Học Sử từ những tên đường

Học Sử từ những tên đường
TP - Ở nước ta có hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thống kê chưa đầy đủ thì Hà Nội có khoảng gần 1.000 đường, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.500 đường lớn nhỏ và có hơn 100 đường trùng tên nhau.

Nhớ tên từng con đường trong thành phố là cả một vấn đề chứ đừng nói tới  chuyện biết sâu xa hơn về nguồn gốc của từng tên đường đó. Và chuyện không biết, và giải thích sai về nhân vật được đặt tên đường là hoàn toàn dễ hiểu.

Chưa đề cập tới chuyện thiếu kiến thức về lịch sử, và xã hội, ở bài này, tôi chỉ muốn bàn qua những bất cập khi đặt tên  đường, phố. 

Như ở Tây Âu, tên đường được quy hoạch theo vùng, và tên đường ở mỗi vùng có một chủ đề rất riêng.

Ví dụ tên đường của một vùng có thể đặt theo tên của một văn sĩ thế kỷ 17,18 theo một trường phái hay một phong trào văn học, hay tên của một hoạ sĩ, chính trị gia, nhà khoa học.

Còn ở Việt Nam thì sao, nó không mang một trật tự nhất định nào cả, tất cả như một trận đồ bát quái. Các con đường, tuyến phố hoà quyện với nhau như bát bún thang, một đặc sản của thủ đô Hà Nội.

Vấn đề tên đường mặc dù đã có tiêu chí là chỉ đặt một tên đối với những con đường dài thông suốt, song hiện nay vẫn có những con đường  thông suốt, dù dài hay ngắn, vẫn bị cắt ra làm nhiều đoạn và mỗi đoạn được gắn một cái tên.

Như ở TP Hồ Chí Minh, đường Hai Bà Trưng từ Nhà hát Thành phố đến Cầu Kiệu thì chuyển thành đường Phan Đình Phùng. Đường Nguyễn Văn Trỗi từ công viên Hoàng Văn Thụ đến cầu Công Lý thì cắt thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa...

Nhiều ý kiến cho rằng việc đặt tên đường nên tuân theo một nguyên tắc chung, chẳng hạn, tên danh nhân lớn nên đặt cho đường lớn hoặc đường chính. Tên các danh nhân, hoặc địa danh nhỏ hơn thì đặt cho các đường nhỏ hơn hoặc đường xương cá.

Ví dụ như đường Hùng Vương là đường chính thì có một loạt đường nối vào hoặc cắt ngang cũng mang tên các danh nhân, danh tướng như Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng...

Tránh trường hợp như đường Trần Hưng Đạo, đường mang tên một danh tướng lớn, nhưng lại ít có đường nào cắt ngang hoặc nối vào xứng tầm.

Mặt khác khi đặt tên đường cũng nên xét theo phương diện sử học.

Chẳng hạn đường Ngô Quyền thì nên nối với những danh nhân, tướng lĩnh thời đó, đường Lê Lai nên nối với đường Lê Lợi, đường Ngô Quyền nối với Ngũ Hành Sơn rồi nối với Lê Văn Hiên như ở Thành phố Đà Nẵng có hợp lý không?

Ngoài ra việc đặt tên đường theo từng cụm, từng thời kỳ lịch  sử  còn giúp nhân dân hiểu biết nhiều hơn về lịch sử nước nhà, các danh nhân, danh tướng nước nhà.

Ví dụ, khi được hỏi về đường Hai Bà Trưng, am hiểu một chút về lịch sử cũng xác định được nó nằm ở khu vực gần trục chính Hùng Vương nếu quy về thời kỳ lịch sử.

Cần lập ra một  website để bạn đọc tìm hiểu và phản ánh các nguyện vọng của mình về vấn đề tên đường cũng là cần thiết.  

MỚI - NÓNG