Hoàng Thúc Hào với kiến trúc hạnh phúc

Công trình “kiến trúc hạnh phúc”: Nhà cộng đồng Tả Phìn (Lào Cai) của Hoàng Thúc Hào. Ảnh: NVCC
Công trình “kiến trúc hạnh phúc”: Nhà cộng đồng Tả Phìn (Lào Cai) của Hoàng Thúc Hào. Ảnh: NVCC
TP - Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào “sát giải” mà toàn giải thưởng “khủng”. Ấy thế nhưng những công trình được quốc tế đánh giá cao của anh quy mô thường thuộc loại khiêm tốn, như công trình nhà văn hóa thôn chỉ 70m2. Hẳn không ít người tò mò do đâu mà KTS của những cộng đồng nhỏ lẻ lại được quốc tế tôn vinh. Rất có thể xuất phát từ quan niệm về hạnh phúc trong kiến trúc của anh.

Xuất phát điểm đưa anh đến với kiến trúc hạnh phúc?

Tôi được Bhutan mời thiết kế Trung tâm Hạnh phúc Quốc gia (công trình này cùng trường Lũng Luông ở Thái Nguyên mang lại cho anh hai giải Green Good Design của Mỹ- PV), tôi chợt nghĩ tại sao lại không thể có kiến trúc hạnh phúc nhỉ. Cách đây năm rưỡi tôi bắt đầu tìm hiểu lại hạnh phúc là gì, ra được một khái niệm rất hay, rất bất ngờ: Hạnh phúc bền vững.

Sau nhiều cuộc tranh luận cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, tâm lý học phương Tây đã tổng kết ba nhóm vấn đề tác động vào hạnh phúc đời người. Một, những vấn đề thuộc về ngoại cảnh như áo mới, xe mới, nhà mới, chức mới hay sinh ra trong gia đình khá giả - chiếm 12-14% hàm lượng hạnh phúc bền vững. Hai, yếu tố thuộc về gen: anh là người hướng nội hay hướng ngoại, có năng khiếu âm nhạc hay tư duy logic. Gen thừa hưởng từ bố mẹ và tác động hoàn cảnh (môi trường học vấn…) chiếm 40-45%. Và, có cái dở là gần như không có khả năng thay đổi. Chính yếu tố thứ ba- hành động mới là điều quyết định hạnh phúc đời người. Tôi thấy đúng.

Hẳn là kiến trúc hạnh phúc thì phải làm cho con người hạnh phúc rồi. Anh có thể cắt nghĩa rõ hơn?

Tôi đẩy vai trò của KTS lên đầu. KTS phải dấn thân, bảo vệ sự đa dạng văn hóa và làm kiến trúc cho những cộng đồng yếm thế, nhỏ bé, vốn không có kiến trúc. Như đồng bào miền núi toàn tự xây, làm gì có KTS chuyên nghiệp làm cho họ. Các tổ chức nhà nước, xã hội làm các chương trình tái định cư, xóa đói giảm nghèo, nông thôn mới… chỉ ở mức số lượng phải lớn, tốc độ phải nhanh, giá thành phải rẻ. Giờ lại đòi phải có thêm bản sắc là thứ xa xỉ. Chẳng hạn giờ phải làm nhà chống lũ để cứu dân cái đã, chứ đòi Quảng Bình khác Hà Tĩnh khác Thừa Thiên Huế rất khó. Cho nên KTS phải tác động vào hệ thống nhà nước dần dần, tốt nhất là thông qua đào tạo lớp trẻ.

Hoàng Thúc Hào với kiến trúc hạnh phúc ảnh 1 Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào.

Sản phẩm làm ra là công trình tôi cứ gọi là “ngạc nhiên bền vững” và phải xứng đáng là hạt nhân của một truyền thống mới. Tức là vùng đấy mới có kiến trúc truyền thống đẹp, chưa có kiến trúc hiện đại. Thì mình phải làm ra những hạt nhân mà người ta thấy là kiến trúc hiện đại nhưng của vùng đấy.

Đạt hai yếu tố trên, đương nhiên người sử dụng hạnh phúc. Vì người ta thấy ngôi nhà của họ vừa lạ vừa quen, khơi dậy sự hướng thiện. Còn những kiến trúc xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng là những tiêu chí đương nhiên kiến trúc hiện đại phải đạt được. Nhưng chưa đủ, công trình phải cất tiếng nói văn hóa của vùng đất đấy nữa. Chứ không phải làm kiến trúc đạo Hồi cho người Kinh, người Dao cho người Tày…

Anh có thể nói thêm về yếu tố “ngạc nhiên bền vững” nghe rất lạ tai?

Đã là hạt nhân của một truyền thống mới không bao giờ được công nhận ngay. Mười năm, hai mươi năm mới biết là kiến trúc ấy đúng và xứng đáng là kiến trúc mới của vùng đấy. Có cái anh tưởng thành công nhưng một thời gian sau, vùng đất đấy, người dân ở đấy lại chối bỏ. Ngạc nhiên bao giờ cũng gắn với tức thời, lạ, sốc. Ngạc nhiên chậm mà lại còn bền vững nữa thì ngược nhưng tôi muốn thế. Gần đây tôi mới tổng kết được, kim tự tháp là một dạng ngạc nhiên bền vững về cấu trúc, kết cấu. Có những ngạc nhiên bền vững về tổ chức đô thị, về môi trường như phố cổ Hội An. Ở cấp độ đô thị nhỏ, hồ Gươm là một ngạc nhiên bền vững. Bây giờ đi bộ quanh hồ, người ta vẫn thấy gắn bó với từng rặng cây. Thỉnh thoảng có những kiến trúc kiểu mới nhưng lại xấu điên dù vẫn không/chưa phá được hồ Gươm. Phố cổ phía Bắc, phố Pháp phía Nam. Kiến trúc công sở, nhà thờ, đình đền chùa miếu mạo vẫn thống nhất gắn bó trong không gian hồ Gươm. Chùa Một Cột hay Central Park giữa New York đều là một ngạc nhiên bền vững.

Tôi vẫn không ngừng tìm kiếm các ví dụ khi thiết kế những cái mới để làm phong phú nội hàm ngạc nhiên bền vững của mình. Đôi khi có thể tôi cũng thử và sai, nhưng con đường chắc chắn đúng.

Cảm ơn anh.

Cuối 2016, Hoàng Thúc Hào nhận giải SIA-GETZ cho KTS Nổi bật châu Á (Võ Trọng Nghĩa cùng được đề cử giải này) thì đầu tháng 9 vừa qua anh được Hội KTS Thế giới (UIA) trao giải Vassilis Sgoutas ghi nhận đóng góp vô giá trong cải thiện điều kiện sống của người dân nông thôn và miền núi. KTS Nguyễn Tấn Vạn (Chủ tịch Hội KTS Việt Nam) khẳng định: “Đây là giải về kiến trúc cao nhất cho đến nay mà Việt Nam giành được. Việt Nam xưa nay được nhiều giải quốc tế nhưng của một tờ báo, một quốc gia nào đó trao chứ không phải của một tổ chức quốc tế lớn như thế này. Cả Đông Nam Á chưa nước nào được giải này”. Vì giải thưởng hiếm hoi này, ĐH Xây dựng nơi Hoàng Thúc Hào công tác vừa trình Chính phủ trao tặng anh Huân chương Lao động hạng Nhì.

N.M.Hà

MỚI - NÓNG