Học làm báo với Chánh Trinh

Nhà báo Chánh Trinh
Nhà báo Chánh Trinh
TP - Chánh Trinh là một nhà báo siêu hạng, một nhà báo đã hành nghề báo đúng nghĩa ở cả hai chế độ. Và, dù làm báo đối lập thời Việt Nam cộng hòa, hay làm báo thời Việt Nam XHCN, thì Chánh Trinh vẫn giữ nguyên một nhiệt tình cháy bỏng với nghề nghiệp.

Hiếm có nhà báo nào yêu nghề như Chánh Trinh, dù anh gặp không ít khó khăn khi hành nghề báo, ở cả hai chế độ. Chánh Trinh là người mát tính. Anh nồng nhiệt với nghề báo bao nhiêu, thì lại tỉnh táo và mềm mỏng khi phải đối xử với những tình huống, trong đó có những tình huống xảy ra ngoài ý muốn, bấy nhiêu. Có thời gian vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Chánh Trinh buộc phải thay đổi báo liên tục, lúc anh làm báo này, lúc lại khởi xướng ra báo khác.

Dĩ nhiên đều là báo nhà nước, nhưng nếu không có Chánh Trinh cầm chịch chuyên môn ở vai trò thư ký tòa soạn, thì gần như tờ báo ấy khó chào đời, càng khó hơn để có thể sống được trong cơ chế thị trường. Mà báo Chánh Trinh làm thì phải bán ra sạp, chứ không “phân phối” hay xin các cơ quan “ủng hộ” bằng cách mua giúp. Báo do Chánh Trinh làm, dù anh chỉ làm thư ký tòa soạn chứ không phải Tổng biên tập, đều mang đậm dấu ấn Chánh Trinh, và thảy đều hấp dẫn.

Tôi còn nhớ, khi Chánh Trinh làm thư ký tòa soạn tờ “Lao động” cuối tuần, có lần tôi vừa ra Hà Nội, đang ở nhà dịch giả Nguyễn Trung Đức số 8 Tràng Tiền, thì nhận được tin “Cụ” Rùa mới nổi ở Hồ Gươm. Nhân có nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán tới chơi, tôi giục anh Toán cùng tôi gấp gáp ra bờ Hồ. Ở đó, bà con đang xúm đen xúm đỏ xem… “Cụ” Rùa nổi. Cụ nổi lên thật. Và to thật. Nguyễn Đình Toán chụp ngay được những bức ảnh đắt giá, dù hàng ngày anh chuyên chụp chân dung văn nghệ sĩ. Nhưng tôi nghĩ, “Cụ” Rùa có khi còn nghệ sĩ hơn khá nhiều văn nghệ sĩ ở ta nữa, vả lại “Cụ” vốn rất khiêm nhường, không hay chường mặt chém gió như nhiều văn nghệ sĩ ở ta, nên rất khó có cơ hội tiếp cận “Cụ”. Nay thì “Cụ” không biết vì lý do gì, đã nổi, đã đồng ý cho chụp ảnh, quay phim. Và tại sao không, cho phỏng vấn? Ý tưởng vụt tới trong tôi. Thế là tôi xong. Đợi anh Toán hoàn tất serie ảnh “Cụ” Rùa, tôi về lại nhà anh Trung Đức, và ở đó, tôi cũng xong luôn một “tin nóng” và bài phỏng vấn “Cụ” Rùa, dĩ nhiên là một phỏng vấn theo thể giả tưởng. Gửi ngay cho anh Chánh Trinh, lúc ấy đang làm việc ở 51 Hàng Bồ (trụ sở báo Lao Động).

Ngay sáng hôm sau, mua báo Lao Động cuối tuần, đã thấy ngay trên trang nhất ảnh chân dung “Cụ” Rùa của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, kèm cái “tin nóng” của tôi. Ở trang trong, lại xuất hiện luôn bài phỏng vấn “Cụ” Rùa của tôi, một bài phỏng vấn nửa đùa nửa thật, nhưng vui. Và số báo hôm ấy được nhiều người đón đọc, báo bán khá chạy. Chánh Trinh đã rất nhanh trong trường hợp cụ thể và không có gì lớn này, nhưng điều đó chứng tỏ sự nhạy cảm nghề nghiệp của anh.

Mấy hôm sau, tôi khá choáng khi nhận nhuận bút: cái tin được trả 200.000đ, còn bài “phỏng vấn” thì được những 400.000đ. Vào thời điểm ấy, đó là một mức nhuận bút khá lớn mà tôi ít dám nghĩ tới. Đơn giản, chỉ vì cái tin và bài phỏng vấn của tôi về “Cụ” Rùa thuộc loại “tin, bài độc đáo và ăn khách”, vậy thôi.

Tôi phải xin nói: tôi viết nhanh được như thế, chính là nhờ…Chánh Trinh. Anh đã đào tạo tôi, từ một thằng nhà thơ lông bông, thành một nhà báo bình luận bóng đá nghiêm túc và rất có…nghề. Nghề ấy, Chánh Trinh dạy tôi. Qua những trao đổi thân tình anh em với nhau. Tôi mãi biết ơn anh vì điều đó.

Thanh Thảo

Chánh Trinh là người sắc sảo nhưng nhân hậu. Với đồng nghiệp, anh luôn muốn đồng hành với họ, giúp họ trong khả năng nghiệp vụ và kinh nghiệm mà anh sở đắc. Tôi là người được hưởng lợi từ Chánh Trinh. Số là vào năm 1994, lần đầu tiên World Cup được tổ chức tại Mỹ, cũng là lần đầu tiên VTV chính thức đạt thỏa thuận phát sóng giải đấu này. 

Hầu như tất cả các tờ báo lớn ở Việt Nam lúc ấy đều ra phụ trương, tin nhanh về World Cup, trong đó có báo Lao Động mà Chánh Trinh đang làm. Một hôm, vào lúc giải đấu bắt đầu được vài ngày, tôi nhận được điện thoại từ Chánh Trinh, bấy giờ chỉ là điện thoại bàn. Chánh Trinh mời tôi tham gia viết bài cho “Tin nhanh World Cup” của báo Lao Động. Tôi hơi ngạc nhiên.

Trước đó, tôi chỉ mới có mấy bài thơ về bóng đá, chứ chưa viết bình luận bóng đá bao giờ. Nhưng tôi rất thích thú trước đề nghị này, và lập tức nhận lời. Tôi nhớ, bài bình luận đầu tiên về bóng đá của mình được viết như một…bài thơ văn xuôi, mượn tên một ca khúc nổi tiếng thế giới: “Đừng khóc cho tôi, hỡi Argentina!”. Bài viết hoàn toàn ngẫu hứng ấy không ngờ được thư ký tòa soạn Chánh Trinh khen quá trời, khiến tôi vô cùng phấn khởi, và xông lên viết tiếp. Mỗi ngày tôi viết một bài, và Chánh Trinh dành hẳn “đất” cho tôi thỏa sức ngẫu hứng về bóng đá và…đủ thứ. Tự nhiên, nhờ Chánh Trinh, tôi thành “nhà bình luận bóng đá” lúc nào không hay. Tôi mừng vô cùng, vì kể từ đó, tôi đã có “cửa” để kiếm sống. Viết báo, với tôi, đầu tiên là để kiếm sống (bằng nhuận bút), rồi sau đó mới tính đến các ý nghĩa cao siêu khác. Chánh Trinh hoàn toàn thông cảm với tôi về điều đó, vì chính anh cũng làm báo để… kiếm sống. Tuy nhiên, anh luôn đặt niềm đam mê làm báo của mình cao hơn chuyện kiếm sống.

Học làm báo với Chánh Trinh ảnh 1 Chánh Trinh thời trẻ
Khi đã thân nhau, tôi mới được nghe Chánh Trinh kể chuyện về thời gian khốn khó nhất đời anh, xảy ra sau giải phóng, khi Chánh Trinh từ chối di tản để ở lại Sài Gòn nhưng chưa biết làm gì để sống. Và gia đình lâm vào hoàn cảnh quá ngặt. Đồ đạc trong nhà cứ mỗi ngày lại “đội nón ra đi”, mỗi ngày phải bán một món đồ để có tiền chợ và chi dùng trong nhà, đến nỗi khi trong nhà đã trở nên trống hươ trống hoác, mà nhu cầu chi dùng thì vẫn hiện ra lù lù trước mắt.

Chánh Trinh kể, do khó quá nên thằng con anh phải vừa đi học vừa làm thêm ở một nhà hàng, phụ rửa chén để kiếm chút tiền. Có một đêm, Chánh Trinh đi chiếc xe honda cũ từ tòa soạn về nhà, đường phố mất điện, bất đồ anh tông phải một người đi xe đạp. Hết hồn, Chánh Trinh vội vàng xuống đỡ người đi xe đạp dậy, miệng rối rít xin lỗi, rồi ớ ra vì người đi xe đạp bị tông ấy là…con trai mình. Hai bố con ôm nhau…khóc. Đúng là không phải “vừa đi vừa khóc”, mà “giữa đường đứng khóc”. Nhưng tất cả những khốn khó ấy không hề ngăn cản Chánh Trinh đam mê nghề báo. Anh lại tiếp tục “ẩn danh” để làm thư ký tòa soạn, lại tiếp tục truyền nghề cho nhiều nhà báo trẻ, và từ một cây bút bình luận chính trị sắc bén của tờ “Điện tín” thời Việt Nam cộng hòa, Chánh Trinh bỗng chốc thành nhà bình luận thể thao, cũng rất sắc sảo. Chính ở chỗ này mà tôi có cơ may được cộng tác với anh, được anh “truyền” cho nhiều “bí kíp” làm báo. Chỉ xin kể một trong những “bí kíp” đó. World Cup năm 1998 tổ chức tại Pháp, một lễ hội bóng đá mang đậm chất văn hóa Pháp, đúng là thời cơ cho Chánh Trinh-một người “bước ra” từ văn hóa Pháp-thi triển những tích lũy văn hóa từ bao nhiêu năm của mình. Với tôi, đó cũng là thời điểm đáng nhớ, vì mùa hè năm ấy tôi dẫn con đi thi đại học, vào Sài Gòn cả ba bố con đêm thức xem bóng đá, ngày con đi thi thì bố đi…nhậu.

Hồi đó, máy tính còn quá xa lạ với tôi, công cụ hành nghề báo của tôi là chiếc máy chữ xách tay, thuộc loại nhỏ xinh so với hồi ấy, nhưng là cực nặng nề và cục mịch so với bây giờ. Đêm, sau khi xem xong một trận bóng, tôi lại cắm đầu đánh máy chữ, rồi sai con mang bản thảo xuống phòng lễ tân của khách sạn để nhờ…fax về tòa soạn. Mỗi trang fax phải trả 2.000đ. Lúc đó, có khi đã hơn 3 giờ sáng. Vậy mà đúng 5 giờ sáng, báo đã phát hành, chạy khắp Sài Gòn. Tinh thần làm báo hồi ấy đúng là… siêu thật! Tôi nhớ, khi đó Chánh Trinh làm chủ một tờ “Tin nhanh World Cup”, có nhà thơ Nguyễn Đỗ là cộng sự. Suốt tháng World Cup, Chánh Trinh thức trắng đêm. Thấy tôi phải bò ra viết nhiều bài quá trong một đêm, Chánh Trinh mới bày cho tôi: “Muốn viết nhanh, kịp thời gian cho báo, thì khi trận đấu đi được một hiệp, ông cũng phải xong hơn nửa bài, hoặc hai phần ba bài. Sau đó, khi trận đấu kết thúc, mình chỉ thêm một đoạn bình luận tổng quát, kèm kết quả nữa là…xong”.

Tôi thấy “bí kíp” này quá hay, nên áp dụng luôn. Không ngờ, thành công ngoài mong đợi. Ở nhiều tòa soạn báo mà tôi cộng tác bài bình luận bóng đá, người ta ngạc nhiên không hiểu vì sao tôi lại viết nhanh như vậy? Trận đấu vừa kết thúc thì tôi đã có bài. Không thể nhanh hơn. 

MỚI - NÓNG