Học bơi

Học bơi
TP - Trong tháng 8 sự kiện thu hút sự quan tâm của người yêu văn nghệ chính là buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Tại đây người đứng đầu Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề cơ sở vật chất, kinh phí, đời sống văn nghệ sỹ. 

Một trong những kiến nghị được giới văn nghệ bình luận nhiều chính là chuyện chiếc xe của người đứng đầu Liên hiệp. Ông nói: “Tôi từng là người lính, qua mấy cuộc kháng chiến, phương tiện đi lại với người lính không có vấn đề gì. Nhưng đối với người đứng đầu Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thì không thể đi chiếc xe đi mượn rách nát như vậy”, “Tôi biết đất nước còn khó khăn nhưng chắc không khó khăn đến nỗi không thể cấp cho người đứng đầu Liên hiệp hội một chiếc xe đi lại”…

Kiến nghị của vị đứng đầu được giải quyết nhưng có những bình luận từ phía độc giả khiến người ta không thể không suy nghĩ. Một độc giả nhắc đến câu thơ của Xuân Diệu: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu” và thắc mắc, sao bây giờ đang hòa bình xây dựng, người người đang chịu khó làm việc để thoát nghèo và làm giàu thì văn nghệ sỹ đi xin Nhà nước ô tô, tiền rồi cả nhà? Vị này đưa ra giải pháp: “Tôi nghĩ các nghệ sỹ cứ chịu khó làm việc, miệt mài sáng tác rồi sẽ có tác phẩm hay, từ đó rồi sẽ có tiền, có ô tô và có nhà”. Bình luận trên nhận được nhiều hưởng ứng, có người còn bình thêm: “Căn bản là phải đổi mới tư duy. Giới văn nghệ sỹ nhà ta đã quen với cơ chế xin-cho rồi”. Lại có người thắc mắc: “Tại sao những nghệ sỹ trẻ ít khi kêu ca, trong khi họ cũng không sướng gì hơn những “cây đa, cây đề”? Có lẽ, thay vì lên tiếng họ dành thời gian tìm đường “tự cứu mình” chăng?

Trong buổi làm việc, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam còn mang chuyện giải cứu dưa hấu ra so với chuyện giải cứu tranh để đi đến kết luận não lòng: “Dưa thì giải cứu được, tranh thì không”. Người đứng đầu Hội Mỹ thuật than: “Bây giờ cơ chế thị trường, nếu sáng tác các đề tài bảo vệ Tổ quốc thì không ai mua, đến bảo tàng, chính quyền cũng không mua”. Nghe qua có vẻ Chủ tịch Hội Mỹ thuật than đúng song xét đến cùng, tranh có người mua hay không, lỗi đâu ở đề tài? Và cũng không ai ép người nghệ sỹ chỉ được sáng tác quanh một đề tài. Chính Thủ tướng cũng khuyến khích: “Chúng ta không chạy theo thị trường, thương mại hóa nhưng chúng ta cần nghiên cứu xu hướng, nhu cầu của thị trường để đáp ứng”.

Lại nhớ vụ đường sách Nguyễn Văn Bình- TPHCM thất thu do hai bãi giữ xe bị ngưng hoạt động thời gian qua, gây ra dư luận nhiều chiều. Có những người cho rằng nên ưu tiên tuyệt đối những hoạt động liên quan đến sách vở, bởi văn hóa đọc của ta đang đi xuống ở mức báo động. Song khá nhiều người dân ở Sài Gòn đưa ra giải pháp: Tập thói quen đi bộ một chút. “Tại sao cứ phải một bước là đi xe và gửi xe sát nách đường sách mới được?”;  “Tập đi bộ một quãng đường vài trăm mét là bình thường thôi”; “Tiện đâu đậu đó riết rồi dân mình lười đi bộ quá” v.v...

 Bao giờ thì người dân thành thị tập thói quen đi bộ? Bao giờ các Hội văn nghệ ở ta vào cuộc “học bơi”?

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.