Nam), các đại biểu đại diện cho các cơ quan, bộ ngành liên quan, các nhà nghiên cứu, khoa học trên các lĩnh vực văn hoá, lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, xây dựng đã tập trung thảo luận, phân tích, thậm chí bày tỏ những quan điểm ngược chiều nhưng cùng một mong muốn bảo tồn bằng được Khu di tích có giá trị, ý nghĩa bậc nhất này. Với tư cách là người chủ trì cuộc hội thảo, TS Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin đã nêu ra một số kết luận quan trọng.

Trước hết, thống nhất kiến nghị bảo tồn toàn bộ, lâu dài khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Việc bảo tồn toàn bộ, lâu dài cần được tiến hành từng bước, thận trọng và mang tính khoa học cao. Ngoài ra, hướng tới việc nghiên cứu quy hoạch tổng thể, kết nối khu di tích đặc biệt quan trọng này với khu Thành cổ và các di tích lịch sử cách mạng xung quanh thành Trung tâm văn hoá Thăng Long-Hà Nội.

Phương án bảo tồn sẽ có nhiều hình thức khác nhau, nhưng hội thảo thống nhất lựa chọn giải pháp bảo tồn, lựa chọn những hố khai quật tiêu biểu, chứa đựng nhiều hiện vật, dấu tích kiến trúc quan trọng, các tầng văn hoá để làm bảo tàng ngoài trời.

Tuy nhiên, trong quá trình này đòi hỏi phải làm hết sức thận trọng, mang tính khoa học cao để đảm bảo tính lâu dài và giữ nguyên giá trị cho di tích. Những hố còn lại sẽ lấp cát, phía trên lấp đất để trồng hoa, cây cảnh tạo nên công viên văn hoá, khi nào có điều kiện sẽ khai quật trở lại.

Cuối cùng, các đại biểu kiến nghị Viện Khoa học xã hội Việt Nam chuyển giao toàn bộ Khu di tích Hoàng thành Thăng Long về UBND thành phố Hà Nội quản lý. Để Hà Nội chủ động, tích cực bắt tay xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận khu di tích Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hoá thế giới vào năm tới.

Được biết, sau cuộc hội thảo này, Bộ Văn hoá-Thông tin sẽ có văn bản chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ về những thống nhất trong kiến nghị và phương án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Hoàng thành Thăng Long.

MỚI - NÓNG