Học và dạy ở thế kỉ 21

Học và dạy ở thế kỉ 21
TP - 1. Bạn tôi làm ở Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh, hay phải đi các địa phương hướng dẫn phong trào. Tôi hỏi giáo trình của anh thế nào. Anh tỉnh queo: “Giáo trình nào! Đến lớp, tôi chỉ hỏi chuyện để biết anh em ở trình độ nào rồi liệu mà nói”.

Anh than vãn: “Sốt ruột lắm, học viên cứ hỏi “thầy ơi, chụp thế nào”. Tôi bảo, trên lớp tôi đã hướng dẫn kỹ thuật, cách nắm bắt vấn đề, còn chụp như thế nào thì tôi có ở trong đầu bạn đâu mà biết”. Nghe vậy rất nhiều môn sinh thất vọng.

Cũng không thể trách các môn sinh. Nhiều người vẫn theo tinh thần thời phổ thông- thầy đọc cho chép và nhai lại khi trả bài. Nay đem tinh thần đó vào môi trường sáng tạo. Sáng tạo là tìm cái mới, nếu cứ bắt chước thầy thì còn gì là sáng tạo. Bạn tôi đúng, nhưng mấy ai đã hiểu điều đó.

2. Con tôi dạy vẽ cho một lớp tư thục có trẻ là người nước ngoài. Nó bảo trước đó có mấy người dạy nhưng không trụ nổi. Là vì dạy vẽ cho trẻ con mà thầy cứ bày mẫu bắt lũ trẻ vẽ theo. Đứa nào vẽ chuẩn mẫu thì cho điểm cao. Lũ trẻ chán ngấy còn thầy lại cho là chúng lười nhác.

Con tôi theo phương pháp khác. Bài vẽ gà nó dùng hồ bồi giấy làm thành 5 mẫu khác nhau, con giống như thật, con lại như củ khoai cắm tăm. Chẳng con nào giống con nào, chỉ cốt nhận ra gà là được. Nó còn khuyến khích, em nào có cách làm hay hơn, vẫn ra con gà mà không giống các con mẫu có sẵn. Thế là cả lớp hồ hởi, đàn gà dưới mỗi cách nhìn trở nên vô cùng sống động.

Lũ trẻ thích thú với cách học này và chỉ mong chóng đến ngày có giờ học vẽ để được làm theo ý chúng. Tôi khen đó là cách làm sáng tạo. Nó cười: “Mới gì đâu bố, đầy trên mạng”. Thì ra với phương pháp giáo dục ở thế kỉ 21, kiến thức của một người thầy giỏi đã trở nên quá nhỏ bé.

3. Hồi mới ra trường, tôi được một phóng viên đàn anh kể cho nghe chuyện học ở trường báo chí. Anh bảo: Lạ thật, thằng T. trước học cùng tớ dốt nhất lớp, chẳng bao giờ thuộc bài, thế mà bây giờ thành nhà văn đấy. Tôi hỏi: Vậy còn anh? “Không thể so được, tớ xếp trên nó nhiều”.

Tôi nín lặng. Nhà văn đó tôi biết vì anh khá nổi tiếng. Còn anh phóng viên kia chỉ đi viết bài khi được tổng biên tập giao việc.

Rời trường phổ thông rồi đại học, tôi đi học mấy lớp quản lý, nghiệp vụ, công tác công đoàn, nghe chuyên viên lên lớp, thấy thường là một bài nói mà diễn giả môi trường nào cũng sử dụng. Học viên có hỏi rộng ra thì diễn giả hẹn dịp khác với lí do không đủ thời giờ.

Đổi mới giáo dục trước hết phải đổi mới từ nhận thức, và phải từ dạy vỡ lòng, cho đến bậc sau đại học. Cách làm giáo dục kiểu sao chép kiến thức để lấy điểm cao chỉ dẫn đến sa mạc hóa khoa học và nghệ thuật.

MỚI - NÓNG