Hoạt động của các nhà xuất bản: Lỗ là chính

Hoạt động của các nhà xuất bản: Lỗ là chính
TP - Đợt tổng kiểm tra hoạt động của 55 nhà xuất bản (NXB) trên toàn quốc, kéo dài gần nửa năm, vừa kết thúc với ghi nhận lớn nhất là các NXB đang phải đối diện với hàng loạt khó khăn về nguồn lực và cơ chế, Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm cho biết.  

Theo số liệu của đoàn kiểm tra, tổng doanh thu năm 2008 của các NXB đạt 1.488 tỷ đồng, giảm 1,5 phần trăm so với năm 2007, lợi nhuận sau thuế ở mức 44,7 tỷ đồng, quá khiêm tốn so với các ngành kinh tế khác. Các NXB tạm gọi là đại gia (thu lời trên một tỷ đồng), chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Có thể kể đến NXB Giáo dục (25,1 tỷ đồng), Kim Đồng (bảy tỷ đồng), Trẻ (2,1 tỷ đồng), Chính trị quốc gia (1,5 tỷ đồng), Bản đồ (1,1 tỷ đồng). Số còn lại, lời ít, thậm chí như NXB Hội Nhà văn lời có ba triệu đồng.  Những NXB thua lỗ có thể kể đến như Âm nhạc (lỗ 762 triệu đồng), Khoa học Kỹ thuật (461 triệu đồng)...

Bức tranh toàn cảnh trên có thể cắt nghĩa bằng một  số lý do bề nổi. Đó là cơn biến động giá giấy; nhiều NXB không chủ động được nguồn bản thảo cũng như không phát triển được mạng lưới phát hành.                            

Về sâu xa, khó khăn lớn nhất của ngành xuất bản hiện nay là nguồn lực. “Vốn cố định thấp, hơn 245 tỷ đồng. NXB có số vốn nhiều nhất  cũng chưa đến 50 tỷ đồng.Vốn lưu động thì èo uột, toàn ngành chỉ có hơn 25 tỷ đồng. Gần một nửa số các NXB không được cấp vốn lưu động như Khoa học Xã hội, Mỹ thuật, Quân đội Nhân dân, Thanh niên, Văn Nghệ TPHCM... Nhiều NXB phải toát mồ hôi tự xoay xở vốn” - Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm nói.

Đúng ra, khi thành lập NXB, cơ quan chủ quản phải cấp vốn ban đầu. Thế nhưng, nhiều cơ quan chủ quản chỉ lo đến việc xin cho ra đời NXB,   rồi sau đó kệ đứa con của mình xoay sở.  Số NXB có trụ sở khang trang, vì thế, rất ít, như Giáo dục, Chính trị Quốc gia, Quân đội Nhân dân, Phụ nữ, Kim Đồng...

Nhiều NXB không có trụ sở phải đi thuê (như NXB Tư pháp hay Thông tin - truyền thông), hoặc nếu có thì xuống cấp trầm trọng (tới gần 30 NXB), hoặc tệ hơn là ở ké cơ quan chủ quản.

Nhà nước có chính sách đặt hàng các loại sách phục vụ nhiệm vụ chính trị, với mức từ 6 - 8 tỷ đồng/năm. Nếu chia đều cho 55 NXB thì trung bình mỗi NXB được vài trăm triệu, tái đầu tư chẳng bõ bèn. Vì vậy, họ phải liên doanh, liên kết, có NXB sống qua ngày bằng cách bán giấy phép,  đá lộn sân NXB bạn...

Không thể phủ nhận việc có một số NXB kém năng động, thậm chí có tư tưởng ỷ lại, trông chờ bầu sữa Nhà nước nhưng nhìn tổng thể và sâu xa, những yếu kém trong xuất bản hiện nay, có căn nguyên từ sự chưa quan tâm, đầu tư (về vốn, cơ sở vật chất) một cách thỏa đáng.

Khi Luật Xuất bản bị đá văng...

Không chỉ có vậy, mô hình hoạt động cũng là vấn đề khiến các NXB đau đầu. Hai mô hình chính hiện nay là doanh nghiệp có điều kiện và sự nghiệp có thu. Vừa qua, một số ít NXB chuyển sang hoạt động theo mô hình Cty TNHH một thành viên như: Nông nghiệp, Trẻ, Hà Nội...

Cả nước hiện có 55 NXB (43 TƯ và 12 địa phương). Cuối năm nay, sẽ có thêm 4 NXB ra đời (ba TƯ và một địa phương), nâng tổng số lên 59 NXB.

Khi chuyển sang mô hình này thì NXB đơn thuần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đứng đầu bộ máy là chủ tịch hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty. Điều này hoàn toàn  không đúng với quy định trong Luật Xuất bản khi luật chuyên ngành xác định người đứng đầu NXB là Giám đốc, Tổng biên tập.

Cục trưởng Nguyễn Kiểm thừa nhận đang có độ vênh giữa luật và thực tiễn. “Nếu các NXB bắt buộc phải chuyển sang mô hình Cty TNHH một thành viên thì phải sửa luật” - ông Kiểm nói.

Nghịch lý là ban đổi mới doanh nghiệp T.Ư hối thúc các cơ quan chủ quản NXB chuyển mô hình sang Cty TNHH một thành viên mà dường như không quan tâm đến những quy định của Luật Xuất bản. Luật Xuất bản quy định rõ “NXB tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hoặc đơn vị sự nghiệp có thu” (Điều 11).

Trong khi đó, một số cơ quan chủ quản do không nắm vững luật, NXB lại thụ động, nên vội vã chuyển đổi mô hình hoạt động, gặp phải không ít lúng túng.  Cục Xuất bản thì không được thông báo, thành ra bị động trong quản lý.

Theo ông Kiểm, không nên thống nhất một mô hình hoạt động, vì mỗi NXB có một chức năng, nhiệm vụ khác nhau, như về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Đối với  những NXB chuyên làm nhiệm vụ chính trị thì không thể bắt họ chạy theo lợi nhuận.”Cần phải có ngay một cuộc đại phẫu thuật về cơ chế các NXB” - ông Kiểm kết luận.

MỚI - NÓNG