Hoàng thành Thăng Long được gì ở Paris?

Hoàng thành Thăng Long được gì ở Paris?
TP - Hà Nội vừa gửi hồ sơ Hoàng thành Thăng Long tới UNESCO ở Paris đề nghị công nhận là di sản văn hóa thế giới sau hai tháng kiện toàn, với mong đợi lớn lao.

Thời hạn cuối cùng là ngày 1/2/2009, nhưng hồ sơ khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được chuyển trở lại cho UNESCO vào ngày Táo Công chầu trời (18/1 dương lịch) sau hai tháng điều chỉnh.

Hồ sơ có thêm hai cơ hội để bổ sung vào tháng một và tháng 3/2010, nếu phía đề cử muốn. Hội đồng Tượng đài & Di sản Thế giới ICOMOS sẽ đến Hà Nội khảo sát thực địa tại Hoàng thành.

Tháng 7/2010, Ủy ban Di sản Thế giới mở họp phiên thường niên, chính thức quyết định có đưa Hoàng thành Thăng Long vào danh sách công nhận di sản văn hóa thế giới hay không.

Bộ hồ sơ di sản khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long dày 871 trang gồm cả phụ lục, viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài phần xác định và mô tả di sản, lý giải cho việc đăng ký ghi tên, tình trạng bảo tồn và những nhân tố tác động tới di sản..., còn có các phụ lục mô tả khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, phân tích so sánh giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, mô tả vùng đệm của di sản, bản đồ, bản vẽ, ảnh, văn bản xếp hạng, bảo vệ, phim video.

Theo ông Trần Quang Dũng- Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Khu Di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội, văn bản nhận xét của UNESCO ngày 15/11/2008 thể hiện sự đồng thuận với bộ hồ sơ ở nhiều điểm. Đồng thời, tổ chức này yêu cầu giải thích về sân vận động trong khu di sản.

Ông Dũng cho biết, phía đông di sản là đường Nguyễn Tri Phương, phía bắc là đường Phan Đình Phùng và Hoàng Văn Thụ, phía nam là đường Bắc Sơn, phía tây là đường Hoàng Diệu và Độc Lập.

Sân vận động trong hồ sơ chính là sân Cột Cờ thuộc Trung tâm TDTT Quân đội- Bộ Quốc phòng, nằm giữa Cột Cờ (Kỳ Đài) và Đoan Môn.

"Với chúng tôi, đây là di tích có giá trị vô cùng đặc biệt, theo suốt chiều dài lịch sử VN, từ khu khai quật 18 Hoàng Diệu thể hiện sự phát triển của các triều đại phong kiến đến khu Thành cổ mang dấu tích phong kiến, Pháp thuộc, kháng chiến chống thực dân, đế quốc.

Sau khi khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận di sản văn hoá thế giới, nó sẽ thu hút đông đảo khách du lịch, và di tích sẽ đối mặt với lượng khách thăm thường xuyên và đông đảo.

Trong chương trình hợp tác giữa vùng Ile de France và UBND TP Hà Nội, chúng tôi tập trung vào vấn đề quản lý hoạt động tham quan, để đảm bảo Hoàng thành vẫn thu hút du khách mà không làm hư hại di tích, di vật, công trình kiến trúc trong khu vực" - Ông Laurent Pandolfi- chuyên gia vùng Ile de France

Cuối thế kỷ 19, người Pháp xây dựng nhiều công trình phục vụ Sở chỉ huy pháo binh, trong đó có sân vận động.

“Tương lai sẽ không còn sân vận động, mà chúng ta trả lại đúng chức năng cho nó, đó là quảng trường và sân hành lễ, như trong lịch sử nó đã tồn tại", đại diện Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội nói.

Trung tâm cho biết, từ tháng 11 đến nay, họ nỗ lực và chủ động hoàn thiện hồ sơ, tranh thủ từng ngày từng giờ nâng cấp chất lượng. Phía Trung tâm cũng gửi hồ sơ cho một số chuyên gia uy tín ở nước ngoài góp ý kiến.

Hiện khu vực khai quật 18 Hoàng Diệu đang thuộc quyền quản lý của Bộ Xây dựng, và Viện Khảo cổ học đảm trách khai quật trên đó.

Theo kế hoạch, năm 2012, giới khảo cổ sẽ bàn giao khu 18 Hoàng Diệu cho Hà Nội. Trong khi đó, Hà Nội mong muốn Hoàng thành Thăng Long được công nhận trong dịp 1.000 năm Thăng Long.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc UNESCO công nhận?

Trả lời câu hỏi của Tiền phong, ông Laurent Pandolfi - đồng giám đốc Dự án Đào tạo Chuyên ngành Đô thị (IMV), chuyên gia vùng Ile de France, nói:

“Theo quan điểm của chúng tôi, về nguyên tắc, khu 18 Hoàng Diệu và khu thành cổ phải được thống nhất và liền mạch với nhau.Và tất nhiên công tác khai quật nghiên cứu sẽ còn tiếp tục sau năm 2010.

Nhưng chúng tôi nghĩ từ nay đến năm 2010 hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long, tối thiểu chúng ta phải có được những nội dung quy hoạch nhằm liên kết hai khu vực này, giúp du khách và nhân dân có thể tham quan một phần khu khảo cổ đó”.

Hoàng thành Thăng Long được gì ở Paris? ảnh 1
Vật trang trí trên nóc, kiến trúc thời Trần  thế kỷ 13-14. Ảnh: Phạm Yên

Ông L.Pandolfi là người soạn thảo  kế hoạch quản lý khu di sản và kế hoạch bảo tồn- phát triển khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, một phần quan trọng của hồ sơ Hoàng thành gửi tới Paris.

Trước đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có văn bản yêu cầu Bộ Quốc phòng bàn giao lại toàn bộ khu phía nam và phía bắc thành cổ cho Hà Nội, chậm nhất là giữa năm 2009.

Đại diện Trung tâm Bảo tồn Khu Di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội bày tỏ: “Rồi đây chúng tôi sẽ được tự quyết với cái sân vận động Cột Cờ, và UNESCO sẽ không còn băn khoăn với công trình này trong khu di sản”. 

Hội Xuân Hoàng thành Thăng Long diễn ra từ mồng 4 Tết đến Rằm tháng Giêng tại khu di tích Thành cổ Hà Nội (số 12 Nguyễn Tri Phương và số 9 Hoàng Diệu- Q. Ba Đình).

Khách tham quan sẽ thưởng lãm hiện vật bảo tàng với chủ đề Văn hóa xứ Đoài, xem 500 mẫu kỳ thạch và gỗ lũa nghệ thuật, trống đồng Đông Sơn phục chế, long bào phục chế, sản phẩm làng nghề Thăng Long, tranh in khắc- thư hoạ trên giấy dó...

Tại đây cũng sẽ diễn ra các hoạt động văn hoá và lễ hội truyền thống, ca múa nhạc cổ truyền, võ thuật, đúc trống đồng. Vào cửa miễn phí, gửi xe tại cổng 12 Nguyễn Tri Phương và số 9 Hoàng Diệu.

MỚI - NÓNG